Những TikToker miền sơn cước nói không với thị phi, nổi tiếng khi kể chuyện bắt cá, đi rừng

Trái ngược với loạt trào lưu nhảm nhí, TikTok còn có rất nhiều nội dung thú vị, đáng ngưỡng mộ như câu chuyện của những người trẻ dân tộc thiểu số dưới đây.

Alăng Brắc

Alăng Brắc (SN 1996) là một thanh niên người Cơ Tu ở miền núi huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Anh chàng thu hút sự chú ý trên các nền tảng MXH với những video về cuộc sống đời thường của mình và gia đình, họ hàng làng xóm. Trên TikTok, Alăng Brắc đang sở hữu 407k lượt theo dõi. 

Những TikToker miền sơn cước nói không với thị phi, nổi tiếng khi kể chuyện bắt cá, đi rừng-1

Alăng Brắc (Ảnh: FBNV)

Từng theo học tại trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng nhưng đến khi sắp tốt nghiệp, Alăng Brắc đã phải bỏ dở giữa chừng vì hoàn cảnh quá khó khăn. Sau đó anh chuyển sang chạy xe ôm công nghệ để tích cóp vốn liếng, nung nấu ý định trở thành một YouTuber - TikToker. Khoảng 1 năm sau, anh chàng về quê và bắt đầu thực hiện ước mơ của mình. 

Nội dung video của Alăng Brắc cực kỳ mộc mạc, giản dị. Đó là câu chuyện về núi rừng, về những lần đi vớt cá mùa lũ, bắt tôm dưới khe đá hay lên nương đào gừng, đào nghệ hay chở vợ lên chợ huyện bán nông sản,... Tất cả sự thân thương đó cùng với nụ cười rạng rỡ, chân thật đã khiến những video của Alăng Brắc như chữa lành cho người xem. 

 

Những TikToker miền sơn cước nói không với thị phi, nổi tiếng khi kể chuyện bắt cá, đi rừng-2

Những lần Alăng Brắc đi thu hoạch nông sản. (Ảnh: TikTok Alăng Brắc)

Qua những video của mình, Brắc muốn được lan tỏa văn hóa, phong tục của đồng bào Cơ Tu. Brắc chia sẻ trên Kinh tế và đồ uống: "Ban đầu làm video là để kiếm tiền, nhưng bây giờ, vấn đề kiếm tiền không còn quan trọng nữa. Mình tự nhận thấy bản thân có năng khiếu về điện ảnh. Thật sự, mình muốn, lan tỏa cái hay, cái đẹp của con người nơi đây, giới thiệu văn hóa phong tục của người đồng bào Cơ Tu đến mọi miền đất nước"

Thảo Nguyên Farmer

Rời Hà Nội về quê vì ảnh hưởng của dịch bệnh, Nguyễn Hoài Thương (SN 1995, dân tộc Tày) đã nảy sinh ý định khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Qua kênh TikTok Thảo Nguyên Farmer với 359k người theo dõi, Hoài Thương đã giới thiệu những nét văn hoá, ẩm thực độc đáo của mảnh đất quê hương Hà Giang, khiến người xem thích thú. 

Những TikToker miền sơn cước nói không với thị phi, nổi tiếng khi kể chuyện bắt cá, đi rừng-3

Hoài Thương đi hái chè làm trà (Ảnh: TikTok Thảo Nguyên Farmer)

Dù là người con của rừng núi nhưng đã xuống thành phố học tập và làm việc 1 thời gian dài nên khi quay lại làm nông, Hoài Thương đã gặp không ít khó khăn. Cô cho biết mình phải bắt đầu từ việc đi cải tạo vườn, dọn cỏ đồi,... rồi đến những vướng mắc xung quanh việc trồng cây gì, trồng thế nào, quản lý dịch hại ra sao,...

Ngoài ra Hoài Thương cũng phải tự căn ke góc máy, tự quay và tự dựng clip. Mọi thứ cô đều mày mò và học làm từng chút một, tất cả bắt đầu từ điện thoại và 1 chiếc tripod. Dẫu vậy những video đơn giản, gần gũi và giọng nói dễ chịu, nhiều clip của Hoài Thương vẫn lọt xu hướng, nhận về nhiều phản hồi tích cực từ dân mạng. 

 

Những TikToker miền sơn cước nói không với thị phi, nổi tiếng khi kể chuyện bắt cá, đi rừng-4

Những món ăn đặc biệt chỉ có ở miền quê được Hoài Thương giới thiệu (Ảnh: TikTok Thảo Nguyên Farmer)

Chảo Yến

Chảo Thị Yến (SN 1990, người Dao Tuyển, Lào Cai) có lẽ là cái tên quen thuộc với nhiều người hơn. Cô chính là nhân vật chính trong câu chuyện truyền cảm hứng nổi tiếng một thời về cô bé chăn trâu người Dao giành học bổng toàn phần ở Đức. Hiện tại Chảo Yến trở thành chủ homestay có tiếng ở Sapa, thành viên của một tổ chức phát triển tại Hà Lan và có kênh TikTok 222k người theo dõi.

Những TikToker miền sơn cước nói không với thị phi, nổi tiếng khi kể chuyện bắt cá, đi rừng-5

Chảo Thị Yến (Ảnh: Tri thức trẻ)

Trong những video của mình, Chảo Yến mang đến nhiều câu chuyện thú vị của cộng đồng người Dao Tuyển về ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán,... Ngoài ra giống như các TikToker miền sơn cước khác, Chảo Yến cũng làm clip về cuộc sống hàng ngày như đi bắt cá suối, bắt sâu đá, đi rừng,...

Cô từng chia sẻ rằng lúc trước mình rất ngại phải cho mọi người biết mình là người dân tộc thiểu số nhưng sau khi trải qua rất nhiều thăng trầm cuộc sống cũng như được đi du học mở mang tầm nhìn hạn hẹp, cô lại cảm thấy tự hào về điều ấy. 

Những TikToker miền sơn cước nói không với thị phi, nổi tiếng khi kể chuyện bắt cá, đi rừng-6

(Ảnh: Tri thức trẻ)

Bùi Thu Hoài

Một cô gái dân tộc Tày khác cũng đã và đang tìm cách quảng bá du lịch quê mình là Bùi Thu Hoài (Cao Bằng). Hiện tại kênh TikTok review Cao Bằng của Hoài với câu chào quen thuộc "Chào Pỉ Nọong! Lại là Hoài đây!" đang có 122k người theo dõi. 

Những TikToker miền sơn cước nói không với thị phi, nổi tiếng khi kể chuyện bắt cá, đi rừng-7

Bùi Thu Hoài. (Ảnh: NVCC)

Học xong cấp 3, Hoài cũng xuống Hà Nội học đại học và lập nghiệp như nhiều bạn bè đồng trang lứa. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô cũng từng có một công việc ổn định ở một công ty dạy ngoại ngữ trong khoảng 3 năm. Thế nhưng trong ngần đó thời gian, Hoài vẫn luôn hướng về quê hương để rồi đi đến quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp bằng cách quảng bá du lịch Cao Bằng. 

Trong những video của mình, Thu Hoài đưa mọi người đến những địa điểm du lịch đặc sắc của Cao Bằng. Bên cạnh đó cô cũng giới thiệu những trải nghiệm của người Tày nói riêng và người Cao Bằng nói chung như cắm trại rừng hạt dẻ, đi chợ phiên, lên cổng trời, làm cơm lam, làm chè sắn, làm miến dong,...

Những TikToker miền sơn cước nói không với thị phi, nổi tiếng khi kể chuyện bắt cá, đi rừng-8

Hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng). Ảnh: NVCC)

 

 

Theo Trí Thức Trẻ

Xem link gốc Ẩn link gốc http://ttvn.toquoc.vn/nhung-tiktoker-mien-son-cuoc-noi-khong-voi-thi-phi-noi-tieng-khi-ke-chuyen-bat-ca-di-rung-2202238104021349.htm

TikToker


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.