Bình tĩnh ‘ủng hộ’ khi con trai lớp 7... yêu

Phong thanh nghe tin cậu con trai 'bé như cái kẹo' của mình thích 1 bạn gái trong lớp, thay vì tức giận, cấm đoán và nạt con, chị Phạm Thị Minh (Q.Đống Đa, Hà Nội) chọn cách bình tĩnh… 'ủng hộ' con.

Phong thanh nghe tin cậu con trai 'bé như cái kẹo' của mình thích 1 bạn gái trong lớp, thay vì tức giận, cấm đoán và nạt con, chị Phạm Thị Minh (Q.Đống Đa, Hà Nội) chọn cách bình tĩnh… 'ủng hộ' con.
yeusom3jpg.jpg
Cấm đoán tình cảm của con sẽ càng khiến tình cảm đó phát triển mạnh hơn. Ảnh minh họa internet.

Những năm còn bé, con trai chị Minh ốm liên tục và uống nhiều thuốc kháng sinh nên giờ dù học lớp 7, hình thể của con không hơn gì trẻ lớp 5. Nhìn con trai bé nhất lớp, thậm chí nhất khối, chị Minh không khỏi xót xa và luôn nghĩ: Con như thế này thì còn lâu mới dậy thì. Chẳng phải lo con yêu sớm!

Vậy mà mới bước vào lớp 7 không lâu, nghe cậu bạn của con “bật mí” con đang thích một bạn gái trong lớp, chị Minh giật mình. Thế nhưng, suốt những ngày sau đó, chị vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra dù thấy con online facebook nhiều hơn, thoát facebook cẩn thận sau mỗi lần đăng nhập, kè kè điện thoại cả ngày và cài mật khẩu điện thoại.

Trong các câu chuyện với con, chị thỉnh thoảng kể ngày trước cũng thích một bạn trai cùng lớp, thích vì bạn ấy học giỏi và thỉnh thoảng còn nhìn trộm bạn ấy. Vừa kể chuyện, chị vừa “dò xét” thái độ của con thì thấy con trai cười tủm tỉm. Vài hôm sau, con trai tự giác chia sẻ với mẹ việc đang thích một bạn gái trong lớp, chia sẻ những cảm xúc nhớ nhung, mong chờ và muốn gặp cô bạn “mũm mĩm, có nụ cười duyên”.

Chị Minh cho biết, ở tuổi dậy thì, nếu chị cấm đoán con yêu, cấm đoán con có cảm xúc với bạn khác giới là không thể bởi đó là cảm xúc không thể tránh được của những đứa trẻ đang lớn. Nếu chọn cách ứng xử là quát mắng và đổ sự tức giận lên đầu con, chị sẽ ngay lập tức bị con gạt ra khỏi cuộc sống của con. Con sẽ ấm ức, khó chịu và có thể sẽ không bao giờ chia sẻ với chị mọi chuyện. Khi bị cấm đoán, chỉ trích, có thể tình yêu càng phát triển mạnh và sẽ trở thành một tình cảm lãnh đạo toàn bộ hoạt động của con. Với sự ủng hộ con, tình yêu sẽ không phát triển mạnh mà chỉ lờ mờ sóng đôi cùng con trong cuộc đời đi học mà thôi.

yeu-som1.jpg
Cha mẹ hãy là người bạn khiến con tin tưởng, tâm sự, sẻ chia. Ảnh minh họa internet.

Lựa chọn cách ủng hộ con là chị đã khiến con tin tưởng, coi mẹ như một người bạn. Khi con hiểu rằng mẹ đang tin tưởng con, con sẽ sợ mất lòng tin mà phải giữ mình hơn, cẩn thận hơn. Đây cũng là lúc để chị định hướng tình cảm cho con chứ không để con một mình “mò mẫm” rồi bước đi sai lầm.

Trước đó không lâu, chị đã cho con tham gia một lớp giáo dục giới tính của một chuyên gia tâm lý. Kiến thức chỉ gói gọn trong một buổi đó không khiến chị yên tâm hoàn toàn. Thế nên, thỉnh thoảng, chị lại lồng các câu chuyện giới tính trong các câu chuyện với con. Đôi khi, chị cho con đọc những bài báo về học sinh nữ mang thai sớm, phải nghỉ học giữa chừng, phải gác ước mơ, hoài bão lại hay những cặp đôi tuổi teen sa đà vào chuyện tình dục mà bỏ bê, chểnh mảng học hành, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý… Bên cạnh đó, chị cũng kể cho con nghe các mối tình hồi trẻ của bố mẹ, người thân để từ đó con biết cách ứng xử cho phù hợp với người mình yêu và biết cách giải quyết các vấn đề liên quan.

Chị Minh cũng trao đổi với mẹ của cô bé mà con trai chị đang thích để các mẹ cùng thống nhất trong việc “hướng các con đến thứ tình cảm trong sáng, biến tình cảm ấy thành kỷ niệm đẹp trong cuộc đời đi học của con”.

Theo Phụ nữ Việt Nam



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.