
Hai vợ chồng ở Lai Châu lên rừng hái nấm về ăn - loại nấm màu trắng, đầu tròn, thân dài. Khoảng 12 giờ sau bữa ăn, cả hai đau bụng, tiêu chảy, nôn nhiều. Họ được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cấp cứu.
Tại đây, người chồng 21 tuổi được chẩn đoán ngộ độc nấm, suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng. Người vợ 18 tuổi bị tổn thương gan, thận cấp, toan chuyển hóa. Dù được truyền dịch và điều trị tích cực, tình trạng cả hai vẫn chuyển biến xấu, nên được chuyển tuyến tới Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến, Trung tâm Chống độc cho biết khi tiếp nhận, cả hai rơi vào hôn mê sâu. Xét nghiệm cho thấy tổn thương gan nặng, suy thận cấp, viêm cơ tim, rối loạn đông máu nghiêm trọng, nguy cơ tử vong cao.
Hai người đang được lọc máu liên tục, thay huyết tương, dùng thuốc giải độc, hồi sức tích cực. “Hiện hai người vẫn hôn mê sâu, gan tổn thương nặng, tiên lượng rất xấu”, bác sĩ Chiến nói.

Bác sĩ Trung tâm Chống độc cùng người nhà bệnh nhân tìm hiểu về loại nấm đã ăn. (Ảnh: Nguyên Hà)
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, đây là trường hợp ngộ độc do nhóm nấm gây độc muộn, thường có tỷ lệ tử vong cao nhất. Loại nấm mà hai bệnh nhân ăn nhiều khả năng là nấm tán trắng (Amanita verna) hoặc nấm trắng hình nón (Amanita virosa), bắt mắt, vị ngon.
Độc tố của nhóm nấm này là amatoxin - chất cực độc gây tổn thương ruột, gan, thận, tim. Ngộ độc diễn tiến theo ba giai đoạn. Giai đoạn đầu thường khởi phát sau 6-12 giờ, với triệu chứng tiêu hóa nặng. Giai đoạn hai, các triệu chứng tạm dịu đi, dễ khiến người bệnh và bác sĩ hiểu nhầm là đã khỏi, nhưng gan lúc này bắt đầu bị tổn thương. Từ ngày thứ ba trở đi, các biểu hiện suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, hôn mê sẽ dần xuất hiện. Tỷ lệ tử vong ước tính khoảng 50%.
“Khi các triệu chứng xuất hiện sau 6 giờ ăn, hầu hết độc tố hấp thu vào cơ thể, các biện pháp sơ cứu thông thường như gây nôn, rửa dạ dày không còn hiệu quả”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.
Với nhóm nấm gây độc sớm (xuất hiện triệu chứng trong vòng 6 giờ), tuy số lượng chủng loại nhiều hơn nhưng thường chỉ gây ngộ độc ở mức độ nhẹ hơn, có thể xử lý tại các bệnh viện tuyến huyện.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, cách phòng ngừa hiệu quả nhất là không hái và ăn bất kỳ loại nấm hoang dại nào, trừ mộc nhĩ. Việc phân biệt nấm độc và nấm ăn được là rất khó, kể cả với chuyên gia. Khi nghi ngờ ngộ độc, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu và hồi sức chuyên sâu. Việc điều trị ngộ độc nấm chậm rất phức tạp, cần nguồn lực lớn và sự can thiệp kịp thời.
