Để chế biến hải sản ngon, bạn có thể lựa chọn nhiều phương pháp chế biến khác nhau. Một ưu điểm của các loại hải sản là có thể chế biến theo nhiều cách như: Hấp, nướng, xào, rán...
Với cách hấp, có thể lưu giữ lại phần lớn vị ngọt trong hải sản, thường được sử dụng với tôm, ghẹ. Khi hấp, nếu bạn cho thêm vài củ sả và hấp với bia thì món ăn sẽ thơm ngon hơn.
Với cách nướng, đòi hỏi người chế biến cầu kỳ hơn một chút với gia vị tẩm ướp để hải sản khi nướng lên phải thơm nức mũi, vị vừa ngọt, vừa cay với ớt, tiêu, sả...
Tuy nhiên, dù là áp dụng hình thức chế biến nào, thì yêu cầu đầu tiên đối với món ăn là phải lưu giữ được tối đa vị ngọt đậm đà đặc trưng của các loại hải sản.
Trong thành phần của các loại hải sản có chứa một lượng lớn glutamate tự nhiên. Chính lượng glutamate dồi dào này đã tạo ra hương vị riêng cho các món hải sản: Vị ngon đậm đà, vị ngọt thịt hay còn được gọi là vị umami.
Chẳng hạn, trong 100g thì sò điệp có chứa 140mg glutamate, trong 100g cua hoàng đế có 72mg glutamate, trong100g cua xanh có 72mg glutamate, và với tôm bạc thì hàm lượng đó là 20mg glutamate...
Glutamate là một trong 20 axít amin thiết yếu có vai trò vô cùng quan trọng trong việc cấu thành protein của cơ thể sinh vật và cũng tồn tại trong nhiều loại thực phẩm khác như thịt, rau củ quả, nước mắm và bột ngọt... Không chỉ mang lại cảm giác ngon miệng, các loại hải sản còn là nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe.
Hải sản chứa các axit béo omega-3, hàm lượng chất béo bão hòa thấp. Chính vì vậy, một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm nhiều loại hải sản rất tốt cho tim (đối với người lớn) đồng thời giúp trẻ em đang độ tuổi lớn phát triển toàn diện.
Trong hải sản cũng có nhiều protein nhưng lại nghèo calo (100g tôm, cua bể chỉ có 90 đến 110 calo), vì thế, những người cần giữ eo và củng cố khả năng làm việc trí óc đều cần đến các món ăn từ hải sản.
Ngoài ra, các chất khoáng và vitamin có trong hải sản cũng rất có ích cho sức khỏe. Cụ thể, đồng (Cu) trong hải sản khi kết hợp với vitamin C sẽ có tác dụng hỗ trợ cho quá trình bổ sung sắt vào cơ thể; kali có tác dụng chữa bệnh đau khớp và thư giãn thần kinh; kẽm giúp phòng bệnh tiền liệt tuyến ở nam giới, vitamin B3 giúp giảm cholesterol trong máu và giảm nguy cơ cao huyết áp, vitamin B12 cho trí nhớ sáng suốt và chống trầm cảm...
Tuy nhiên, cũng chính vì có hàm lượng dinh dưỡng cao như vậy nên hải sản là một loại thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn. Chị em nội trợ cần chú ý lựa chọn hải sản còn tươi (có thể quan sát dấu hiệu như tôm tươi thì vỏ, đầu, râu, mắt sáng, thịt chắc... cua, ghẹ tươi có màu xanh óng ánh, còn nguyên các càng to và nhỏ), và khi ăn chỉ nên chọn những hải sản đã được nấu chín kỹ.
Theo Thu Anh