"Hơn 20 năm con ở lì trong bóng tối, giờ đã đến lúc con phải đi về phía trước rồi", Ngô Quý Hải (quê huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) dõng dạc nói với bố mẹ. Trên gương mặt biến dạng chằng chịt những sẹo, nhìn như dị nhân, đôi mắt Hải long lanh khi nói về quyết định thay đổi cả cuộc đời mình.
Soạn đồ từ mấy hôm trước, Hải lật đật kiểm tra hành lý lần cuối. Bố mẹ và anh trai, em gái nghẹn ngào tiễn Hải lên chuyến xe vào TPHCM. Cả gia đình chỉ vội chụp với nhau bức ảnh, rồi bóng lưng Hải dần đi khuất.
Hải muốn rời quê để tự khởi nghiệp một lần nữa. Bởi chàng trai muốn nuôi ước mơ mở một tiệm bánh, tự làm chủ cuộc đời mình.
Bếp lửa nghiệt ngã
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nông, dù không khá giả nhưng bố mẹ luôn cố gắng để 3 anh em Hải có cuộc sống no đủ. Năm Hải 6 tháng tuổi, biến cố ập đến khiến cả gia đình "sống không bằng chết".
Lúc đó, Hải vô tình té ngã vào bếp lửa. Ngọn lửa bao trọn cả khuôn mặt của cậu bé khóc lặng người, không thành tiếng. Bố mẹ Hải đem con đi chữa trị hết bệnh viện này đến thầy thuốc khác. Tiền không có, bố mẹ phải vay mượn khắp nơi mà những vết sẹo trên gương mặt Hải ngày càng lộ rõ hơn.
Gương mặt biến dạng của Hải sau cú ngã vào ngọn lửa bếp.
Từ đó, Hải lớn lên với nỗi đau một đứa trẻ chưa nhận thức được. Chỉ khi đến trường, với gương mặt "không giống ai", Hải bắt đầu để tâm những lời châm chọc từ bạn bè.
Dần dà, cậu bé càng thu mình hơn. Có những đêm nằm úp mặt vào tường, Hải thầm trách vì sao cuộc đời lại nhẫn tâm với mình như thế. Và rồi Hải rơi vào trầm cảm kéo dài, cậu trai bỏ học giữa chừng.
Hải chẳng chơi với ai trừ một người bạn bị câm điếc. Chàng trai nhớ như in một kỉ niệm đáng quên nhưng không quên được với người bạn thân. "Khi ấy, tôi và bạn vào một tiệm bánh gần nhà vì mê vẻ đẹp của những chiếc bánh quá. Nhưng khi vừa bước vào, chủ tiệm đã đuổi chúng tôi ra bởi ngoại hình của cả hai chẳng giống ai", Hải kể.
Khoảnh khắc đó, chàng trai vừa giận vừa buồn. Hải giận vì sao con người có thể đối xử với nhau như thế. Hải buồn vì chứng kiến người bạn thân cũng rơi vào tình cảnh thật sự không đáng nhớ.
Một ý tưởng thoáng qua, Hải ước bản thân có thể tự mở một tiệm bánh. Ở đó, ai cũng có quyền thưởng thức món bánh thơm ngon. Nhưng ước mơ đó dường như quá to lớn đối với một cậu nhóc chỉ mới 10 tuổi.
Quá tuyệt vọng, Hải bắt đầu sống với thái độ "bất cần đời". Cậu vùi đầu vào chơi game điện tử, nơi mà không ai có thể nhìn thấy hay chỉ trích ngoại hình của Hải nữa.
"Thời đó, tôi còn mơ mình được làm… game thủ. Vì nằm trong phòng chơi game là điều duy nhất mà tôi có thể làm được khi ấy. Còn chuyện ra ngoài gặp mọi người, tôi chưa làm được", Hải bộc bạch.
Đến năm 22 tuổi, thấy tóc bố mẹ bạc dần. Lúc ấy, chàng trai mới nhận ra bản thân đã bỏ phí rất nhiều thời gian, cơ hội và thật sự nghĩ cho cuộc đời mình. Cơ duyên đến, một tổ chức phi chính phủ đã tài trợ cho Hải đến Đức để phẫu thuật tách phần da cổ và ngực.
Một mình đến đất nước xa xôi, Hải không biết bất kỳ dù chỉ một từ tiếng Anh hay tiếng Đức. May mắn, chàng trai nhận được sự giúp đỡ của người đồng hương tại Đức trong suốt một tháng chữa trị. Không những vậy, Hải còn xúc động khi các y bác sĩ người Đức còn mở nhạc quê hương, học tiếng Việt để chào hỏi, trò chuyện với Hải cho cậu đỡ buồn.
"Lần đầu ở xa nhà, tôi cứ nghĩ sẽ buồn lắm nhưng lại vô cùng ấm áp. Chuyến đi đó không chỉ thay đổi diện mạo, mà còn thay đổi những suy nghĩ trong đầu tôi", Quý Hải chia sẻ.
Trở về nước, Hải tịnh dưỡng một thời gian rồi ra Hà Nội học nghề. Hải học tiếng Việt trước để biết con chữ. Chàng trai ngoài 20 khi ấy mới biết nắn nót từng chữ cái mà đáng lẽ phải nằm lòng từ 15 năm trước.
"Viết, đọc được chữ, tôi thấy xúc động lắm nên có những hôm thức đến 2h sáng để luyện tập. Cảm giác cuộc đời mình mở sang trang mới, biết tên mình viết như thế nào thì mới dám tính tới những thứ khác", Hải nói.
Từ học tiếng Việt, Hải học thêm tiếng Anh và xin vào học nghề bếp. Chàng trai chọn nấu món Âu và pha chế bởi mê hình ảnh bắt mắt của những món ăn này.
"Không gì khiến tôi sợ nữa, trừ nỗi sợ không thực hiện được ước mơ"
Tốt nghiệp trường nghề với nhiều hy vọng, Hải vào TPHCM để xin việc tại một nhà hàng. Một mình nơi thành phố hoa lệ, Hải không biết bắt đầu từ đâu. Nhiều hôm, chàng trai phải ngủ một mình ngoài công viên lạnh lẽo. Khi được hỏi "ngủ như vậy có sợ không?", Hải gãi đầu, cười nói: "Tôi chỉ sợ mình không thực hiện được ước mơ, chứ không còn thứ gì khiến tôi sợ nữa. Chỉ có cái ngủ ở công viên hơi nhiều muỗi, gãi… mỏi tay".
Không tiền, không nơi ở, Hải không tuyệt vọng mà còn quyết tâm hơn. Làm việc một thời gian ở các nhà hàng, Hải trở nên tự tin hơn. Những tưởng sẽ bị miệt thị ngoại hình, nhưng nhờ sự cố gắng, chăm chỉ, Hải được tạo cơ hội làm việc.
Đến năm 2021, vì nhớ lại ước mơ mở tiệm bánh, Hải quay về quê hương và bắt đầu khởi nghiệp bằng số tiền tích cóp, mượn thêm của bố mẹ một ít. Vì biết chút pha chế, ngoài bán bánh, Hải còn làm thêm các món nước để phục vụ người dân địa phương.
Lần đầu làm chủ, Hải khá ngại ngùng nhưng rồi cũng dần quen khi được mọi người đến ủng hộ. Đôi lần, khách hàng bước vào, thấy gương mặt Hải rồi vội vàng bước ra. Chàng trai không ít lần chạnh lòng, nhưng cũng cười trừ bỏ qua.
Tiệm bánh mở chưa được bao lâu, dịch Covid-19 bùng phát khiến Hải phải đóng cửa. Thất vọng, Hải một lần nữa thu mình trong nhà.
Mãi đến khi mọi thứ bình thường trở lại, Hải mới lấy chút can đảm cuối cùng để quyết định vào lại TPHCM một lần nữa. "Giờ có cơ hội, thời gian lại không còn nhiều nên tôi không ngại nắm bắt. Nếu bỏ cuộc tại đây, cuộc đời tôi sẽ không còn tia sáng hy vọng nào nữa", Hải quyết tâm.
Đầu năm 2022, Hải vào TPHCM để tự mở tiệm bánh. Có kinh nghiệm từ lần trước, Hải tự tìm nơi ở, xoay sở tiền bạc để chăm sóc cho bản thân.
Được mời học miễn phí tại cơ sở dạy làm bánh để nâng cao tay nghề, Hải mừng rỡ tham gia ngay. "Tôi rất biết ơn vị giám đốc đã cho tôi cơ hội được trau dồi nghề mà bản thân tôi yêu thích. Nhờ những bài dạy, sự ủng hộ ân cần của cô, tôi tin mình có thể vực dậy thêm một lần nữa", Hải nói.
Hoàn thành khóa học, Hải lập tức bắt tay vào làm bánh. Chàng trai ngỏ ý với thầy của mình là anh Nguyễn Văn Nam (28 tuổi) cùng bạn học Thanh Trúc (21 tuổi) để cùng mở tiệm. Tiệm bánh chính thức khai trương tại Sài Gòn tháng 4/2023, với cái tên "Tiệm bánh hướng dương".
"Tôi chọn hoa hướng dương vì hình ảnh đó đúng với cuộc đời tôi. Lúc nào bông hoa cũng hướng về phía trước, về mặt trời và sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước khó khăn", Hải tâm đắc.
Thời gian đầu, vì chưa có nhiều đơn hàng, Hải phải chạy xe giao hàng kiếm thêm tiền trang trải. Cho đến khi đăng tải những đoạn clip làm bánh của mình lên mạng xã hội, chàng trai nhận được sự ủng hộ của hàng nghìn người.
Mặc dù đôi lúc có những bình luận tiêu cực, Hải phớt lờ vì đó chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn tình cảm yêu thương mà cộng đồng mạng dành cho anh.
"Đọc được những bình luận cổ vũ của các bạn, tôi thấy mình đã thành công được một nửa. Những đơn hàng cũng cứ thế mà đến nhiều hơn", Hải nói.
Mở tiệm bánh, Hải không ước mình bán được nhiều tiền. Ước mơ lớn nhất của chàng trai lúc này, chính là lan tỏa được nghị lực sống tới mọi người.
Hơn hết, Hải mong những chiếc bánh mình làm ra sẽ đến tay những em nhỏ có hoàn cảnh bất hạnh. Thỉnh thoảng, có những khách hàng đến mua bánh cho người có hoàn cảnh khó khăn, Hải âm thầm tặng thêm vài chiếc để sẻ chia cùng các bạn.
"Tôi muốn mọi người hiểu rằng, bản thân tôi còn có thể vượt qua được những trở ngại mà thực hiện ước mơ. Mọi người cũng sẽ làm được và không phải nghĩ đến chuyện bỏ cuộc", chàng trai dõng dạc.
Đối với Hải, những vết sẹo trên gương mặt vừa là thứ dìm Hải xuống, nhưng cũng là thứ nâng anh lên. "Những vết sẹo này nhắc tôi nhớ rằng mình phải cố gắng nhiều hơn ngày hôm qua. Cuộc đời đã cho tôi những vết sẹo này, tôi sẽ tự biến nó thành tấm huy chương, chứng tỏ nghị lực của bản thân", chàng trai nói.
Theo Dân trí