Có
nhiều người đã đề cập đến phương pháp đo xương để xác định
tuổi của Công Phượng, thế nhưng theo như ông Vũ Quang Vinh, Tổng
biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong, thì đây lại là điều bất khả
thi.
Những
ngày qua, câu chuyện Công Phượng có gian lận tuổi hay không đã
thực sự trở thành chủ đề nóng trên các tờ báo và các diễn
đàn mạng. Nhiều người bức xúc, cho rằng cần phải điều tra rõ
ngọn nguồn sự việc, một số thì kêu gọi hãy để cho đội trưởng
U19 Việt Nam được yên. Thậm chí, chương trình Chuyển động 24h
của VTV còn cử cả nhóm phóng viên về điều tra và thực hiện
một bản tin rất chi tiết. Trong khi đó, ông bầu Đoàn Nguyên Đức
cũng đã yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc nhằm làm sáng tỏ
mọi chuyện.
![]() |
Ông Vũ Quang Vinh khẳng định không thể đo xương ở trường hợp của Công Phượng. |
Trước
khi cơ quan chức năng bắt tay điều tra và có kết luận chính
thức, rất nhiều người, trong đó có cả những nhà báo, luật sư
hay HLV bóng đá đã hiến kế để câu chuyện sớm đi đến hồi kết.
Một trong những phương án mà họ nhắm tới chính là thực hiện
phương pháp đo xương, giống như Ban tổ chức giải Nhi đồng toàn
quốc thường làm.
Trong
giai đoạn từ năm 1996 - 2002, có rất nhiều giải U11 hay U13 ở Việt
Nam xảy ra vấn đề về nhân sự, đặc biệt là sự gian lận của các đội bóng
khi tham dự giải. Nhằm hạn chế tối đa tình trạng này, BTC các
giải đấu Nhi đồng toàn quốc đã sử dụng các biện pháp xác định tuổi
được gọi nôm na là phương pháp kinh điển, dựa vào đánh giá sự cốt hóa
của hệ thống xương.
“Y
học thế giới chỉ ra rằng qua mỗi năm phát triển của cơ thể thì mức độ
cốt hóa là khác nhau và hoàn toàn có thể dựa vào mức độ cốt hóa để suy
luận ngược lại là VĐV bao nhiêu tuổi. Việc xác định được thực hiện thông
qua chụp X - quang” - Bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Thể
thao Việt Nam, cho biết. Theo ông Phú, từ những năm 1998 - 2000, Trung
tâm Y học thể thao đã sử dụng phương pháp này để kiểm tra độ tuổi VĐV ở
các giải thiếu niên nhi đồng.
Tuy
nhiên, phương pháp nói trên chỉ cho phép xác định được một cơ thể khi
mới sinh ra cho đến độ tuổi 17,6 (đối với nữ) và 18,3 đối với nam. Còn
ở độ tuổi cao hơn thì rất thiếu chính xác. Ông Vũ Quang Vinh,
Tổng biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong, nguyên Phó Chủ tịch VFF và là
người đã có hàng chục năm gắn bó với bóng đá thiếu niên, nhi đồng, cũng
xác nhận điều này.
“Các
biện pháp về y sinh không thể kiểm tra được trường hợp này. Bởi biện
pháp chụp xương bàn tay chỉ có thể xác định tuổi đối với vận động viên
dưới 18 tuổi. Việc chụp phim xương tay căn cứ vào lớp sụn nối giữa bàn
tay và xương cổ tay. Tuy nhiên, đối với vận động viên trên 18 tuổi thì
không còn áp dụng được biện pháp này”, ông Vinh cho biết.
Theo Quốc An (Nguoiduatin.vn)