Mặc dù giá xăng dầu, vận tải... đã "ngấm" vào lạm phát tháng 1 tại hai thành phố lớn Hà Nội, TPHCM, tuy nhiên, do sức cầu năm nay yếu hơn cùng kỳ các năm kèm theo loạt giải pháp bình ổn giá nên CPI tháng cận Tết không nhiều biến động.

TPHCM có mức tăng CPI tháng 1 thấp nhất 2 năm (Ảnh minh họa).
Báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng khởi đầu năm 2014 được
một số địa phương công bố cho thấy, với cầu tiêu dùng xuống thấp, cùng
các biện pháp bình ổn giá được triển khai tại những thành phố lớn, lạm
phát vẫn chưa có dấu hiệu tăng mạnh.
Cần lưu ý, kỳ tính CPI tháng này chỉ tới 15/1/2014, các hoạt động
mua sắm Tết của người dân sẽ được phản ánh vào giá trong kỳ tính CPI của
tháng 2.
Cụ thể, tại Hà Nội, CPI tăng 0,7% so với tháng 12/2013 và tăng
6,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số 11 nhóm hàng, chỉ có duy nhất
nhóm bưu chính - viễn thông giữ nguyên mức giá, còn lại 10/11 nhóm hàng
hóa, dịch vụ khác đều có chỉ số giá tăng.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng mạnh nhất với mức tăng 1,29% và nhóm giao thông tăng 1,19%.
Theo nhận định chung của Cục Thống kê TP.Hà Nội, đến thời điểm hiện
tại, sức mua đã tăng nhưng giá cả chưa có biến động lớn. Thực phẩm có
loại tăng, có loại giảm nhẹ do lượng hàng hóa dồi dào cộng với sự bình
ổn giá trên địa bàn.
Tại TP.HCM, chỉ số CPI cũng chỉ tăng 0,4% so với tháng 12/2013 và
là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại. Nhóm nhà ở, điện, nước,
chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,2% và nhóm giao thông tăng 1,24% -
đây là hai nhóm có chỉ số giá tăng mạnh nhất trong rổ chỉ số.
Có thể thấy, việc tăng giá bán lẻ xăng dầu ngày 18/12/2013 đã có
tác động đáng kể đến chỉ số giá của nhóm giao thông trong tháng này.
Trao đổi với Dân trí trước đó, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ thống
kê giá thuộc Tổng cục Thống kê cho biết, với mức tăng giá xăng dầu trung
bình 580 đồng/lít vừa qua sẽ ảnh hưởng đến CPI tháng 1/2013 của cả nước
là 0,1%.
Bên cạnh đó, mặc dù chưa phải đến thời kỳ cao điểm của lưu thông
trong dịp Tết, tuy nhiên, do hoạt động mua vé thông thường được thực
hiện sớm nên với việc một số hãng vận tải điều chỉnh giá vé đã khiến chỉ
số giá giao thông tăng trên 1% trong tháng này. Dự kiến, chỉ số giá
giao thông còn tăng mạnh trong kỳ tính CPI tháng 2.
Việc chủ động kiềm chế lạm phát trong các tháng giáp Tết và tháng
Tết đã được triển khai thông qua liên tiếp một loạt văn bản chỉ đạo của
Chính phủ và các bộ, ngành gửi về địa phương thời gian gần đây.
Nếu như Bộ Công thương có các hoạt động liên quan đến bình ổn giá,
tổ chức các doanh nghiệp lớn đăng ký cung ứng bán hàng với giá niêm yết
tại các siêu thị và các điểm bình ổn tại Hà Nội, TPHCM và các địa bàn
trọng điểm thì Bộ Tài chính cũng có công văn gửi 19 tỉnh thành yêu cầu
tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp kiểm soát lạm phát.
Theo Dân trí