Ngày 4/4 Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận thanh tra số 528 về việc Kết luận thanh tra Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức.

Liên quan đến vấn đề lãng phí của 2 dự án, Thanh tra Chính phủ cho biết, theo đề án được Thủ tướng phê duyệt, việc triển khai thực hiện 2 dự án bị chậm hơn 7 năm, qua 2 lần gia hạn (hết năm 2020 và hết năm 2024) và không đạt được mục tiêu đã định.

Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Đắc Huy)

Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Đắc Huy)

"Quá trình thực hiện 2 dự án có nhiều vi phạm các quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng và các quy định của pháp luật khác có liên quan trong hầu hết các khâu dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả, không sử dụng hết nguồn vốn được cấp trong từng năm, gây lãng phí lớn, có dấu hiệu thiệt hại", cơ quan thanh tra nhấn mạnh và chỉ ra 4 mục lãng phí.

Thứ nhất, lãng phí do điều chỉnh thiết kế cơ sở phương án móng cọc:

Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc điều chỉnh thiết kế cơ sở phương án móng cọc khoan nhồi sang ép cọc bê tông không thuộc trường hợp được điều chỉnh thiết kế cơ sở theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014.

Thực tế Ban Quản lý dự án Y tế trọng điểm đã trình và được Bộ trưởng Y tế phê duyệt điều chỉnh là trái quy định. Mặt khác, việc thực hiện thi công kéo dài thời gian, chi phí tăng so với phương án móng cọc khoan nhồi được phê duyệt ban đầu khi chưa điều chỉnh thiết kế cơ sở (theo hợp đồng đã ký), gây lãng phí, có dấu hiệu thiệt hại số tiền tạm tính khoảng 20,714 tỷ đồng.

Thứ hai, lãng phí do dừng thi công từ tháng 1/2021 làm phát sinh chi phí:

Theo kết luận thanh tra, hậu quả việc dừng thi công từ tháng 1/2021 đến nay làm cho dự án không thể hoàn thành theo đúng tiến độ để bàn giao, đưa vào sử dụng dẫn tới một số hạng mục đã thực hiện bị hư hỏng, xuống cấp do phong hóa theo thời gian.

Thực trạng này làm phát sinh chi phí sửa chữa, khắc phục trước khi nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng đã được chủ đầu tư, tư vấn giám sát, các nhà thầu và các bên có liên quan thống nhất ghi nhận bằng văn bản. Bên cạnh đó là chi phí cho công tác bảo hành đối với các hệ thống thiết bị đã vượt quá thời hạn bảo hành và các chi phí khác như chi phí quản lý, chi phí dịch vụ bảo vệ, tiền điện, bảo lãnh ngân hàng...

Tính đến thời điểm 31/12/2024 với tổng số tiền tạm tính khoảng 253,6 tỷ đồng.

Trong đó, dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức là 102,5 tỷ đồng và dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai là 151,1 tỷ đồng.

Thứ ba, lãng phí do chưa trích được khấu hao:

Thanh tra Chính phủ cho biết, theo quy định hiện hành, tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập phải trích khấu hao (khoản 2 Điều 12 Thông tư số 45/2018 của Bộ Tài chính).

Như vậy, việc một số công trình tại dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức đã khánh thành kỹ thuật, trong đó Bệnh viện Bạch Mai đưa vào hoạt động một số hạng mục công trình nhưng lại ngừng hoạt động do các vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện. Dự án có nguy cơ gây lãng phí vốn Nhà nước do không trích được khấu hao và không tính đủ chi phí khấu hao trong giá dịch vụ khám chữa bệnh để trích quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

Căn cứ vào quy định tại Thông tư số 45/2018 và thực trạng triển khai 2 dự án đến thời điểm thanh tra trực tiếp, nếu thực hiện trích khấu hao 4 năm từ 2021-2024 (tổng giá trị khối lượng hoàn thành khối nhà chính của 2 dự án khoảng 3.627 tỷ đồng) đối với khối nhà chính của 2 dự án thì mức trích có giá trị tạm tính khoảng 217,179 tỷ đồng.

Trong đó dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai có giá trị khấu hao tạm tính là 206,504 tỷ đồng; dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức có giá trị khấu hao tạm tính là 64,675 tỷ đồng.

Thứ 4, lãng phí do nguồn vốn được cấp nhưng không sử dụng hết:

Với nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp thuộc SCIC (viết tắt là Quỹ), Thanh tra Chính phủ cho biết, giai đoạn 2014-2017, Thủ tướng cho phép các dự án được tạm ứng vốn từ Quỹ mà không phải trả lãi và các khoản phí.

Tại khoản 6 Điều 3 Quyết định số 21/2012 của Thủ tướng, khoản 1 Điều 4 Thông tư số 184/2012 của Bộ Tài chính quy định về Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ thì nguồn tiền nhàn rỗi của Quỹ được gửi tại ngân hàng thương mại có quy mô lớn và có tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong khi để đáp ứng nhu cầu về vốn giai đoạn 2014-2016, Nhà nước đã giảm thu ngân sách (qua việc giảm nguồn tiền nhàn rỗi được gửi tại ngân hàng thương mại của Quỹ do phải bố trí vốn cho dự án). Tuy nhiên 2 dự án không sử dụng hết nguồn vốn được bố trí (vốn tạm ứng của SCIC được cấp nhưng không sử dụng năm 2014 là 39,854 tỷ đồng; năm 2015 là 1.912,476 tỷ đồng; năm 2016 là 2.518,601 tỷ đồng; năm 2017 là 1.322,424 tỷ đồng), có nguy cơ gây lãng phí lớn.

Theo cơ quan thanh tra, nếu sử dụng số tiền nêu trên trong từng năm gửi ngân hàng thương mại với lãi suất bình quân kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng của 4 ngân hàng thương mại thì khoản tiền lãi thu được có giá trị tạm tính khoảng 309,191 tỷ đồng.

Với nguồn vốn ngân sách Nhà nước, theo Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2017-2022, Thủ tướng giao kế hoạch vốn từ nguồn ngân sách Trung ương cho 2 dự án.

Vốn để thực hiện 2 dự án thuộc nguồn vốn chi đầu tư phát triển trong chi ngân sách Nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 163/2016 của Chính phủ. Để đảm bảo đủ vốn cho chi đầu tư phát triển, Nhà nước phải vay, trả nợ vay (gồm gốc và lãi), trong đó có nguồn vay từ phát hành Trái phiếu Chính phủ.

Trong khi đó, giai đoạn 2017-2022, 2 dự án không sử dụng hết vốn được bố trí (vốn ngân sách Nhà nước được cấp nhưng không sử dụng năm 2017 là 1.038,112 tỷ đồng; năm 2018 là 71,4 tỷ đồng; năm 2019 là 1.461,926 tỷ đồng; năm 2020 là 3.856,937 tỷ đồng; năm 2021 là 2.568,568 tỷ đồng; năm 2022 là 71,4 tỷ đồng), không đạt được các mục tiêu đã định mà Nhà nước vẫn phải trả nợ vay, có nguy cơ gây lãng phí lớn.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, nếu tính theo lãi suất danh nghĩa Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm (tương ứng với số năm bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn) trong giai đoạn 2017-2022 với lãi suất danh nghĩa kỳ hạn 5 năm là 5,0%/năm, thì khoản tiền lãi vay phải trả cho phần vốn đã bố trí cho 2 dự án nhưng không được sử dụng hết có giá trị tạm tính khoảng 453,417 tỷ đồng.

Như vậy, với 4 đầu mục lãng phí được Thanh tra Chính phủ đưa ra, dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức gây lãng phí khoảng 1.254,101 tỷ đồng.

Theo VTC News