VinUni hướng đến đào tạo ra những nhân tài của tương lai

Phó Chủ tịch tập đoàn Vingroup bày tỏ VinUni muốn đào tạo ra những nhân tài của tương lai và xác định đi theo con đường “đại học tinh hoa”.

Phó Chủ tịch tập đoàn Vingroup bày tỏ VinUni muốn đào tạo ra những nhân tài của tương lai và xác định đi theo con đường “đại học tinh hoa”.

Những nhầm lẫn về nhân tài

Ngày 4/11/2019 nhóm dự án Trường ĐH Vin tổ chức toạ đàm “Vì sao các quốc gia muốn phát triển cần có đại học tinh hoa”, giới thiệu những nghiên cứu về nhân tài cũng như cách thức tuyển sinh, đào tạo của trường theo mục tiêu này.

Tại tọa đàm, bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch tập đoàn Vingroup cho hay, nhân tài có 3 đặc điểm nổi bật: Là người sáng tạo ra ý tưởng, công trình, sản phẩm; Có tác động lớn, ảnh hưởng tích cực đến đời sống con người; Là “nhà sản xuất” ra các thành quả xuất sắc, trong khi những người còn lại thụ hưởng thành quả đó.

Dẫn một khảo sát quốc tế về nhu cầu nhân tài trên thế giới, bà Mai Lan cho rằng khu vực châu Á Thái Bình Dương “khát” nhân tài nhiều nhất, với tỷ lệ 87%, ít nhất là khu vực Bắc Âu; quốc gia đang “khát” nhiều nhất là Ấn Độ với 89%. Cạnh tranh các quốc gia hiện nay là cạnh tranh về nhân tài. Trong bối cảnh robot đang thay thế dần cho con người thì nhu cầu nhân tài càng cần thiết bởi nhân tài là những người có năng lực dẫn dắt sự thay đổi.

Tại Mỹ, chính phủ, các doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân đã xây dựng nên hệ thống 8 trường Ivy League chính là mô hình trường tinh hoa đào tạo nhân tài.

Ở châu Á, nhiều nước đã đầu tư những khoản tiền lớn để  làm việc này bởi xác định đây là yếu tố sống còn tạo nên sự thịnh vượng.

Đơn cử, Hàn Quốc có chương trình Brain Korea 21 được đầu tư 3,5 tỉ USD; Đài Loan có chương trình 550 đầu tư 1,7 tỉ USD; Trung Quốc có chương trình China 985 đầu tư 10 tỉ USD hay Nhật Bản với GCE Japan đầu tư 2,5 tỉ USD. Tất cả đều hướng tới mục tiêu đầu tư cho đại học tinh hoa, nhằm tìm kiếm, đào tạo và phát triển nhân tài.

VinUni hướng đến đào tạo ra những nhân tài của tương lai-1
 Bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch tập đoàn VinGroup giới thiệu nghiên cứu về nhân tài của nhóm dự án.

Tại buổi toạ đàm, TS Lan cũng đã nêu “4 phát hiện” sau khi nghiên cứu về nhân tài: Chỉ số IQ cao chưa hẳn là nhân tài; Có nhiều hơn 1 loại tài năng; Học giỏi không có nghĩa là có tố chất thiên bẩm; Nhân tài là “nơi gặp nhau” của 3 vòng tròn tố chất thiên bẩm: Có trí thông minh hơn người; Luôn sáng tạo; Tính kiên định, tự tin, làm đến cùng.

Lý giải tại sao lại thành lập trường đại học trong khi cả nước đã có khoảng 400 trường, bà Lan bày tỏ: “Chúng tôi không muốn trở thành trường ĐH thứ 401 tại VN, chúng tôi muốn đào tạo ra những nhân tài của tương lai”. Trường ĐH Vin xác định đi theo con đường “đại học tinh hoa”.

GS Rohit Verma - Hiệu trưởng VinUni nói thêm rằng đại học tinh hoa không chỉ tuyển sinh viên, gọi họ đến học mà phải liên tục sáng tạo ra kiến thức mới và truyền đạt kiến thức đó ra xã hội. Ông cũng cho rằng cách tuyển sinh bằng thi đầu vào không phải là ý tưởng tốt.

Không gắn kết với môi trường, nhân tài khó thành công

Có mặt tại buổi toạ đàm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết ý tưởng xây dựng trường đại học “đẳng cấp thế giới” theo định hướng đại học tinh hoa từng xuất hiện hơn 10 năm trước đây và một mô hình đại học kiểu Harvard tại Việt Nam khá trầy trật mới ra được hình hài. Do đó, mục tiêu việc xây dựng đại học tinh hoa của Vingroup là một cố gắng rất to lớn.

VinUni hướng đến đào tạo ra những nhân tài của tương lai-2
TS Nguyễn Sĩ Dũng nêu vấn đề về nhu cầu nhân tài của Việt Nam.

Ông cũng băn khoăn liệu “những người tài được đào tạo theo mô hình Mỹ có phát huy được trong môi trường văn hóa, mô hình tổ chức xã hội của Việt Nam hay không? Sinh viên sau này ra trường, làm cho hệ sinh thái của tập đoàn thì phù hợp nhưng mức độ thích nghi với xã hội thế nào?” Theo ông, nếu không có gắn kết với văn hóa, với môi trường xã hội ở Việt Nam, thì chưa chắc “người tài” đã thành công.

Theo ông, Việt Nam thiếu nhiều nhân tài nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội. Lĩnh vực này không thể nhập khẩu nhưng lại là lĩnh vực nền tảng. Trong khi đó, VinUni chỉ hướng tới việc phát triển đào tạo 3 lĩnh vực trọng điểm là kinh doanh, công nghệ và khoa học sức khỏe.

Hồi đáp những băn khoăn đó, GS Rohit Verma nói rằng trước hết nhà trường xác định 3 lĩnh vực mà Việt Nam rất cần rồi tập trung làm theo hướng đó. Sau khi thành công, sẽ phát triển ra các lĩnh vực khác mà khoa học xã hội là một ưu tiên.

Cách thức tuyển sinh và đào tạo của VinUni

Tiêu chí tuyển sinh:

+Điểm số học tập tốt.

+ Tính cách bộc lộ khả năng lãnh đạo, dẫn dắt.

+ Có năng lực phản biện.

+ Có tinh thần khởi nghiệp

+ Có tài năng đặc biệt về 1 lĩnh vực cụ thể.

+ Điều kiện sống đa dạng:

+ Có cá tính, ý tưởng riêng.

Các bước tuyển chọn:

Vòng 1: Sơ tuyển, sàng lọc; Vòng 2: Xét toàn diện hồ sơ; Vòng 3: Phỏng vấn, làm bài test ngắn.

Trường sẽ dạy bằng tiếng Anh, chú trọng cho sinh viên nghiên cứu, làm khoa học thực chứng; SV có 1 học kì doanh nghiệp, 1 học kì học tại nước ngoài.

Minh Tuấn


đào tạo nhân tài

đại học tinh hoa


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.