Sản phẩm như thế nào thì gọi là hàng giả?
Tuổi Trẻ Online dẫn thông tin từ luật sư Diệp Năng Bình cho biết pháp luật Việt Nam có nhiều văn bản đưa các quy định khác nhau có đề cập đến hàng giả, các văn bản cụ thể như: Nghị định 98/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Dược năm 2016.
Cụ thể, khoản 7 điều 3 nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định rõ về hàng giả. Hàng giả bao gồm các hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký.
Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.
Thuốc giả không có dược chất, dược liệu hoặc có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu theo quy định tại điều 33, điều 34 Luật Dược năm 2016…

Lực lượng chức năng vừa triệt phá đường dây sữa giả, thuốc giả. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Như vậy, có thể hiểu hàng giả gồm hai loại là giả về hình thức và giả về nội dung. Do đó, để hiểu và phân định những sản phẩm nào là hàng giả thì sẽ phụ thuộc vào việc cơ quan điều tra xác định mặt hàng đó phải chứa một hoặc nhiều dấu hiệu giả theo các quy định mà pháp luật đã đặt ra.
Người quảng cáo hàng giả phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn thông tin từ luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay, trường hợp có kết luận chính thức từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định sản phẩm xuất hiện trong quảng cáo là hàng giả thì việc quảng cáo là vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, giá, công dụng... là hành vi bị nghiêm cấm.
Người thực hiện hành vi trên sẽ bị phạt tiền 60-80 triệu đồng theo khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021. Ngoài ra, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo và buộc cải chính thông tin.
Giả sử trường hợp người quảng cáo nếu đã biết về sản phẩm mình quảng cáo là hàng giả nhưng vẫn cố tình quảng cáo, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm của tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trường hợp hành vi quảng cáo gian dối gây hậu quả nghiêm trọng và người thực hiện đã bị xử phạt hành chính hoặc kết án trước mà vẫn tái phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự.
Cũng theo luật sư Võ Đan Mạch, Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Theo đó, những người nổi tiếng như nghệ sĩ, KOL... khi tham gia quảng cáo sản phẩm được xem là bên thứ ba và phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ:
Thứ nhất, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp và chương trình đánh giá, xếp hạng liên quan cho người tiêu dùng.
Thứ hai, yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp thông tin, tài liệu, phương tiện để chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Nghĩa là kiểm chứng, xác minh tính chính xác của thông tin.
Thứ ba, chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Như vậy, trong trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm giả mạo mà không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kiểm chứng, họ vẫn có thể bị xử lý theo các chế tài hành chính, yêu cầu bồi thường dân sự hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào hậu quả thực tế.
Từ nội dung phân tích, luật sư Võ Đan Mạch cho rằng nghệ sĩ không chỉ đơn thuần là người đóng vai trò quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng mà còn là chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý độc lập nếu vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi quảng cáo.
Việc không biết sản phẩm là hàng giả không tự động loại trừ trách nhiệm (trừ khi nghệ sĩ chứng minh được đã thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm chứng trước khi quảng cáo).
Dù pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về căn cứ, tiêu chí nhận diện, xác định biện pháp nghệ sĩ thực hiện để kiểm chứng nhưng trong quá trình giải quyết, cơ quan chức năng sẽ xem xét và đánh giá toàn diện để xác định lỗi cố ý hay vô ý, mức độ lỗi, hành vi, hậu quả xảy ra.

Theo Người đưa tin