Vậy là giới nghiên cứu đâm ra hoang mang trong việc tìm ra một chiến lược hiệu quả nhất cho sự thành đạt trong cuộc sống riêng tư, trên con đường công danh sự nghiệp và vị trí xã hội. Bởi có một điều hầu như chắc chắn: Tham lam và ích kỷ quá mức hẳn không thể được, nhưng hào hiệp quá cũng hỏng. Nhưng rồi những cái đó chỉ đúng đến một thời điểm nhất định. Mọi chuyện hình như đã có sự thay đổi, song đó có phải là những thay đổi thực chất hay không thì đây vẫn là điều cần bàn.
Hãy lấy ngôi sao điện ảnh Hollywood Sean Penn làm ví dụ. Khi ở bang New Orlean diễn ra thảm họa bão lụt, tình cảm của dân chúng được miêu tả là vô cùng khốn khổ thì ông, diễn viên đoạt giải Oscar năm 2004, kẻ tình địch đáng gờm của đương kim tổng thống Mỹ, đã đích thân xuất hiện tại những nơi mà quang cảnh hoang tàn khiến nhiều người ghê sợ. Ông thuê một cái xuồng máy và lượn quanh những con phố đang ngập chìm trong nước bẩn để cứu những người đang phải sống cảnh cô lập hoàn toàn với thế giới khô ráo bên ngoài.
Ngôi sao điện ảnh Hollywood Sean Penn
Thoạt nhìn người ta dễ lầm đây là một việc làm vô tư. Nhưng sẽ có người đặt câu hỏi: Tại sao một diễn viên giàu có như Sean Penn lại không lệnh cho những người có chuyên môn bơi lặn - chắc chắn họ cứu người hiệu quả hơn – mà lại một mình xoay xở để quay phim, để chụp ảnh thì rầm rộ chưa từng thấy, đến nỗi nếu có ai được cứu thì cũng chẳng biết để người đó ngồi đâu.
Các chuyên gia nghiên cứu về quan hệ xã hội thừa biết rằng biểu dương sự sẵn sàng giúp đỡ những người đang bị hoạn nạn sẽ là một hình thức để người đã nổi tiếng sẽ càng nổi tiếng hơn như thế nào. Bởi vì những người này không lạ gì phương châm. “Hãy làm việc thiện và tự khoe khoang là mình đã làm việc đó”. Các cuộc biểu diễn vì mục đích từ thiện không phải vô cớ lại làm cho các vị có chức có quyền càng được thừa nhận rộng rãi, còn các công ty cũng thường sử dụng đạo đức như một thứ công cụ phục vụ mục đích tăng lợi nhuận cho mình.
-Trong quan hệ giữa con người với con người, điều rất quan trọng là người khác hiểu rõ mức độ tin cậy và sự sẵn sàng hợp tác của mình – ông Dettef Fetschnhauer, nhà tâm lý học xã hội thuộc đại học Côlônhơ: - Khi đó chúng ta sẽ được ưu tiên trong công bố việc làm ăn và với tư cách những đối tác quan hệ cá nhân, điều này không chỉ làm tăng chất lượng cuộc sống của chúng ta mà còn có thể mang lại những lợi ích vật chất khác.
Song có một câu hỏi được đặt ra: Có phải trung thực và sẵn sàng giúp đỡ người khác lúc nào cũng được đền đáp xứng đáng? Phải chăng người tàn nhẫn và thận trọng hiện thực hóa các mục đích cá nhân là người đạt được thành công lớn hơn? Thực tế đã chỉ ra rằng, bất kể trong các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên hợp hay khi phân công các vị trí ở một đội bóng đá, trong quan hệ bạn bè, đồng nghiệp ở cơ quan hay khi nảy sinh vấn đề về ai rửa bát đĩa sau bữa ăn trong gia đình - ở đâu câu trả lời cho câu hỏi về sự hài hòa đúng mức giữa tính ích kỷ và tinh thần tập thể cũng quyết định việc đánh giá tính hiệu quả của thái độ cư xử.
Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế, tam lý học và sinh học tiến hóa gần đây đã phát hiện ra những kết quả mỗi ngày một đáng ngạc nhiên hơn. Người hào hiệp hành động vô tư và kẻ tham lam ích kỷ không nhất thiết phải trở thành đối thủ của nhau. Chính hiện nay, trong thế giới toàn cầu hóa, càng ngày có thể thấy một cách rõ ràng là thành viên hào hiệp của một tập thể thường cảm thấy thoải mái hơn kẻ có tính cách tàn bạo, lúc nào cũng chỉ lo đẩy người khác sang một bên để tiến lên phía trước. - Người thật ích kỷ, nếu muốn thành công trong thời buổi hiện nay, buộc phải cộng tác với mọi người – nhà đạo đức học kinh tế Christoph Lutge đã chứng minh như vậy.
Cố vấn của các nhà doanh nghiệp đồng thời là nhà tâm lý học về tổ chức, ông Michael Kastner, đã tìm ra thuật ngữ “kẻ ích kỷ đồng vận”, tức là người biết kết hợp làm một tư duy mang tính tập thể với sự vươn tới lợi ích cá nhân. - Tạo ra tình huống chiến thắng chung, tức là cả hai bên cùng có lợi, và hoạt động này không hề ảnh hưởng xấu đến bất cứ bên nào, đó là cả một nghệ thuật – ông Kastnes nói tiếp. – Đây là kết quả của sự tính toán lạnh lùng và không một chút mơ mộng, lãng mạn mang tính xã hội một chút nào.
Để trả lời cho câu hỏi: Phương thức cư xử nào được kiểm nghiệm trong những điều kiện cụ thể và đem lại nhiều lợi ích, một ngành khoa học mới đã hình thành và tiến hành công việc nghiên cứu - đó là ngành kinh tế thực nghiệm, có nhiệm vụ phân tích thái độ của con người thông qua các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Người đi đầu trong lĩnh vực này, ông Vermon Smith, đã được trao giải Nobel về kinh tế học.
Trong các trò chơi mô phỏng mà ở đó điều quan trọng là vươn tới những thành tựu chung, những người tham gia thí nghiệm có khả năng lựa chọn như sau: Có thể phối hợp với những bạn chơi khác và đầu tư tiền vào những công vụ làm ăn chung - hoặc ngấm ngầm chiếm dụng tiền cho bản thân mình. Kết quả cho thấy, những người tham gia đều thắng lớn (khi kết thúc cuộc chơi đều được trả tiền mặt) nếu tất cả thi đấu cao thượng. Mặc dù không cần phải nghi ngờ rằng nếu ai đó trong số người chơi muốn giở trò lừa đảo những người còn lại thì anh ta có cơ hội chiếm được một số tiền lớn nhất. Nhưng cũng chỉ thắng đến thời điểm nhất định. Khi những người khác nhận ra là họ đang gặp phải “kẻ đi đêm”, họ sẽ loại trừ tên lừa đảo hoặc dừng cuộc chơi.
Một cuộc thí nghiệm mô hỏng một số tình huống có thật trong cuộc sống đã được giáo sư Ernst Fehr ở Zurych (Thụy Sĩ), một trong những đại diện hàng đầu của ngành kinh tế học thực nghiệm, tiến hành. Hầu như trên mỗi bước đi của mình, người nào tự coi mình là kẻ chơi đúng mực, đều gặp không nhiều thì ít những gã gian lận. Các cuộc thí nghiệm của giáo sư Fehr và một số nhà nghiên cứu về kinh tế học ứng xử khác đã cho thấy là ở giai đoạn đầu cuộc chơi, phần lớn những người tham gia thí nghiệm đều tuyên bố sẵn sàng cộng tác. Nhưng trong thực tế vẫn có từ một phần năm đến một phần ba xử sự như những kẻ tàn nhẫn lọc lõi, chỉ muốn vơ thật nhiều mà không muốn đầu tư. Điều này dẫn đến hậu quả khôn lường: Những người trung thực trở thành kẻ thua cuộc và sau một ván, nhiệt tình chơi của mọi người giảm hẳn. Cuối cùng sự hợp tác còn lại chỉ là con số không - số tiền lãi cũng giảm đi tương ứng. – Khi cỗ xe đã lún sâu trong vũng bùn rồi thì khó lòng lôi nó lên – ông Fehr đưa lời bình luận.
Bằng chứng rõ ràng nhất về chuyện này là tình trạng các cuộc đàm phán sau bầu cử quốc hội, khi các đảng trong một liên minh bàn việc thành lập chính phủ. Ở đâu có nhiều nhà hoạt động thể hiện sự ích kỷ đến lạnh lùng trong thái độ của mình thì các hình thức cư xử khác có tuyệt diệu đến mấy cũng chẳng giúp ích gì.
Tuy nhiên trong các cuộc nghiên cứu tại phòng thí nghiệm tình hình lại thay đổi hoàn toàn, khi giá trị cuộc chơi công khai và những người tham gia có thể áp dụng hình phạt. Những người chơi có tinh thần đoàn kết cao sẵn sàng tận dụng quy định về thưởng phạt để thông qua đó buộc những kẻ “cờ gian bạc lận” phải đầu tư cho lợi ích chung. Khi đó thậm chí những kẻ ích kỷ tồi tệ nhất cũng bắt đầu tỏ rõ thái độ chơi mang nặng tính tập thể. Các nhà nghiên cứu rút ra kết luận rằng con người cần phải có cơ hội kiểm tra lẫn nhau. Khi đó sức ép tập thể sẽ có hiệu quả trong lao động tập thể.
Ông Axel Ockenfels, giảng viên môn kinh tế thực nghiệm tại Đại học Côlônhơ, khẳng định rằng nội quy, quy định và các cơ quan là những cái quyết định xem cách xử sự nào mang lại hiệu quả. Sự tín nhiệm là thứ thu hút mạnh người tiêu thụ và điều đó cũng có nghĩa là lợi nhuận của người bán hàng tăng - về chuyện này thì những người trực tiếp bán hàng cũng biết.
Nhưng chẳng lẽ chúng ta lại là những người tính toán lạnh lùng, chỉ khi nào hy vọng vào lợi nhuận mới tỏ ra đáng yêu và sẵn sàng hợp tác, chỉ có sự lo ngại bị trừng phạt hay sợ hình ảnh của mình bị xấu đi mới thể hiện thái độ nêu trên? Còn những lúc khác chúng ta cứ khuỳnh hai tay ra, gạt người khác sang một bên mà tiến lên phía trước, chẳng cần nghĩ ngợi gì? Đây chính là hình ảnh con người đã được khoa học kinh tế thừa nhận từ năm 1776, khi ông Adam Smith, người Xcốtlen, xây dựng nền tảng cho môn chính trị kinh tế học. Lý thuyết của chuyên ngành này liên quan nhiều nhất đến cái gọi là homoeconomicus, tức là con người thực tế, con người biết xử sự một cách hợp lý khi nào anh ta nhìn rõ lợi ích cá nhân.
Tuy nhiên, thực tế cuộc sống phủ nhận lý thuyết về tính ích kỷ bẩm sinh của con người. Một vị khách vào nhà hàng tại thành phố hoàn toàn xa lạ với mình vẫn có thể cho người hầu bàn tiền boa dù ông ta biết rất rõ sẽ chẳng bao giờ đến làm khách hàng ở đó nữa. Điều này không phù hợp với mẫu người bị các nhà kinh tế coi là vô cảm. Tương tự như vậy, sự sẵn sàng giúp đỡ các nạn nhân bị sóng thần ở châu Á cuối năm 2005 sẽ không giải thích được nếu cứ theo nếp tư duy cũ mà coi những người hảo tâm là những người chỉ biết đặt lợi ích tối đa của bản thân lên trên hết.
Giáo sư Fehr cho rằng, nếu không lưu ý đến những động cơ vô tư trong thái độ của chúng ta thì chúng ta sẽ phải đối diện với những đánh giá sai lầm cỗ hữu về thái độ của bản thân mình. Bằng chứng về điều này là trò chơi “hoặc là - hoặc là” gồm hai người tham gia trắc nghiệm, trong đó một người có thể đề xuất cách phân chia tổng số tiền. Trong các cuộc trắc nghiệm, những người tham gia thường chọn khả năng phân chia trung thực là chia đều, mặc dù khả năng để người đề xuất được nhận phần có lợi hơn là rất lớn.
Trong mối quan hệ giữa con người với con người, cảm giác về sự công bằng đôi khi là lực thúc đẩy lớn hơn so với sự đòi hỏi lợi nhuận cho cá nhân. Các kết quả nghiên cứu tại trường Đại học Tổng hợp Thiên chúa giáo ở Eichstatt – Ingolstadt đã chứng minh rằng tại Đức, phần lớn những người có bảo hiểm y tế sẵn sàng chấp nhận trả mức bảo hiểm lớn hơn và trả thêm nữa cho hệ thống bảo vệ sức khỏe mặc dù hệ thống này càng ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nhưng như vậy vẫn còn hơn ủng hộ mức thuế mà đang CDU đề xuất. Chuyên gia kinh tế CDU/CSU, ông Paul Kirchhof, thấm thía hậu quả khôn lường về mặt chính trị mà các đề xuất thuế đem lại nếu chúng được nhìn nhận như những bất công xã hội, mặc dù chúng có thể có lợi về mặt tài chính cho những đơn vị hoạt động tích cực.
-Nhìn nhận khách quan của công dân về hiện thực đất nước có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ xã hội – ông Fetchenhauer, nhà xã hội học chuyên nghiên cứu về các hiện tượng xã hội học, khẳng định. - Chẳng hạn như xu hướng gian lận thuế và bảo hiểm tăng khi các công dân có cảm giác rằng họ bị các cơ quan cư xử thiếu trung thực hoặc bị xúc phạm.
Trong quá trình tiến triển, một sự hoàn thiện các nguyên tắc của lòng hào hiệp vì cả hai phía đã diễn ra, các tình cảm xã hội và đạo đức phát triển. Sự chia sẻ và tin tưởng lẫn nhau đánh thức trong lòng mọi người xu hướng sẵn sàng giúp đỡ người khác. Lòng biết ơn và sự trung thành thôi thúc mọi người có thái độ đáp lại đúng mực sự giúp đỡ mà mình nhận được từ người thứ hai, thậm chí cả trong trường hợp đây chỉ đơn giản là hành động đáp lại những gì mình đã làm. Còn nỗi tức giận và sự khinh bỉ lại mách bảo người ta tránh xa hoặc trừng phạt những kẻ lừa đảo.
Thái độ đoàn kết xã hội - thật sự hay giả vờ - có thể đem lại lợi ích cho công ty như thế nào, điều này sẽ được tấm gương của ông Wendelin Wiedeking, chủ tịch công ty Porsche, làm sáng tỏ. Nhà quản lý này thường xuyên tham dự các cuộc tranh luận công khai về nhiều vấn đề. Ông kịch liệt phản đối việc sa thải hàng loạt nhân viên tại các công ti, xí nghiệp và tuyên bố đứng ra bảo vệ sức sản xuất nội địa mà không cần đến sự bao cấp của nhà nước. Công ty Porsche, một thương hiệu sáng giá, có được hình ảnh đẹp về một công ty tích cực hoạt động xã hội, được thừa nhận mỗi ngày một rộng rãi tại Đức và bán được nhiều hàng trên thị trường nội địa chính là nhờ có người lãnh đạo với suy nghĩ đúng đắn như ông Wiedeking. Bản thân ông cũng nhờ thế mà được đặt lên vị trí hàng đầu trong danh sách các nhà quản lý Đức được yêu mến nhất. Nhưng mọi danh hiệu đều không ngăn cản ông chủ tịch “tối ưu hóa” các nguồn thu nhập riêng của mình: Ông Wiedeking một mình kiếm được số tiền nhiều hơn tổng số tiền của cả năm đồng nghiệp của ông trong hội đồng quản trị cộng lại. Giáo sư luật kinh tế ở Hămbuốc, Michael Adams, đã không kiềm chế được bất bình gọi đây là cơ chế trả lương cho ích kỷ. Nhưng thái độ đó của giáo sư không ảnh hưởng đến mọi người. ÔNg Wiedeking, trong các quan hệ với các công nhân “của mình”, vừa đòi hỏi cao, nhưng lại chăm sóc hết sức chu đáo. Tạo xưởng chính, ông bảo đảm mức tuyển dụng đủ và ổn định đến năm 2010, còn trong các cuộc họp cán bộ nhân viên, người ta tung hô ông hệt như một ngôi sao nhạp pop.
Có một thực tế khó phủ nhận là sự đáng yêu, đáng mến ở ai đó có thể mang lại cho anh ta những lợi ích mang tính quyết định trong bất cứ lĩnh vực nào. Công ty Lìft ở Côlônhơ chuyên sản xuất thang máy cho người tàn tật. Lãnh đạo đã tổ chức huấn luyện cho những người thợ lắp ráp về cách quan hệ với khách hàng, trong đó đặc biệt lưu ý đến các hình thức cư xử chuẩn mực và khuyến khích người khác tiếp chuyện với mình. Hiện nay, sản phẩm của công ty chiếm một nửa thị phần và thường xuyên có tới 40% đơn đặt hàng do sự giới thiệu trực tiếp của những khách hàng ít nhất một lần được công ty phục vụ.
Có một nguyên tắc đang được áp dụng rộng rãi là nếu người lãnh đạo đơn vị xử sự một cách trung thực, đàng hoàng với các nhân viên của mình thì anh ta sẽ được đền đáp bằng cố gắng trong công việc của họ và không ai trách móc gì anh ta khi trong thành công chung chỉ một mình sếp được hưởng hào quang. Trong thời buổi hiện nay, ai muốn thăng tiến trong kinh tế, người đó cần có các đặc tính của người muốn trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp: Để leo lên đỉnh cao, bạn phải ích kỷ, cá nhân một chút, nhưng sau khi thành công, đừng quên tỏ ra thân thiện với bạn bè, đồng nghiệp.
Những người kiên quyết dựa trên sức mạnh của hai khuỷu tay mình sẽ đến lúc phải trả giá cho việc vi phạm các nguyên tắc về tính trung thực. Các cuộc thí nghiệm đã chỉ ra rằng những người tham dự cuộc chơi vì lợi ích chung thường trừng phạt “kẻ đi đêm” ngay cả khi kẻ đó ý thức được cuộc chơi sẽ bị gián đoạn và bản thân anh ta cũng không được lợi lộc gì. Từ quan điểm thuần túy kinh tế, sự trừng phạt những người phạm lỗi, tuy tốn kém, lại chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng khi biểu đồ ghi lại mức độ linh hoạt của não chỉ ra rằng khi người chơi trung thực trừng phạt kẻ gian lận thì trong não anh ta, trung tâm khen thưởng, gọi là nucleus caudate, linh động hẳn lên. Trung tâm này cũng phản ứng không chỉ khi diễn ra các cuộc chơi với khoản tiền lớn mà cả khi chúng ta tiếp xúc với những đối tượng hấp dẫn về xác thịt hay khi chúng ta sẻ dụng côcain. - Sự trả thù cũng tạo cảm hứng – giáo sư Fehr đã nhận ra điều này và cho rằng báo thù có ý nghĩa đặc biệt đối với những người chơi nghiêm túc.
Các nhà thần kinh học thuộc đại học Atlanta (Mỹ) đã phát hiện ra rằng khi các đối tác hợp tác suôn sẻ, trong não của mỗi người trong họ, một số trung tâm chịu trách nhiệm về cảm giác sung sướng linh hoạt hẳn lên. Nhưng khi xuất hiện những kẻ gian lận, đặc biệt là khi họ thoát khỏi sự trừng phạt, nhiệt tình chơi ở những người còn lại giảm sút rõ ràng mặc dù số tiền thu được do thắng cuộc tăng lên đến mức bất ngờ. Một trong số các nhà nghiên cứu, ông Gregory Berns, đã rút ra kết luận rằng não của chúng ta, qua quá trình tiến hóa, đã được lập trình theo hướng tiếp nhận hợp tác và phản ứng tích cực trước sự công bằng.
-Tính cách đáng quý ở con người – như có khẳng định của nhà tâm lý học tiến hóa người Mỹ Geoffrey Miller – là có khả năng hấp dẫn người khác giới. Lòng hào hiệp, trong cuộc sống của chúng ta, cũng có chức năng làm dáng như con công khi nó cố tình phô diễn bộ lông của mình.
-Khi chọn bạn tình, chúng ta dứt khoát phân biệt hai loại đối tượng, một để chơi bời cho vui và một để gắn bó lâu dài – ông Fetchenhauer nói - Để có anh đàn ông cho một đêm vui vẻ, phái đẹp thường tìm kiếm trong số những người hơi ích kỷ cá nhân một chút, song đậm tính đàn ông, còn để làm chồng – nói chung phải là người thật lòng quan tâm, săn sóc. Nhìn từ góc độ sinh học, cả hai chiến lược này đều hiệu quả và tồn tại trong thực tế hàng ngày, điều đó lý giải vì sao ngày nay trong cuộc sống của chúng ta, có thể dễ dàng gặp được cả hai loại người, những kẻ ích kỷ và những người hào hiệp. Thêm vào đó, sự phân biệt hai loại người này có thể thực hiện dễ dàng đến mức khó tin. Trong các công trình nghiên cứu tiến hành gần đây của ông Fetchenhauer, những người tham gia thí nghiệm được xem một đoạn phim video kéo dài 20 giây về những người không quen biết, sau đó phát biểu ý kiến của mình về họ, tập trung vào câu hỏi: Trông dáng vẻ bề ngoài, họ hào hiệp hay ích kỷ. - Số người trả lời chính xác nhiều đến mức đáng ngạc nhiên – nhà tâm lý học chủ trì thí nghiệm nói – Có chuyện này là bởi lẽ những chuyên gia xuất sắc nhất về con người bao giờ cũng ý thức rất rõ về khả năng cảm nhận của mình. Khi mọi người cố gắng sử dụng những tiêu chí duy lý và đưa vào một số phân tích mang tính phụ trợ, sự chính xác trong đánh giá lập tức giảm đi. – Tôi đề nghị các bạn hãy dựa hoàn toàn vào năng lực cảm nhận của mình – giáo sư khuyên. - Sự nghi ngờ mang tính tự phát là lời chỉ dẫn tốt nhất.
Con người đang được trang bị một năng lực tự nhiên, nhờ đó họ có thể đáp ứng những đòi hỏi của lòng hào hiệp đem lại lợi ích cho cả hai bên. Con người cùng nhau ghi nhớ (có thể nhờ các vùng đặc biệt của não) và cũng dễ dàng nhận ra kẻ lừa đảo. Kết quả các cuộc thí nghiệm khoa học đã khẳng định những giả thuyết đã trở nên quen thuộc rằng chúng ta có xu hướng giúp đỡ những người không quen biết khi điều này không đòi hỏi chúng ta sự hy sinh lớn lao hoặc khi những người không quen biết đó đang rất cần giúp đỡ, hoặc khi chúng ta có thể nghĩ là trong tương lai họ sẽ đền đáp tận tình công lao của chúng ta. Chúng ta thích những người phục vụ mình, chúng ta có cảm giác mắc nợ những người chúng ta không giúp được mặc dù chúng ta có thể làm việc này chúng ta loại bỏ những người tỏ ra nhỏ nhen trong quan hệ với chúng ta.
Nói chung chúng ta không phải là những người ích kỷ đến vô đạo đức theo lý luận kinh tế học cổ điển của Adam Smith, cũng không phải những kẻ hào hiệp không tưởng hành động theo nguyên tắc “một người vì mọi người, mọi người vì một người”. Chúng ta cùng nhau hành động theo nguyên tắc hào hiệp vì cả đôi bên với một điều kiện – là xung quanh chúng ta không có những kẻ lừa đảo và những kẻ chỉ thích đi đêm.
Cũng có thể diễn viên Hollywood Sean Penn đã không biết điều này. Khi ông dấn thân vào khu vực đang phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng của bão lụt ở New Orlean, nhảy lên chiếc xuồng máy của mình, thay cho những tràng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, ông bị nhiều người mỉa mai, huýt sáo phản đối. Vì là người cứu nạn nghiệp dư, ông đã quên không chuẩn bị những dụng cụ cần thiết, nên đã phải dùng xô nhựa tự tay tới tấp tát nước từ xuồng của mình, suýt nữa thì chìm xuống đáy nước, nói gì đến chuyện cứu người. Nhưng sau chiến dịch thất bại về thực chất nhưng thắng lợi về mặt tuyên truyền ông vẫn trở thành con người thành đạt: Cứu được 40 người bị tai nạn bão lụt và giành được sự kính trọng của mọi người.
Theo