Thoải mái mua đồ 'Gucci', 'LV' trên lề đường ở New York

Vấn đề này đang làm đau đầu các thương hiệu nổi tiếng bởi chúng “cướp trắng” doanh thu bán lẻ và tàn phá hình ảnh cao cấp của họ

Vấn đề này đang làm đau đầu các thương hiệu nổi tiếng bởi chúng “cướp trắng” doanh thu bán lẻ và tàn phá hình ảnh cao cấp của họ.

Thấp thoáng trên đường phố chật hẹp của khu China Town đầy ngóc ngách giữa New York, bóng dáng những tay bán lẻ cầm các bọc đồ trong túi nhựa màu đen, hét to tên của các thương hiệu cao cấp như một cách chào hàng thô lỗ, nhưng quen thuộc.

“Hàng hiệu” được rao bán ngay trên hè phố

Điều này nhằm gây hấp dẫn và hướng sự chú ý của các khách du lịch đông đúc trên các con phố vào những thùng hàng không khác gì thùng rác ở bên cạnh. Bên trong chúng chất đầy chiếc túi đeo tréo chứ danh dòng messenger Gucci Supreme, gắn tag giá 30 USD, tức là so với phiên bản gốc tới gần 1000 USD thì bạn chỉ phải trả bèo bọt có 3% để sở hữu chúng.

Thoải mái mua đồ Gucci, LV trên lề đường ở New York-1

Đủ loại túi, quần áo, ví "fake" bày bán trên các khu phố từ đủ các thương hiệu nổi tiếng nhất với mức giá bèo bọt.

Karlin Chan, một người dân sinh sống ở khu phố Tàu đồng thời là một nhà hoạt động cộng đồng, cho hay bộ mặt khu phố mình đã thay đổi đáng kể trong hơn 30 năm qua – có những thứ tốt hơn và có những thứ ngược lại. Mặt tích cực nằm ở nỗ lực cải thiện những khu phố tồi tàn khi chứng kiến sự xuất hiện của các phòng trưng bày nghệ thuật và các cửa hàng cà phê hipster.

Nhưng điều tồi tệ là vấn nạn buôn bán hàng giả đã trở nên trơ trẽn hơn, chúng bước ra khỏi “bóng tối” và hàng ngày miệt mài “marketing” lộ lộ liễu ngay dưới ánh sáng ban ngày.

Vào một ngày cao điểm, lũ lượt hơn 300 người rao bán hàng giả ở khu phố Tàu, Chan cho hay, từ túi xách cho đến đồng hồ ở các cấp độ chất lượng “fake” khác nhau.

Theo Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Văn phòng Tài sản Trí tuệ và Bất động sản EU, trái với sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu, thị trường thương mại hàng giả, hàng nhái vẫn tăng trưởng đều đặn trong nhiều năm qua và hiện chiếm tới 3,3% giá trị thương mại toàn cầu.

Giá trị hàng ‘fake’ nhập khẩu hiện đạt khoảng 509 tỷ USD, tăng từ 461 tỷ USD của năm 2013, con số khổng lồ này còn chưa tính đến lượng hàng giả được sản xuất và tiêu thụ nội địa, hoặc được bán qua Internet.

Thoải mái mua đồ Gucci, LV trên lề đường ở New York-2

Những chiếc túi fake của Chanel bày bán la liệt ở China Town.

Trái lại xu hướng đó, Tập đoàn đa quốc gia LVMH của Pháp, công ty mẹ sở hữu các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng toàn cầu như Celine, Dior, Givenchy và Louis Vuitton, vừa báo cáo doanh thu khoảng 53 tỷ USD vào năm 2018, khá khiêm tốn so với giá trị thị trường của các phiên bản ‘fake’ tương đương.

Miễn cưỡng chấp nhận và bất lực

Báo cáo cho biết giày dép, quần áo và đồ da là những mặt hàng dễ bị làm giả nhất. Phần lớn trong số chúng, khoảng trên 70% có nguồn gốc từ Hồng Kông và Trung Quốc đại lục

Vấn nạn về buôn bán bất hợp pháp này đang làm đau đầu các thương hiệu nổi tiếng lẫn nhà quản lý thị trường, nhưng cũng không thể ngăn cản các thương buôn ở khu phố Tàu hàng ngày hàng giờ kiếm lợi từ việc buôn bán hàng giả cho khách du lịch vãng lai.

George là một trong những chủ cửa hàng lưu niệm trong khu vực này và yêu cầu giấu tên, cho rằng với tư cách là một doanh nhân, ông có vẻ chấp nhận điều này. Ông từ chối tố cáo họ bởi “Bọn họ không làm phiền gì tôi cả”, ông nói tiếp, “Tôi thì bán hàng hóa hợp pháp, và hàng giả với giá hời thì những người hàng rong này có thể níu chân người qua lại”. Việc buôn bán sẽ tốt hơn mặc dù nhiều lúc, việc mặc cả cũng gây phiền nhiễu bên ngoài cửaa hàng của ông.

Có rất nhiều cửa hàng lưu niệm như của George mở dọc theo khu Phố Tàu nhưng không phải tất cả đều hợp pháp như vậy.

Thỉnh thoảng một khách hàng sẽ bước vào một trong các cửa hàng gần như trống rỗng này, bên trong chỉ lưa thưa vài chai nước hoa và túi da màu đỏ được trưng bày. Nhưng các khách hàng này cứ như thể biến mất như làn khói trong vòng 30 phút, và rồi lại xuất hiện trên đường phố đông đúc trở lại với đôi ba chiếc ví hay cái túi hiệu “Gucci” trên tay.

Heather McDonald, nữ luật sư bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Bakerhostetler ở New York đã xử lý các trường hợp giả mạo trong hơn hai thập kỷ và quá quen thuộc với các kiểu cách hoạt động mờ ám này.

Cô nói  thay vì tích lũy một lượng hàng tồn kho khổng lồ, hiện đang tồn tại đường dây tiêu thụ hàng giả, hàng nhái trong thành phố. Chúng có thể liên kết với nhau thành một mạng lưới, thống nhất để cung ứng cùng một vài mặt hàng tại một thời điểm.

Nỗ lực ngăn chặn nạn buôn hàng giả ở khu phố Tàu chỉ như muối bỏ bể. Chan cho rằng các cơ quan quản lý dường như quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề tội phạm như giết người, đốt phá, có người bị hại cụ thể. Trong khi đó những kẻ buôn bán quần áo, túi xách, ví giả dường như chỉ làm “tổn thương” tới các tập đoàn thời trang siêu giàu, nhưng không xác định.

Những người bán rong phi pháp các mặt hàng "fake" như vậy theo quy định có thể bị bắt, phạt tiền rồi bỏ tù trong vài ngày, nhưng “họ (Sở cảnh sát New York) không muốn ách tắc phòng xử với những đối tượng này,” Chan nói.

“Chẳng ai còn bận tâm chúng, nhưng mỗi khi có chương trình chống hàng giả khởi xướng thì sẽ có những đợt vây bắt đôi ba nghi phạm nào đó”, Chan nói thêm.

Tuy nhiên, không hẳn là chính quyền hoàn toàn lơ là tội phạm này, cũng có một vụ việc điều tra được chú ý trong việc loại trừ tại nguồn nạn buôn hàng giả gần đây.

Đó là vào tháng 8 năm ngoái, chính phủ Mỹ đã tiến hành tịch thu khối hàng giả siêu khủng trị giá tới 450 triệu USD ở New York sau một cuộc điều tra kéo dài ròng rã sáu năm. 33 nghi phạm đã bị bắt với các tội danh âm mưu, sản xuất hàng giả và buôn bán hàng giả.

Khối hàng khủng này đã cập bến Mỹ thông qua các cảng New York, New Jersey và Los Angeles, trong đó có các mặt hàng ‘fake’ từ các nhãn hiệu được ưa chuộng như Gucci, Tory Burch, Hermes, Coach và Burberry…

Trong cuộc họp báo sau đó, Angel Melendez, đặc vụ phụ trách Điều tra An ninh Nội địa đã gửi đi một thông điệp đầy chua xót về thực trạng này: “giả mạo và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chính là một hành vi tội ác vô nhân đạo, bởi nó gây tổn hại cho các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, tổn hại tới lợi ích của người tiêu dùng và cho các chính phủ”.

Travis Johnson, phó chủ tịch phụ trách Lập pháp của Liên minh chống hàng giả quốc tế, cho biết các thương hiệu xa xỉ từng cố gắng kiềm chế hoạt động kinh doanh hàng giả trong nhiều năm nhưng chỉ đạt được kết quả như muối bỏ biển.

Đại diện của Liên minh này, bao gồm cả các thương hiệu nổi tiếng Calvin Klein, Louis Vuitton và Burberry, nhấn mạnh rằng việc sản xuất hàng giả là đang tâm cướp đi chính doanh thu hợp pháp của các thương hiệu chính thống, có thể giết chết danh tiếng và tên tuổi của họ bằng những sản phẩm rẻ rúng, kém chất lượng.

Luật sư Joel Cohen, đại diện pháp lý cho Lương Kỳ Phương, một trong những tay trùm trong vụ trọng án hàng giả bị khui ra hồi tháng 8 năm ngoái. Cohen từng có kinh nghiệm tham gia các vụ án về hàng giả ở New York trong hơn 20 năm và là số ít những người “may mắn” khi tiếp cận được với các khách hàng trong cộng đồng người Hoa.

Thoải mái mua đồ Gucci, LV trên lề đường ở New York-3

Cảnh sát thu hồi hàng giả, hàng nhái.

Theo kinh nghiệm của mình, Cohen cho hay các bị cáo người Trung Quốc mà ông gặp hầu hết đều không phải là các tội phạm nghiêm trọng, mà thường là những người kinh doanh và không màng tới quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, Cohen hy vọng kết quả của phi vụ hàng giả năm ngoái khi đưa ra xét xử sẽ có kết cục tương tự các vụ khác.

"Các bị cáo bị tịch thu tài sản, phạt tiền, đối mặt với vài tháng tù, và hết. Tuy nhiên, các vụ án có th kéo dài vài năm do công tố viên nỗ lực cân nhắc về thời gian phạt", Cohen nói.

Lỗ hổng pháp lý

Liên quan đến vụ việc này, cả phòng luật sư Bộ Tư pháp đại diện chính phủ Liên bang và Phòng luật sư của khu vực Đông New York đều không trả lời các cuộc điện thoại hoặc email yêu cầu bình luận vụ việc.

Ngoài ra, Travis Johnson tiết lộ chính các Công ty chuyển phát đang hỗ trợ với các nhà chức trách để góp phần ngăn chặn dòng hàng hóa bất hợp pháp.

Thoải mái mua đồ Gucci, LV trên lề đường ở New York-4

Đồng hồ giả, nhái bày bán như mớ rau, bó hàng.

“Kể từ sự kiện 9/11, nhiều công ty đã tự động cung cấp dữ liệu về các chuyến hàng đến Hoa Kỳ cho Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ,” ông nói.

Thông tin về xuất xứ những cá nhân hoặc công ty có liên quan đến các lô hàng chuyển đến đều được cung cấp cho nhà chức trách nếu có vấn đề đáng ngờ. Sau đó, chúng sẽ được đánh dấu, và “vào thời điểm chúng được chuyển đến trung tâm vận chuyển - nơi chuyển hàng quốc tế đến – thì hải quan đã thu thập được dữ liệu phù hợp và có thể tiến hành sàng lọc chúng”.

Theo lời ông Jack Chang, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ các thương hiệu chất lượng, đại diện cho 200 công ty nước ngoài đặt tại Trung Quốc cho hay, chính quyền Trung Quốc cũng có các biện pháp để trấn áp các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp hàng giả.

“Tôi chưa từng có lời phàn nàn về việc cảnh sát Trung Quốc không can thiệp vấn nạn này. Bởi họ có nguồn lực còn hạn chế, trong khi mô hình hoạt động và tổ chức của hàng giả thì thay đổi chóng mặt”, Jack Chang phân tích.

Còn theo lời Amber Li, một cựu chuyên gia về quyền sở hữu trí tuệ tại văn phòng luật sư Hogan Lovells tại Bắc Kinh thì cần có thêm sự hợp tác liên kết giữa chính quyền Trung Quốc và phương Tây để ngăn chặn thị trường hàng giả.

Cả hai bên cần hợp tác lẫn nhau, đưa thêm các điều luật cứng rắn trong việc bảo vệ thương hiệu và bản quyền, đồng thời thực thi nghiêm khắc cả hình phạt tài chính và hình sự.

Tuy nhiên, khó đạt được chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý vì những khác biệt lớn trong hành lang pháp chế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ khiến cho các thương hiệu xa xỉ không tìm được sự ủng hộ xuyên biên giới.

Thoải mái mua đồ Gucci, LV trên lề đường ở New York-5

Lựa hàng, chọn đồ "hiệu" giữa đường.

Và đó đang là những điểm chết trong hoạt động kinh doanh của các tập đoàn thời trang đa quốc gia tại Trung Quốc. Theo Báo cáo khảo sát về Dự báo thay đổi hoạt động kinh doanh tại Bắc Kinh cung cấp bởi Phòng Thương mại Mỹ, mối quan tâm hàng đầu trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc vẫn là vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ.

Còn theo Giáo sư Tao Xinliang, một chuyên gia sở hữu trí tuệ có trụ sở tại Thượng Hải, vẫn còn rất nhiều cơ hội để cải thiện luật thương hiệu của Trung Quốc. Nhưng cần nhìn nhận, với Trung Quốc thì đây không phải là “vấn đề”, mà đây là thực trạng của kinh tế và tiêu dùng thế giới, và cần có sự nhìn nhận và bắt tay của tất cả các bên có liên quan.

Theo Zing.vn


sở hữu trí tuệ

thương hiệu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.