Đòi 2 triệu mua điện thoại không được, con chửi mẹ là "chó"


Xin tiền mua điện thoại mẹ không cho liền lên mạng "xả tức" bằng một loạt từ ngữ đầy sự miệt thị. Có nữ sinh gọi mẹ bằng "con chó", có nam sinh xưng tao và gọi bố mẹ là "chúng mày"... Chưa bao giờ tình trạng con cái hỗn hào đến mức mất cả nhân tính với các bậc sinh thành lại rộ lên nhiều như hiện nay.

Báo động tình trạng con cái bất hiếu với bố mẹ

 
 
Mới đây nhất là vụ việc ầm ĩ liên quan đến dòng status của một nam sinh viên trường Đại học Ngoại thương có tên là L.T.H lên facebook chê mẹ nấu ăn dở rồi than thở "sao lại có một người mẹ như thế này". Ngay sau khi thông tin được phát tán trên mạng thì có người tự xưng là "người nhà" của cậu sinh viên này đã liên hệ với một chủ fanpage xin gỡ bài. Đến tối ngày 19/2, sau khi phóng viên giadinh.net.vn điều tra tìm hiểu thì được biết facebook của LTH bị hack. Những dòng status miệt thị mẹ trên facebook là do hacker viết chứ không phải do LTH viết. (?!)

Cách đây không lâu, một thiếu nữ có tên là Nguyen Nhung cũng đã lên facebook chửi mẹ. Vì xin mẹ 2 triệu để mua điện thoại không được đáp ứng, cô gái đã lên facebook chửi mẹ là "con chó". Sự việc này xảy ra cách đây không lâu và đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng facbook một thời gian. Những dòng chữ miệt thị đấng sinh thành và dưỡng dục mình của thiếu nữ này hiện vẫn còn được lưu giữ trên các mặt báo.

Thiếu nữ viết: “*** chưa thấy ai bựa như con mẹ mình, đi nâng mũi sửa ngực sắm quần áo nhìn như con cave nửa mùa thế mà mình xin có 2 triệu mua quần áo mà nó không cho, *** mẹ xấu sẵn rồi thì có đắp vàng cũng *** đẹp, lại còn cong cớn lên đi cặp với mấy thằng trẻ ranh chỉ đáng tuổi mình về thuê nó ***:)) *** bị bố mình bỏ cũng đáng lắm *** con chó”...

 

Trước đó, vào tháng 6/2012, cư dân mạng cũng được một phen xôn xao và phẫn nộ trước những lời lẽ xúc phạm hỗn xược đăng trên Facebook của một teen girl có nickname Quỳnh Anh (nhà ở gần khu vực Kim Mã, Hà Nội). Cô gái xưng “tao” dùng những lời lẽ không thể chấp nhận được khi gọi bà ngoại và bố mẹ mình là “chúng mày”. Nguyên nhân được cho là do cô gái này bị bà và bố mẹ bắt học thêm nên tỏ ra bực tức, khó chịu và đã viết trên trang cá nhân của mình.

Lỗi ở việc bố mẹ đã thỏa mãn mọi nhu cầu của con một cách vô điều kiện ngay từ bé

Lý giải tình trạng suy thoái về đạo đức này, TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, cố vấn tâm lý Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó nguyên nhân lớn nhất vẫn là do giáo dục. Giáo dục ở đây là ở cả 3 phía: xã hội,  nhà trường và gia đình. Hiện tượng con cái đã bước vào tuổi thiếu nữ, đặc biệt là khi đã trở thành sinh viên đại học mà có đối đãi ứng xử với bố mẹ như vậy là một sự báo động về nhân cách. Nhân cách của mỗi người lại được hình thành nên từ nền tảng gia đình, do vậy điều đáng nói ở đây nhất vẫn là sự giáo dục trong  gia đình của những người con đó.

Theo TS Quý, mọi đứa trẻ sinh ra đều giống nhau. Lớn lên, nhân cách được hình thành và tạo  nên từ môi trường sống của đứa trẻ đó. Môi trường gia đình vì thế là môi trường quan trọng nhất ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của mỗi người. Việc những teenboy hoặc teengirl lên mạng chửi mắng và miệt thị bố mẹ, ông bà vì không được đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của chúng cho thấy chúng quá ích kỷ. Sự ích kỷ của con cái xét đến cùng là do bố mẹ không biết giáo dục con. Bởi lẽ mọi đứa trẻ sinh ra không ai sẵn tính ích kỷ cả mà là do giáo dục của bố mẹ, của gia đình.

Ở những cô cậu học trò này, có thể ngay từ lúc nhỏ, bố mẹ chúng đã quá nuông chiều. Họ có cách thương yêu con một cách bản năng theo kiểu con "đòi gì được nấy". Bố mẹ xem đứa trẻ là trung tâm, đòi gì được nấy và tìm cách thỏa mãn mọi nhu cầu của con.  Điều này đã nuôi dưỡng và phát triển tính ích kỷ  của đứa trẻ. Trẻ lớn lên theo cách lúc nào cũng đòi người khác phải thỏa mãn nhu cầu của mình. Trong khi đó nhu cầu của trẻ càng ngày càng lớn, càng phát triển theo vòng xoáy trôn ốc nên bố mẹ không thể chạy theo con mãi để thỏa mãn chúng được. Còn nhỏ, nhu cầu của bé chỉ là chiếc điện thoại trò chơi nhưng lớn lên là cái Iphone, là Ipad, là quần áo xách tay sành điệu...Đứa trẻ quen "đòi là được", đến khi cha mẹ không đáp ứng được nhu cầu được thỏa mãn đó nữa, xung đột sẽ xẩy ra.

Việc bố mẹ tìm cách thỏa mãn mọi nhu cầu của con một cách vô điều kiện sẽ làm cho đứa trẻ hình thành nhân cách xấu. Lớn lên, khi đã hình thành nhân cách rồi thì không thay đổi được nữa. Do vậy, dạy con phải dạy từ bé nhưng không phải ai cũng nhận thức được điều này.

Thực tế thì không ít bậc cha mẹ không có kiến thức nuôi dạy con. Việc thiếu kiến thức làm cha làm mẹ, thiếu kiến thức làm vợ, làm chồng...là tình trạng chung ở xã hội ta. Cha mẹ thường nuôi dạy con theo kinh nghiệm và bản năng của mình. Nghèo thì lo bươn chải kiếm sống, bỏ mặc con cho nhà trường. Khi kinh tế khá hơn một chút thì lại cho con thỏa mãn những yêu sách, đòi hỏi cao hơn. Trong khi đó nguyên tắc trong việc giáo dục con là không nên thỏa mãn mọi nhu cầu của con cái một cách vô điều kiện. Ngay từ bé phải dạy cho con biết giá trị của đồng tiền từ mồ hôi công sức của bố mẹ, giới hạn của việc cho và nhận như thế nào...

Do vậy, TS Quý khuyên rằng, để tránh phải "ăn quả đắng" từ con cái như những trường hợp trên, cha mẹ nên chú ý học hỏi kiến thức về nuôi dạy con. Đặc biệt tránh nuông chiều con một cách vô điều kiện theo kiểu "đòi gì được nấy". Ngay từ khi bé lên 2 lên 3, khi con đòi một thứ đồ chơi hay điều gì đó, bố mẹ nên ra điều kiện cho trẻ. Kiểu "khi con làm cái này thì sẽ nhận được cái kia”…

"Yêu thương con cũng phải có phương pháp, bởi không cẩn thận sẽ rơi vào tình cảnh vừa hại con, vừa hại mình", TS Quý nói.

Theo Giadinh.net



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.