Khi lời nói vô cảm chạm vào giá trị thiêng liêng

Trong không khí kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) – một mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc, dư luận đã hết sức phẫn nộ khi liên tiếp MC, nghệ sĩ thay vì đồng cảm và tri ân, lại chọn cách than vãn, kêu ca, bày tỏ sự “mệt mỏi” một cách vô cảm về hoạt động mừng đại lễ 30/4.

Đó là, sau phát ngôn của MC Bích Hồng, nam người mẫu, ca sĩ Lê Trung Cương tiếp tục có phát ngôn gây bức xúc dư luận về hoạt động diễu binh, diễu hành. Trên trang cá nhân, Lê Trung Cương viết: "Mong đại lễ này qua mau giúp. Bắt đầu thấy mệt mỏi với kẹt xe, chặn đường, máy bay quân sự ầm ầm trên đầu mỗi sáng. Vừa hết 30/4 là tới Vesak Liên Hợp Quốc, mệt mỏi thực sự".

Dòng trạng thái này không đơn thuần là sự vô cảm, mà còn cho thấy sự thiếu trách nhiệm với vai trò xã hội mà một nghệ sĩ - người của công chúng cần phải có. Ngay sau khi bị dư luận phản ứng gay gắt, nam nghệ sĩ đã xóa bài đăng, nhưng tuyệt nhiên không có một lời xin lỗi. Sự im lặng đó không những không xoa dịu được bức xúc mà còn khiến công chúng thêm thất vọng.

Nam người mẫu gây phẫn nộ về phát ngôn liên quan đến Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dòng trạng thái gây phẫn nộ của Lê Trung Cương

Nghệ sĩ vốn được xem là người truyền cảm hứng, chính vì thế, lời nói của họ không còn là ý kiến cá nhân đơn thuần. Một dòng trạng thái viết ra vì “cảm xúc nhất thời” có thể để lại vết sẹo trong nhận thức công chúng, đặc biệt là giới trẻ – những người chưa từng chứng kiến chiến tranh, nhưng đang học cách yêu nước qua các biểu tượng văn hóa và hành vi ứng xử của người nổi tiếng.

Càng đáng suy ngẫm hơn, khi những lời phát biểu ấy được đưa ra trong bối cảnh một bộ phận nghệ sĩ – những người đang đứng ở vị trí có thể lan tỏa những giá trị đẹp đẽ trong cộng đồng lại chọn cách phản ứng đầy ích kỷ và nông cạn. Và chính họ đang lãng phí vai trò và vị thế mà công chúng trao gửi, biến mình từ biểu tượng văn hóa thành biểu tượng của sự hời hợt, thiếu trách nhiệm công dân.

Một người dùng mạng xã hội đã bình luận: “Bạn có mệt bằng những anh hùng liệt sĩ hy sinh tuổi thanh xuân đuổi giặc ngoại xâm với tinh thần ‘Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai’? Có mệt bằng những chiến sĩ ngày đêm luyện tập dưới nắng để chuẩn bị cho lễ diễu binh trang nghiêm? Đừng vì cảm xúc ích kỷ cá nhân mà tự biến mình thành kẻ vô ơn”.

Lòng biết ơn không phải là sự lựa chọn

Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 30/4 không phải là một cuộc trình diễn phô trương lực lượng mà là dịp để tưởng nhớ những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Đó là biểu tượng của lòng yêu nước, của sự đoàn kết, và của một chặng đường mà dân tộc Việt Nam đã kiên cường đi qua, từ đau thương đến tự hào.

Ngay tại buổi họp báo công bố chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mới đây, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình chia sẻ đầy xúc động rằng: Những ngày này, người dân cả nước đang hướng về TP. Hồ Chí Minh với tình cảm, cảm xúc đặc biệt nhất. Từ phấn khởi, sôi nổi, đến tự hào, tri ân. Sự hân hoan không chỉ của hàng triệu người dân trong nước mà còn có sự chia vui từ bạn bè quốc tế, những người từng đồng hành và dõi theo hành trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam.

Và, những hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng 30/4 chính là thời khắc để cả dân tộc tri ân, không phải chỉ bằng nghi thức mà bằng hành động, bằng thái độ, bằng lời nói chứa đựng sự biết ơn và trách nhiệm với tương lai. Như ông Lê Hải Bình đã nhấn mạnh: Quá khứ chính là những gì dân tộc Việt Nam đã trải qua, với bao đau thương, mất mát để giành độc lập, tự do, thống nhất và phát triển đất nước; hiện tại là những thành tựu về kinh tế - xã hội, về đối ngoại, quốc phòng - an ninh... mà Việt Nam đang có được. Đó cũng là sự tri ân tới những chặng đường gian khó đã đi qua và tương lai là đất nước đang nỗ lực để bước vào kỷ nguyên mới...

Với ý nghĩa đó, hơn bao giờ hết, mỗi người dân, mỗi nghệ sĩ cần nhận thức rõ rằng từng lời nói, hành động của mình không chỉ thể hiện cá tính, mà còn góp phần định hình nên không khí văn hóa và tinh thần dân tộc hôm nay. Mỗi người phải biết hòa mình vào niềm vui chung, biết trân trọng những ký ức lịch sử; biết ơn sâu sắc những hy sinh xương máu của đồng bào, chiến sĩ vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước, để đất nước có được sự phát triển rực rỡ như hiện nay.

Đối với nghệ sĩ, chúng ta không thể và không nên ép buộc họ phải trở thành nhà sử học. Nhưng chúng ta có quyền đòi hỏi họ giữ sự hiểu biết tối thiểu về lịch sử dân tộc, thứ làm nên bản sắc và chiều sâu văn hóa của cả một dân tộc. Một đất nước không thể lớn mạnh nếu thế hệ trẻ lớn lên trong sự lãng quên và dửng dưng với những gì đã làm nên hòa bình hôm nay.

Theo Công thương