Cho đến thời điểm này, tất cả các cầu thủ U23 Việt Nam được tôn vinh nhưng ít ai biết rằng, đằng sau các cầu thủ là những người hùng thầm lặng.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thuỷ, người sát cánh cùng U23 Việt Nam
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thuỷ, Phòng Khoa học Y học thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc Gia Hà Nội là một trong những người sát cánh cùng các cầu thủ U23 Việt Nam. Bên cạnh bác sĩ Thủy còn có các phụ tá giúp anh trong suốt quãng thời gian qua là bác sĩ Phạm Văn Minh và Tuấn Nguyên Giáp; nhiều chuyên gia nước ngoài như ông Martin Forkel, Pablo Sawicky; ông Bae Ji Won.
Bác sĩ Thủy chăm sóc cho thủ môn Bùi Tiến Dũng
Chia sẻ với PV, bác sĩ Thủy cho biết, công việc chăm sóc sức khỏe cho các "cầu thủ vàng" của U23 Việt Nam rất áp lực. Tuy nhiên, đó lại là niềm vui khi anh cảm nhận toàn đội ai cũng đang nỗ lực hết sức mình.
“Trong những ngày đầu đến Trung Quốc, gần như bộ phận y tế đếm ngược từng ngày. Chúng tôi liên tục thăm khám xem các cầu thủ có bị lạnh, có bị sốt, có bị đau họng hay không. Nói chung, trong khoảng 1 tuần đặt chân đến Trung Quốc, chúng tôi rất căng thẳng, nơm nớp lo sợ các em nhiễm cúm, viêm long đường hô hấp. Nhiệt độ thay đổi đột ngột giữa Việt Nam và Trung Quốc (Thường Châu lạnh đến mức liên tục xuất hiện băng giá) là một trở ngại về sức khỏe cho các cầu thủ”, bác sĩ Thủy nói.
Để chống chọi với băng giá ở Thường Châu, theo bác sĩ Thuỷ, nhóm bác sĩ và chuyên gia thể lực phải làm việc 16 giờ đồng hồ/ngày. Các bác sĩ trị liệu, mát-xa cho các cầu thủ đến 23h30 là muộn nhất.
Sau khi để các cầu thủ về phòng nghỉ ngơi, bộ phận y tế tiếp tục chuẩn bị cho công việc của ngày hôm sau, chuẩn bị đồ dùng cho buổi tập cũng như lên kế hoạch hồi phục cho từng cầu thủ trong đội.
“Thỉnh thoảng HLV Park có xuống phòng y tế chơi. HLV Park có nói với tôi là thấy má tôi hóp lại như thế khiến ông rất đau lòng. Chúng tôi luôn luôn là người đứng sau cầu thủ, HLV, để chăm sóc cho mọi người có thể lực và tâm lý tốt nhất. Chỉ vậy thôi”, bác sĩ Thủy chia sẻ.
Chênh lệch nhiệt độ là một trở ngại lớn cho việc chăm sóc sức khỏe của các cầu thủ.
Người bác sĩ sát cánh cùng đội tuyển U23 Việt Nam kể, trước khi sang Thường Châu, anh và đồng nghiệp đã tham khảo ý kiến bạn bè bên Trung Quốc về thời tiết, về cách chuẩn bị tốt nhất cho sức khỏe. Vì thế, trước đó 2-3 tuần, các bác sĩ đã phải xây dựng phác đồ trong điều trị dự phòng và điều trị chấn thương.
“Đặc biệt, một điều mà không ai ngờ tới, đó là tẩy giun cho toàn bộ các cầu thủ của U23 Việt Nam. Nghe tưởng đơn giản nhưng đó là cách tối ưu nhất để giúp các cầu thủ hấp thu chất dinh dưỡng để có thể lực tốt nhất”, bác sĩ Thủy nói.
Bên cạnh đó, tất cả nhân viên ở trong đội tuyển đều phải tiêm phòng cúm, tránh lây nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe của các cầu thủ, sau đó chuẩn bị trà gừng, gừng tươi để chống cảm lạnh.
“Nói chung từng cái nhỏ nhất như trang phục, tất tay, tất chân, ăn gì, uống gì chúng tôi đều phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng”, bác sĩ Thủy chia sẻ.