Mấy ngày hôm nay, câu chuyện có những nữ người Việt bị Singapore từ chối nhập cảnh được bàn luận, với câu hỏi vì sao? Dù Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đặt câu hỏi, nhưng chưa có câu trả lời từ phía Singapore. Tuy nhiên, chính người Việt đã “hé lộ” nguyên nhân.
Và hơn lúc nào hết, ta hãy nhìn lại chính ta để cải thiện hình ảnh, đừng mang nặng mặc càm, tư duy tự phụ sẽ rơi vào tỉnh cảnh tự cô lập mình.
Không phải chỉ có nhiều nữ giới mới bị Singaphore từ chối cho nhập cảnh, ngay cả nam giới cũng rơi vào hoàn cảnh “tế nhị” này.
Trên diễn đàn bàn luận về chủ đề này, nếu như người nước ngoài hay người Singapore lên tiếng thì ta cho là không công bằng, thiếu con mắt thiện cảm với người Việt, nhưng ở đây, người lên tiếng toàn là người Việt ta cả, hãy coi đó là những lời chân thành nhất để kiểm điểm lại mình trước khi lên tiếng trách người.
Với những người bị từ chối nhập cảnh, họ là ai, tại sao những người Việt từng qua Singapore lại đưa ra lời khuyên, rằng đừng ăn mặc hở hang, đừng trang điểm quá kỹ, khi phỏng vấn phải trả lời rõ ràng…bởi qua đó, không ít cô, ít cậu mượn chuyện đi du lịch sang đó rồi bước chân vào phố “đèn đỏ”, buôn bán lậu, đổ xí ngầu. Và khi cảnh sát Singapore truy quét tệ nạn, sao số đông chỉ là người Việt?

Du khách Việt nên tự nhìn nhận lại mình (Ảnh minh họa)
Không phải chỉ ở Singapore mà người Việt bị đối xử ở nhiều nước, ngay cả các nước trong khu vực. Đã bao giờ chúng ta giật mình về sự thật này chưa? Đã có ai thấy xấu hổ khi tại một số nhà hàng ở nước ngoài, treo biển bằng tiếng Việt về “tội” ăn buffet thừa mặc dù có biển “ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, ăn không hết bị phạt”, nhiều siêu thị cũng có những tấm bảng ghi tiếng Việt cảnh báo về nạn ăn cắp vặt, nhiều nơi công cộng có tấm bảng cảnh báo xả rác tùy tiện cũng bị phạt.
Ngay một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Phan Thiết từ chối bán hàng cho người Việt. Chủ cửa hàng này đã bị phạt, bị dư luận trong nước chỉ trích, lên án gay gắt, nhưng ai hiểu nỗi lòng ông chủ: Khách hàng người Việt mình vào xem hàng là chính, đòi đưa hết hàng này đến hàng nọ rồi không mua, bỏ đi. Mới đây một bà chủ sạp vải - một chợ sầm uất ở Hà Nội đã nổi điên, rượt đuổi thẳng cánh một nữ khách hàng, bởi cô gái này bắt bà chủ lục tung cả chồng vải cao ngất, rồi chẳng mua.
Mới đây, 2 công dân của ta mới bị bắt ở Thụy Sĩ vì ăn trộm kính ở siêu thị, chuyện xấu này ở Nhật đã khá phổ biến. Công dân các nước đến nước ta du lịch, làm ăn cũng gây chuyện xấu, nhưng chỉ là những trường hợp cá biệt, nhỏ lẻ. Đằng này, người nước mình gây chuyện xấu ở nước ngoài lại trở thành…phổ biến, làm hình ảnh người Việt ngày càng xấu đi trong con mắt người nước ngoài.
Không ít người tự hỏi, vì sao hai du khách người Việt, đủ tiền để đi du lịch tận Châu Âu, chẳng lẽ lại thiếu tiền để mua 2 cái kính đeo mắt?
Bài học “Dạy con từ thủa con thơ” vẫn không hề thừa. Người lớn của chúng ta đang làm tấm gương xấu để con cái noi theo, học hỏi… Tôi đã từng chứng kiến cô bé mới 5 tuổi mặt tái xanh tái tử khi thấy mẹ vượt đèn đỏ, bị công an thổi còi phạt. Bé lên tiếng trách mẹ thì bị mẹ mắng té tát “trẻ con biết gì”. Người lớn cứ thẳng tay xả rác ra đường, sao bé không học theo mới lạ. Thói vô kỷ luật, sống tùy tiện đã khiến nhiều lao động ở nước ngoài phải trục xuất về nước…
Những hình ảnh không đẹp mắt nơi công cộng ở nước ra vẫn khá phổ biến, dù Chính phủ đã có Nghị định 167/2013, xử phạt hành chính đối với những vi phạm trật tự công cộng, nhưng xem chừng chẳng mấy ai bị phạt. Mới đây Đà Nẵng đã rất kiên quyết với “Tội tè bậy, xả rác” khiến Hà Nội đang quyết tâm học theo.
Chính người Việt cũng đang khó chịu với những “Thói hư, tật xấu” của chính người nước mình, trách chi người nước ngoài không thiện cảm với người Việt.
Hãy trách chính mình trước khi trách người!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Theo Lê Hiếu /Khampha