Làng nghề Sơn Đồng, huyện Hoài Đức là một trong số ít làng nghề ở Hà Nội cho đến nay vẫn còn giữ được vẻ mộc mạc, dân giã của vùng quê Bắc Bộ. Trong làng hiện vẫn còn nhiều ngôi nhà cổ. Đây cũng được gọi là làng khoa bảng, với 8 tiến sĩ và hàng trăm cử nhân đỗ đạt trong các triều đại phong kiến.
Nổi tiếng nhất phải kể đến cụ Nguyễn Viết Thứ đậu Tiến sĩ năm 21 tuổi, sau đó, được triều đình đề cử vào nhiều vị trí quan trọng. Năm 1691, cụ giữ chức Tham tụng, tức Tể tướng. Dân làng vẫn gọi cụ với cái tên thân mật : Cụ Thượng Sơn Đồng.
Ngày nay, trong làng Sơn Đồng, dòng họ Nguyễn Viết vẫn còn giữ được ngôi nhà cổ, rộng tới 3.000 m2. Bên trong là ngôi từ đường làm bằng gỗ lim nguyên khối, cùng hệ thống cột, kèo được sơn son thếp vàng đẹp mắt.
Nhà thờ dòng họ Nguyễn Viết làng Sơn Đồng được xây dựng trên nền đất của tổ tiên để lại từ hàng trăm năm trước.
Các hạng mục bên trong công trình bao gồm, từ đường và khu nhà ở được xây dựng cách đây 300 năm, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thượng thư Nguyễn Viết Thứ (đời thứ 8).
Cổng tam quan để vào từ đường của dòng họ Nguyễn Viết được dựng cách đây 300 năm vẫn còn nguyên vẹn. Theo quy tắc trong họ, cổng ở giữa luôn được mở, nhưng chỉ dành cho bậc lão niên, có chức sắc trong họ đi qua. Mọi thành viên khác sẽ phải đi 2 cổng bên cạnh.
Ở hai bên hông là nhà tả vu và hữu vu được sử dụng làm nơi chuẩn bị đồ lễ, đồ cúng.
Nằm ở trung tâm là căn từ đường năm gian hai chái, được làm hoàn toàn từ gỗ lim cổ thụ, có cột cao tới 2,5 m. Hệ thống cột, kèo, xà, đấu củng đều được chạm khắc tinh xảo và sơn son thếp vàng, rất giống với kiểu trang trí đình, đền truyền thống của người Việt.
Phần mái được lợp ngói âm dương. Trên đỉnh được chạm khắc hình lưỡng long chầu nguyệt và gắn các mảnh gốm vô cùng tinh xảo.
Đặc biệt, phần mặt tiền từ đường có đôi câu đối bằng chữ Nôm do Giáo sư Vũ Khiêu tặng trong một lần đến thăm từ đường dòng họ Nguyễn Viết.
Theo ông Nguyễn Viết Thắng, người trông coi nhà thờ họ Nguyễn Viết, hiện nay, bên trong từ đường vẫn còn giữ được nhiều cổ vật, có niên đại từ thời Lê Trung Hưng.
Trong đó, có hàng chục đạo sắc phong qua các triều đại, cuốn gia phả có từ 600 năm trước và nhiều câu đối, hoành phi có niên đại từ 100 - 300 năm trước.
Một bản sắc phong (bản sao) được trưng bày trong từ đường.
Quý giá nhất theo ông Thanh là đôi hươu bằng gỗ 300 tuổi. Theo ghi chép đây là quà của vua nhà Thanh tặng Thượng thư Nguyễn Viết Thứ trong một lần đi sứ.
Sau 300 năm tồn tại, toàn bộ hạng mục trong nhà đều gần như vẫn còn nguyên vẹn.
Theo lời kể của ông Thắng, trải qua nhiều thăng trầm, biến động của lịch sử thậm chí, đã có lúc làng Sơn Đồng bị giặc dã thiêu trụi, song ngôi nhà gần như không bị ảnh hưởng.
Trong suốt những năm tháng qua, những thế hệ con cháu trong dòng họ thay phiên nhau giữ gìn, coi sóc công trình cổ.
Các hạng mục kiến trúc đồ đạc bên trong được giữ gìn cẩn thận.
“Tất cả con cháu, thế hệ sau phải tuân theo quy định của dòng họ, là giữ gìn từ đường nguyên vẹn nhất. Chúng tôi thống nhất việc sửa sang, cơi nơi công trình đều phải được sự đồng ý của dòng tộc", ông Nguyễn Viết Thắng nói.
Hiện nay, nhà thờ họ Nguyễn Viết đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Toàn bộ công trình rộng 3.000 m2 nhìn từ trên cao.
Theo Dân Trí