Cây sưa 100 tỷ đồng: Dân xót ruột chờ bán chia nhau

Người dân thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính (Hà Nội) đang ngày đêm xót xa nhìn cây sưa từng được trả 100 tỉ đồng

Người dân thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính (Hà Nội) đang ngày đêm xót xa nhìn cây sưa từng được trả 100 tỉ đồng, được ví như khối “vàng lộ thiên” của làng chết dần mà không xin được giấy phép để bán.

Cây mục rỗng có nguy cơ thành củi đun

Bên trong lớp áo giáp sắt bảo vệ, cây sưa quý hiếm được ví là khối vàng mười của cả làng đang mục dần, nhiều phần trên thân cây và cả gốc cây đã chết khô.

Phần vỏ phía bên ngoài cây khô và bong gần hết, có nhiều đoạn gần gốc cây cho thấy bộ rễ đã chết đi phần nhiều.

Người dân nơi đây đã tiến hành chọc que vào đo độ rỗng bên trong thân cây, cho thấy phần cây bị rỗng đã lên đến 1,5m. Vào mùa mưa bão ẩm ướt, nhiều phần cây đã chết sẽ bị ngấm nước và lên nấm mốc, có nguy cơ hỏng toàn bộ cây.

Cây sưa 100 tỷ đồng: Dân xót ruột chờ bán chia nhau-1
Cây gỗ sưa nằm trong khuôn viên chùa xã Phụ Chính, cao hơn 3m và có đường kính gần 1m
Cây sưa 100 tỷ đồng: Dân xót ruột chờ bán chia nhau-2
Nhiều phần thân cây đã bị hư hỏng, mục rỗng và vỡ ra
Cây sưa 100 tỷ đồng: Dân xót ruột chờ bán chia nhau-3
Một nửa cây sưa quý được cho là đã chết khô

Trước đây, thời điểm gỗ sưa đắt giá, cây gỗ quý của thôn được nhiều người trả giá cả 100 tỉ đồng. Đến năm 2010, người dân nơi đây mới quyết định cắt bán một nhánh cây.

Tuy nhiên, năm 2012, do lơ là trong công tác bảo vệ, một nhánh còn lại của cây đã bị kẻ gian cắt trộm trong đêm.

Đến nay, cây chỉ còn phần thân cao khoảng hơn 3m, ước lượng có giá trị khoảng 50 - 60 tỉ đồng và được người dân dựng hàng rào sắt xung quanh để bảo vệ trước những kẻ có ý đồ trộm gỗ quý.

Cây sưa 100 tỷ đồng: Dân xót ruột chờ bán chia nhau-4
Người dân bảo vệ cây gỗ quý bằng hàng rào sắt kiên cố

Dân muốn bán nhưng chính quyền chưa đồng ý

Đứng trước nguy cơ cây gỗ quý chết dần, người dân nơi đây đã làm đơn xin chính quyền cấp phép bán cây từ giữa năm 2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng ý.

“Cây đã chết đi nhiều rồi, nếu thêm vài năm nữa vẫn không xin được giấy phép bán thì rất có thể mục toàn bộ cây.

Dân chúng tôi xót của muốn bán nhưng cấp trên không cho, chỉ biết đứng nhìn tiền mất đi mà không làm được gì”, ông Nhạn - một người cao tuổi trong thôn - chia sẻ.

 

Ông Vũ Văn Tuyến, trưởng thôn xã Phụ Chính, cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn lên cấp trên, nhưng trên chỉ trả lời công văn là cây này có thể bán, mà không có hướng dẫn cụ thể là chúng tôi cần làm những thủ tục gì để có quyết định bán cây”.

Cây sưa 100 tỷ đồng: Dân xót ruột chờ bán chia nhau-5
Ông Vũ Văn Tuyến, trưởng thôn xã Phụ Chính mong sớm nhận được quyết định cho phép bán cây của chính quyền

Thêm vào đó, ông Tuyến cho biết: Năm 2010, số gỗ cắt xuống được thương lái thu mua với giá 20,5 tỉ đồng. Sau khi thuận mua vừa bán, thương lái đã trả đủ số tiền cho người dân và chở gỗ đi.

Trên đường di chuyển, số gỗ đó bị Công an huyện Chương Mỹ bắt giữ do thiếu thủ tục bán, cuộc mua bán xem như không thành công.

Năm 2015, huyện Chương Mỹ đã yêu cầu dân Phụ Chính trả lại số tiền 20,5 tỉ đồng cho người mua năm 2010 và cho đấu giá lại số gỗ năm đó, cuối cùng được hơn 31 tỉ đồng.

Hiện số tiền đấu giá năm 2015 đã được rót về thôn Phụ Chính để xây dựng chùa.

Tuy nhiên số tiền 20,5 tỉ đồng của người mua gỗ năm 2010, được chia thành 11 sổ tiết kiệm gửi ngân hàng, vẫn do các cụ trong làng giữ. Đến nay, số tiền cả gốc lẫn và lãi là hơn 30 tỉ đồng.

Thương lái muốn nhận về cả gốc lẫn lãi nhưng các cụ trong thôn chỉ đồng ý trả lại số tiền gốc là 20,5 tỉ đồng. Do đó xảy ra kiện cáo, tới nay vẫn chưa giải quyết được, nên chính quyền cấp trên chưa giải quyết cho bán.

Sau nhiều lần xin bán không thành công, người dân Phụ Chính xót xa nhìn cây xưa bạc tỉ của làng chết đi, chỉ mong sớm nhận được giấy phép và hướng dẫn làm thủ tục bán cây.

(Theo Lao Động)


người dân

cây sưa

gỗ quý


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.