Năm 1959, Hoàng Thái tử Akihito gây xôn xao toàn đất nước Nhật Bản khi tuyên bố sẽ kết hôn với tiểu thư Michiko - một cô gái tài sắc có xuất thân từ gia đình thường dân giàu có.
Quyết định của Hoàng Thái tử đã bị những người theo tư tưởng phong kiến trong Hoàng gia Nhật phản đối gay gắt. Họ cho rằng việc Hoàng Thái tử tùy tiện lựa chọn một cô gái gặp ở sân tennis làm Thái tử phi là điều quá sức hoang đường, chưa từng xảy ra trong Hoàng cung. Nhưng sau cùng, Nhật Hoàng Showa chính là người tác thành cho hai người.
Ngày 7/1/1989, Hoàng thái tử Akihito thừa kế ngôi Vua và bà Michiko trở thành nữ dân thường đầu tiên lên ngôi Hoàng hậu Nhật Bản. Đến nay, gần 60 năm sau đám cưới, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko có với nhau ba người con là Thái tử Naruhito, Hoàng tử Fumihito và Công chúa Sayako.
Không chỉ được biết đến là cô dâu có xuất thân thường dân đầu tiên trong lịch sử đất nước Nhật Bản, bà Michiko còn đem đến một làn gió mới vào đời sống Hoàng gia, đặc biệt về cách nuôi dạy con. Đó chính là lí do vì sao cả ba người con của Nhà vua và Hoàng hậu đều trưởng thành trong sự tán dương, ngưỡng mộ của mọi người.
Đến nay, gần 60 năm sau đám cưới, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko vẫn đang có cuộc hôn nhân hạnh phúc
Cãi lời Hoàng gia Nhật để tự tay chăm con
Theo truyền thống hoàng gia Nhật, con cháu trong hoàng tộc sẽ được vú em chăm sóc riêng. Đó chính là lí do vì sao từ nhỏ, Nhà vua Akihito đã sống cách biệt với bố mẹ và được nuôi dưỡng bởi vú nuôi trong nhà trẻ Hoàng gia. Khi ba tuổi, ông sống ở một cung điện riêng biệt với bảo mẫu, bác sĩ và giáo viên riêng.
Tuy nhiên, khi Hoàng hậu Michiko sinh con đầu lòng Naruhito vào năm 1960, bà đã phá vỡ nguyên tắc của Hoàng gia khi muốn tự nuôi dạy các con. Vào thời điểm đó, việc tự nuôi con trong Hoàng gia giống như mở ra một kỷ nguyên mới.
Khi Hoàng hậu Michiko sinh con đầu lòng Naruhito vào năm 1960, bà đã một lần nữa phá vỡ nguyên tắc của Hoàng gia khi muốn tự nuôi dạy các con
Dù rất bận rộn nhưng Hoàng hậu Michiko vẫn cố gắng dành phần lớn thời gian để chăm sóc cho các con. Bà cho các con bú sữa mẹ hoàn toàn. Bà cũng tự tay khâu quần áo và sửa đồ chơi hỏng cho con.
Khi các con đến tuổi đi học, thay vì để các đầu bếp Hoàng gia chuẩn bị bữa cơm, bà đã tự dậy sớm chuẩn bị hộp cơm trưa cho con mang đến trường.
Bà Michiko còn cho xây một nhà bếp đặc biệt trong cung điện để bà có thể tự nấu ăn cho gia đình.
"Tôi xin ý kiến Nhà vua ở mọi vấn đề. Tôi rất biết ơn Nhà vua vì đã cho tôi lời khuyên quý giá rút ra từ chính trải nghiệm của ông. Những lời khuyên này rất hữu ích với tôi", Hoàng hậu Michiko chia sẻ.
Viết hẳn một cuốn sách về các nguyên tắc chăm con để các bảo mẫu tuân theo
Giống như mẹ của mình, Hoàng hậu Michiko cũng có thói quen ghi chép lại việc chăm sóc, nuôi dạy con cái. Những ghi chú nhỏ đó đã được Hoàng hậu tập hợp lại thành cuốn Nhật ký có tên gọi là “Naruchan Kenpou” hay “Hiến Pháp bé Naru” - đặt theo tên con đầu lòng của bà. Cuốn Nhật ký ấy sẽ được đưa lại cho các bảo mẫu mỗi khi bà đi công du nước ngoài.
Trong cuốn “Hiến pháp bé Naru”, Hoàng hậu tự đề ra những nguyên tắc riêng cho việc chăm sóc con cái. Bà hiểu từng thói quen, sở thích của các con để có thể viết ra từng lưu ý một nhắc nhở bảo mẫu.
Nhật hoàng Akihito rất ủng hộ cách thức dạy con theo phương pháp hiện đại của Hoàng hậu Michiko
Vì Hoàng tử Naru không thích uống sữa bột nên Hoàng hậu Michiko đã viết rất rõ ràng trong cuốn Nhật ký rằng:“Hãy rót sữa ra cốc từng chút một rồi bảo bé uống hết. Bé sẽ uống dần dần cho đến khi hết. Khi thấy bé đã uống xong, hãy rót tiếp cho bé một chút nữa. Thỉnh thoảng gõ vào chai để bé thích thú”.
Đặc biệt, khi Hoàng tử còn nhỏ, Hoàng Hậu Michiko đã viết rất cẩn thận trong cuốn Nhật ký để dặn dò người giúp việc rằng: "Hãy ôm Naru thật chặt ít nhất một lần một ngày để thể hiện tình yêu. Hãy yêu cầu Hoàng tử tự nhặt lên bất cứ thứ gì con ném xuống. Hãy để con chơi với một thứ càng nhiều càng tốt".
Khi Naru đã lớn hơn, bà dặn: “Cho phép Hoàng tử được bày đồ chơi khắp phòng, nhưng sau khi chơi xong phải tự cất dọn. Hãy vỗ nhẹ vào lưng bé và bảo bé nhặt lại những gì bé đã bày ra.
Hãy cho Hoàng tử vào phòng sách của ta, cho tha hồ được mở các ngăn rút bàn ra tìm tòi khám phá. Khoảng thời gian được chơi một mình vào buổi sáng ngay sau khi thức giấc rất quan trọng, vì thế đừng quấy rầy Hoàng tử. Mọi người hãy cứ để bé tập trung đừng làm bé sao nhãng bởi một trò chơi khác. Hãy để bé được đắm mình vào thế giới tưởng tượng của riêng mình”.
Tất cả những điều trên đều được Hoàng hậu Michiko viết cẩn thận trong cuốn Nhật ký. Bà muốn đảm bảo rằng khi mình vắng nhà, các con vẫn được giáo dục theo nguyên tắc mà bà đã đề ra trước đó. Những nguyên tắc ấy đều thể hiện tình thương lẫn sự nghiêm khắc của Hoàng hậu khi nuôi dạy các con.
Bà Michiko và con trai cả, hoàng tử Naruhito
Dạy các Hoàng tử, Công chúa thói quen tự lập từ nhỏ
Dù là con cháu Hoàng gia nhưng những người con của Hoàng Hậu Michiko và Nhà vua Akihito vẫn được rèn thói quen tự lập ngay từ khi còn rất nhỏ. Hoàng hậu Michiko đã tập cho các Hoàng tử thói quen ngủ một mình trong phòng riêng từ bé.
Mới đầu, Hoàng tử bé sẽ khóc mãi không chịu ngủ, nhưng không phải vì thế mà Hoàng hậu thay đổi nguyên tắc của mình. Những lúc đó, bà sẽ kiên nhẫn đứng sau cánh cửa nhìn vào phòng con và chờ đến khi con yên giấc rồi mới rời đi.
Khi có thời gian rảnh, bà Michiko sẽ hát, đọc sách và kể truyện cho các con trước giờ đi ngủ. Bà kiên nhẫn đọc hết câu chuyện này đến câu chuyện khác cho đến khi con chìm vào giấc ngủ.
Dạy con gái sống như một "thường dân" để sau này có thể dũng cảm từ bỏ tước vị, đi theo tiếng gọi tình yêu
Theo thông lệ, công chúa Nhật Bản khi lấy thường dân sẽ phải từ bỏ tước vị hoàng tộc. Kể từ khi Luật Hoàng Gia Nhật Bản 1947 ra đời, Nhật Bản đã chứng kiến ba nàng công chúa từ bỏ tước vị của mình để đi theo tiếng gọi con tim, trong đó có công chúa Sayako – con gái út và cũng là con gái duy nhất của Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko.
Dù được sống trong nhung lụa nhưng khi trở thành một người dân bình thường, công chúa Sayako không hề tỏ ra lo sợ. Ngay từ khi còn nhỏ, công chúa đã được Hoàng hậu dạy làm những công việc nhỏ nhất trong gia đình, đó chính là lí do vì sao một người có xuất thân cao quý lại có thể thích nghi rất nhanh với cuộc sống thường dân.
Hoàng hậu Michiko cùng hoàng tử thứ hai Fumihito và công chúa Sayako
Trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí Hello Magazinenăm 2014, Hoàng hậu Michiko từng nói rằng: "Các con mỗi đứa một tính cách khác nhau nhưng chúng đều rất thân thiết với tôi. Dù đã dành cho các con tình yêu, sự chăm sóc và nuôi dạy chu đáo nhưng tôi tin mình vẫn có thể làm nhiều điều hơn thế nữa".
Được biết, từ khi lên 9 tuổi, công chúa nhỏ đã biết giúp đỡ Hoàng hậu chuẩn bị cơm sáng cho cả nhà. Bà Michiko dạy con gái thành thạo mọi công việc cần làm của một người phụ nữ trong gia đình, từ cách vo gạo gọt khoai đến làm bánh.
Sau khi trưởng thành và tốt nghiệp đại học, Sayako cũng tham gia các chuyến công du cùng với Nhật Hoàng. Sau khi kết hôn với một người ngoài hoàng tộc, Sayako từ bỏ công việc là một nhà nghiên cứu chim cảnh để tập trung chăm lo gia đình nhỏ của mình.
Chung quy lại, dù có xuất thân cao quý nhưng những người con của Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đều rất tự lập, tài giỏi, đặc biệt là không bao giờ xem thường người khác. Tất cả các tính cách tốt đẹp đó đều được hình thành nhờ những nguyên tắc giáo dục vô cùng hiện đại của Hoàng hậu Michiko.