Học để xả… buồn

Là sinh viên năm cuối, T.Lan (quê Hải Dương) có khuôn mặt khá dễ thương. Trong một lần đi vũ trường, cô “ngấm đòn yêu” của một chàng trưởng phòng đẹp mã, có nhà riêng ở Hà Nội.

Từ lâu, T.Lan đã hoang mang chuyện phải về quê tìm việc sau khi tốt nghiệp. Giờ có người hứa sẽ lo việc, giúp cô trụ lại ở Thủ đô khiến Lan nhanh chóng “bập” ngay vào mối tình vụ lợi dù cô không biết nhiều về đối tác và bản thân cũng không mấy rung cảm.

Yêu vội, sống nhanh, chỉ trong thời gian ngắn, T.Lan và người yêu đã đi đến cùng mọi chuyện. Khi cô báo tin có bầu cũng là lúc chàng trưởng phòng cao chạy xa bay mang theo luôn cả lời hứa xin việc. Vậy là, trong lúc bạn bè đang dồn sức chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp thì T.Lan phải đau đầu lo giải quyết “hậu quả”.

Tổn thương và tủi hổ không còn đầu óc nào lo cho việc học, ban ngày T.Lan lên giảng đường cốt để “điểm danh”, tối lại vùi đầu vào chat tìm nguồn an ủi từ những người bạn ảo.

T.Lan tâm sự: “Em thấy mọi thứ thật vô vị, nhạt nhẽo và tự hỏi mình đang sống cho cái gì? Vấp ngã này giúp em nhận ra mình thật dại, thiếu hiểu biết cuộc sống nên mới tin vào lời hứa hão để rồi tự đánh mất mình”.

Rồi tình cờ. T.Lan đọc được thông tin về các lớp dạy KNS và đăng ký học. Tại một buổi học KNS do TS tâm lý Đinh Đoàn đứng lớp, Việt Linh sinh viên năm cuối trường ĐH Văn hóa cho biết: Hiện nay rất nhiều sinh viên chuộng lối sống nhanh, sống thử và không ít người đang rơi vào khủng hoảng… tâm lý từ việc làm của chính mình.

Linh còn cho biết thêm, có khá nhiều nữ sinh trong trường tìm kiếm và chọn bạn trai theo các tiêu chí vật chất như: Xe máy đẹp, có nhà riêng, kinh tế vững. Các bạn gái này thường mau chóng chia tay bạn trai cũ, đổi người yêu mới chỉ vì những chiếc xe máy xịn hay lời hứa xin việc.

“Chạy theo vật chất, ngày càng ít bạn nữ chịu yêu nam sinh viên nghèo, học giỏi. Những mối tình sinh viên trong trẻo, đẹp đẽ giờ thật khó tìm”, Linh nói.

Quê Nghệ An ra Hà Nội học, Linh học giỏi lại chịu khó kiếm việc làm thêm nhưng cậu vẫn bị người yêu “đá” chỉ vì nghèo. Linh theo học lớp KNS ban đầu với mục đích chính là để khuây khỏa. Theo học rồi cậu mới biết, những lớp học này có thể trang bị cho mình những kỹ năng khác như quản lý bản thân, thuyết trình để ra trường tự tin đi xin việc.

Sống gấp… “lên ngôi”?

Trước áp lực cuộc sống, công việc, học tập và đặc biệt là lối sống có nhiều vấn đề của giới trẻ thời nay là lý do cho sự ra đời của các lớp học KNS và những buổi nói chuyện về lối sống theo đó cũng diễn ra thường xuyên.

Tại buổi thảo luận về sống thử trước hôn nhân do trường ĐH Y - Hà Nội tổ chức mới đây, ý kiến của nhiều sinh viên làm người nghe không khỏi bất ngờ: 40% sinh viên tại diễn đàn đồng ý, cổ súy cho việc sống thử với một loạt các lý do: Sống thử xem có hợp nhau không; sống thử để khỏi lúng túng, rút kinh nghiệm khi sống thật; để tiết kiệm tiền thuê nhà, điện nước, tiền ăn. 60% còn lại chia đều cho 2 luồng ý kiến là phản đối và không bình luận.

Ở một hội thảo khác, nhiều nữ sinh viên đã thẳng thắn đặt câu hỏi như: “Yêu một người và chung sống với người đó, biết cách sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn thì có gọi là yêu lành mạnh không?”.

Câu hỏi khiến chúng ta phải giật mình suy nghĩ: Phải chăng giới trẻ Việt Nam hôm nay đã và đang có nhận thức, quan điểm về tình yêu, về giá trị cuộc sống khác xa thế hệ trước?

“Trong khi phương Tây đang cổ súy cho lối sống chậm thì ở Việt Nam một bộ phận giới trẻ lại lao vào sống nhanh, đi ngược với thuần phong mỹ tục Á Đông truyền thống”, TS Đinh Đoàn chia sẻ.

Trước guồng quay cuộc sống đã có những bạn trẻ vì sống vội, chủ trương giải phóng tình dục mà phải gánh chịu hậu quả đáng tiếc từ sự thiếu hiểu biết, suy nghĩ lệch lạc của mình. Điều này lý giải vì sao các buổi lên lớp với những câu chuyện có thật về tình yêu, xử lý tình huống cũng như vấn đề mình quan tâm tại các lớp dạy KNS lại thu hút được giới trẻ.

Theo Đỗ Hương