Nằm ngay vị trí đắc địa, ở góc tiểu đảo ngã tư Nguyễn Tri Phương -
Hùng Vương, nhưng mặt tiền quán không hề bắt mắt với vài dãy bàn ghế
inox, mái che cũ kĩ, và thậm chí là tấm bảng hiệu “Hủ tiếu Cả Cần” cũng
mờ nhạt, xập xệ cùng với lớp bụi thời gian. Ấy vậy mà hầu như lúc nào
quán nhỏ ấy cũng tấp nập khách.

Hủ tiếu
Cả Cần nấu theo công thức hủ tiếu Mỹ Tho, bánh hủ tiếu là loại bánh khô
được chế biến từ các loại gạo thơm địa phương như Nàng Út, Nàng Thơm
Chợ Đào. Vì vậy sợi hủ tiếu có mùi thơm của gạo, khi trụng với nước sôi,
sợi hủ tiếu sẽ mềm nhưng vẫn dai chứ không bị bở, ăn vào không thấy có
vị chua. Với đặc tính đó, hủ tiếu Cả Cần ngoài tô hủ tiếu nước thông
thường, quán còn có thêm một lựa chọn khác cho các thực khách đó là hủ
tiếu khô. Đây mới chính là tô hủ tiếu “gây thương nhớ” với biết bao thế
hệ người Sài Gòn từng có dịp thưởng thức qua.

Tô hủ tiếu khô được dọn ra bao giờ cũng đi kèm một tô nước dùng nhỏ.
Tô hủ tiếu khô
được làm đầy đặn bởi nhiều lớp thịt bằm, sườn non, xá xíu, tôm luộc,
tôm khô, cháy tỏi. Nhưng điều độc đáo và làm nên sự khác biệt của hủ
tiếu ở đây chính là loại nước sốt sền sệt chua chua ngọt ngọt rất đậm
đà, không giống với bất cứ hương vị của hàng hủ tiếu nào. Trộn chung
bánh hủ tiếu, giá sống, rau cần với nước xốt sau đó nêm thêm ít xì dầu
hoặc vắt một ít chanh tùy khẩu vị rồi thưởng thức, khi đó bạn mới hiểu
rằng vì sao tô hủ tiếu Cả Cần có thể đi vào lòng người qua năm tháng đến
thế.

Tô hủ tiếu được làm đầy đặn với thịt bằm, sườn non, xá xíu, tôm luộc, tôm khô cháy tỏi.

Trước khi ăn, hãy trộn nước xốt, đồ gia giảm với bánh hủ tiếu và thức ăn.
Khách đến đây đã thưởng thức món hủ tiếu, nếu "còn bụng", thường gọi thêm một cái bánh bao
đặc biệt nhân tôm, thịt, trứng muối, nấm đông cô. Bột bánh ở đây đặc
biệt thơm ngon, mềm mịn, vỏ bánh mỏng, vừa ăn, không gây ngấy. Mới đây,
quán còn có thêm món bánh giò, tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng chất lượng
cũng có thể sánh ngang hàng với những món ngon đã làm nên thương hiệu
ông Cả Cần.

Bánh bao

Bánh giò

Bánh được hấp trong những chiếc xửng lớn, với kỹ thuật bí truyền.
Hiện
tại, có đến hai chủ khác nhau cùng kinh doanh món hủ tiếu với cái tên
hủ tiếu Cả Cân ngay trên khu đất này. Một là người quản lý cũ của quán
bán từ sáng đến trưa, và người chủ còn lại là chủ quán Cả Cần cũ trở về
từ Montreal, Canada để tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Việt Nam, bán từ trưa
đến nửa đêm về sáng.
Đó cũng là lý do vì sao
trên menu của quán có ghi rõ dòng chữ Việt - Anh: “Sáng và chiều khác
nhau” (Morning and afternoon different), như một sự lý giải về chất
lượng và hương vị khác nhau giữa hai tô hủ tiếu ở 2 thời điểm khác nhau
trong ngày. Và cũng không có gì ngạc nhiên khi lượng khách từ trưa trở
đi cũng đông hơn hẳn.
Đồ ăn của quán giá
khá "chát", 65.000 đồng/ tô hủ tiếu hải sản, 60.000 đồng/ tô hủ tiếu
thường, bánh bao đặc biệt 34.000 đồng/ cái gồm trứng muối, trứng cút,
thịt heo, thịt gà, nấm mèo, nấm đông cô nhưng vẫn rất nhiều thực khách
đến đây để được thưởng thức hương vị hủ tiếu đã từng làm mê đắm bao
người.
Theo Mask