Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật, tại sao chị không tiếp nối truyền thống ấy của gia đình mà chọn đứng trong hậu trường?
Có thể nói, được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật là một may mắn lớn nhất của tôi. Bố tôi (nghệ sĩ ưu tú đạo diễn Hà Văn Trọng) là đạo diễn phim truyền truyện còn mẹ là đạo diễn của nhà hát kịch Việt Nam người đã đóng góp nhiều tác phẩm hay cho công chúng.
Chính vì vậy, tôi được tiếp xúc, được thưởng thức những bộ phim của Bố tôi làm, và được xem những vở kịch mang đầy ý nghĩa nhân văn mà cũng không kém phần hấp dẫn mà Mẹ tôi, nghệ sĩ ưu tú Đạo diễn Đặng Tú Mai đã đầu tư tất cả chất xám của Bà để nhận được lòng yêu mến của rất nhiều khán giả Việt Nam.Có cơ hội được sống trong môi trường được giao lưu với ngôn ngữ điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung từ rất sớm đã giúp tôi tôi có thể cảm nhận được nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm như một người nghệ sĩ.
Thực ra, làm nhà sản xuất phim cũng cần có con mắt nghệ thuật để quan sát tốt từ nội dung cho đến các lộ trình sản xuất nhằm đưa ra những quyết định đúng đắn nhất về mạch chung của phim. Là một nhà sản xuất, tôi cũng phải cân nhắc đến những yếu tố về kinh tế nhằm thu hút người xem và mang sản phẩm của mình phục vụ cho những đối tượng khán giả và thị trường phù. Tôi nghĩ, mình cũng đã tiếp nối được truyền thống của gia đình mình theo một cách khác.
Được biết, ngay trong thời kỳ chị học bằng thạc sỹ kinh tế ở Anh, đã có một số hãng luật mời chị về làm việc với mức lương khá hậu hĩnh, tại sao chị không ở lại Anh mà trở về Việt Nam thành lập công ty?
Thực ra, thành lập hãng sản xuất phim là mơ ước của tôi ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường trung học. Quyết định đi học tại trường đại học Queen Mary London cũng nằm trong dự định này. Sau khi tốt nghiệp tôi cũng nhận được một số lời mời ở lại làm việc cho một vài văn phòng luật sư tại Anh nhưng tôi vẫn quyết định quay trở về để duy trì công ty mà Mẹ tôi đã gây dựng và tiếp nối sự nghiệp của gia đình. Tôi đổi tên công ty thành Reb Bridge năm 2005, và mở công ty tại nhà để tiết kiệm chi phí và tìm hiểu kỹ hơn về thị trường phim trong nước tại thời điểm đó.
Khi tôi về nước tôi gặp rất nhiều khó khăn vì đã có nhiều công ty truyền thông, truyền hình đã thành lập từ rất lâu, họ có quan hệ tốt và đã sản xuất nhiều phim và các chương trình truyền hình từ rất lâu trước tôi. Bài toán lớn mà tôi cần giải lúc đó là làm thế nào vẫn có thể được làm phim và có thể kiếm được tiền để sống. Tôi đã trọn cho mình một con đường rất riêng là “đưa phim tài liệu của Việt Nam do người Việt Nam làm ra với khán giả thế giới”.
Chính tôi cũng tự cảm thấy là mình quá tham vọng. Nhưng tôi luôn động viên mình rằng nếu không có lòng yêu nghề, chí tuệ và sự quyết liệt thì tôi chắc chắn sẽ chẳng làm được điều gì. Ban đầu tôi chỉ làm dịch vụ làm phim cho các công ty Fox, CBS, Discovery, BBC. …. Và sau này khi đã sản xuất rất nhiều phim cho thị trường trong nước như Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (DMC), Quĩ nhi đồng liên hợp quốc, Quĩ Dân Số thế giới, và Chương trình phát triển liên hợp quốc. Gần đây với sự xuất hiện của bốn phim tài liệu của Việt Nam lần đầu tiên phát sóng trên kênh Discovery đã đưa giấc mơ tưởng chừng vô cùng khó khăn của tôi trở thành sự thật. Tôi mong Red Bridge trở thành cầu nối chính thức giữa phim tài liệu của Việt Nam với thế giới.
Để gặp được chị, chúng tôi đã phải chờ đợi rất lâu vì chị đi quay phim ở Đà Nẵng. Tôi chưa thấy Giám đốc của một hãng sản xuất phim lại lăn lộn với đoàn làm phim hết mình như chị?
Đôi khi, tôi cũng cảm thấy lạ vì điều đó. Tôi có thể cử một ai đó đi thay, nhưng chắc đó là niềm đam mê và trách nhiệm nghề nghiệp đã thôi thúc tôi …..(cười). Tôi muốn những bộ phim mình sản xuất phải thực sự chân thực và gây xúc động vì chính sự chân thực mới hấp dẫn người xem. Hơn nữa, tôi cũng muốn được đi và gặp những số phận, những con người ở khắp mọi miền đất nước và cảm nhận niềm hạnh phúc khi mình đã đem một cái gì đó đến với cuộc sống của họ.
Bộ phim này cũng là một bộ phim đặc biệt nên tôi đã quyết định đi trực tiếp vì những nhân vật của tôi là những phụ nữ có số phận không may mắn và những đưa trẻ phải lang thang kiếm sống. Hơn nữa, có đi thực tế trực tiếp tôi mới có thể thông cảm, sẻ chia những khó khăn, vất vả của đồng nghiệp, cộng sự của mình vì tôi là người cầu toàn và rất nghiêm khắc trong công việc.
Cảm nhận của chị khi bốn bộ phim tài liệu trên được công chiếu trên Discovery và được khán giả trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt?
Thực sự hạnh phúc (cười). Khi phim được công chiếu, có rất nhiều người bạn gọi điện thoại chia sẻ và chúc mừng tôi. Các bạn đồng nghiệp nước ngoài đánh giá cao những nỗ lực của tôi và rất thích các phim của bốn đạo diễn Việt Nam, các bạn bè đồng nghiệp Việt Nam đánh giá đây là một dự án tốt, đối với tôi đó là những phần thưởng cao quí nhất!
Là cầu nối giữa Việt Nam và các hãng sản xuất phim nước ngoài, chị thấy việc sản xuất phim ở Việt Nam có điểm gì hạn chế so với chuẩn quốc tế?
Tôi nghĩ là tôi không thể đưa ý kiến chủ quan của riêng mình về tính hạn chế của phim Việt so với phim nước ngoài một cách chung chung vì có rất nhiều cách làm phim tài liệu cho các thị trường khác nhau. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta phải học cách làm phim chuyên nghiệp của các bạn, những lộ trình sản xuất phải được tuân thủ nghiêm ngặt, mà không bỏ qua bất kỳ chi tiết nhỏ nào để bộ phim của mình có cơ hội hấp dẫn người xem.
Theo TGĐ