Cách giữ và tiêu tiền của Đỗ Nhật Nam qua lời kể của bố

Gần đây trên trang cá nhân của PGS.TS Đỗ Xuân Thảo (bố Đỗ Nhật Nam) có bài viết có tựa đề “Để con biết nghiêng mình” nhận được nhiều quan tâm từ người đọc.

Gần đây trên trang cá nhân của PGS.TS Đỗ Xuân Thảo (bố Đỗ Nhật Nam) có bài viết có tựa đề “Để con biết nghiêng mình” nhận được nhiều quan tâm từ người đọc.

Bài viết chia sẻ cuộc đối thoại của PGS Đỗ Xuân Thảo với 'Áo vàng' Phan Hồ Điệp về vai trò của người bố trong việc dạy dỗ 'Đầu đinh' Đỗ Nhật Nam. Trong đó, có những câu chuyện rất thú vị về cách giữ và quản lí tiền bạc của cậu bé thần đồng này. Những chia sẻ đầy hài hước và ý nghĩa ấy được các phụ huynh và các bạn trẻ chia sẻ để giáo dục con em. Và một lần nữa, một góc nhìn khác gần gũi về con người cậu bé này lại được biết tới.

Dưới đây là nguyên văn bài viết của PGS Đỗ Xuân Thảo:

Cach giu va tieu tien cua Do Nhat Nam qua loi ke cua bo
Nguồn: Facebook

"Từ lúc Đầu đinh còn nhỏ xíu, Áo vàng đã 'huấn thị' mình: 'Các khoản dạy con thế nào cho ra dáng đàn ông, dạy quản lý tiền nong, dạy bản lĩnh và lòng dũng cảm... là thuộc về anh đấy nhé'. Sau khi ngâm cứu, nghiền ngẫm các thể loại sách nuôi dạy con, mình thấy hầu hết các sách đều cùng khuyên những kỹ năng đại loại là:

- Thứ nhất: Không đáp ứng ngay những nhu cầu về vật chất của con.

- Thứ hai: Cha mẹ cần cho con lao động để con hiểu giá trị của lao động.

- Thứ ba: Cần dạy cho con biết cách chi tiêu cho hợp lý.

- Và cuối cùng, hãy dạy cho con biết quý trọng đồng tiền.

Lý thuyết thì nắm vững rồi. Dễ ợt. Mình rắp tâm sẽ uốn nắn Đầu đinh. Ơ! Nhưng mà đến khi áp dụng vào thực tế thì lại có vẻ rất khác.

Ví dụ nhé, có đận Đầu đinh rất thích đồ chơi ô tô. Nó có thể say mê nhìn ngắm rồi chơi với một cái ô tô đồ chơi cả ngày không chán. Nó mê đến nỗi đi ngủ tay cũng cầm ô tô. Mỗi lần đi qua hàng bán ô tô đồ chơi, mắt nó lấp la lấp lánh. Và trong tình huống này, 'lý thuyết' sẽ là con đòi và bố sẽ tạo 'khoảng trống' bằng cách lạnh lùng nói: 'Không, từ từ đã, bố chưa thể mua cho con được'.

Nhưng khổ nỗi, Đầu đinh lại không đòi. Nó len lén đi qua hàng bán ô tô đồ chơi, len lén nhìn vào bên trong với ánh mắt thèm thuồng, tội nghiệp không thể tả. Mình thấy thế, tim cứ mềm oặt ra. Quên cả 'lý thuyết', mình bấm bấm vào tay Đầu đinh, bảo: 'Bố mua cho con một cái nhé'. Nó ra sức lắc đầu: 'Không, không, con có đủ bộ rồi bố à'.

Rồi nó kéo tay mình, như để thoát khỏi sức cám dỗ khủng khiếp của mấy cái ô tô đồ chơi xanh đỏ tím vàng... Mình cố gắng đi chậm lại, nài nỉ: 'Mua một cái nhỏ thôi con, không tốn tiền lắm đâu'. Nó ngần ngừ: 'Thôi, mình vào xem thôi bố nhé'. 'Ừ, xem thôi'. Mình hớn hở.

Thế là hai bố con tạt vào quầy bán đồ chơi. Đầu đinh đi chầm chậm, mắt nhìn chăm chú từng cái, từng cái. Rồi nó đọc vanh vách các nhãn hiệu, các kiểu dáng, các thế hệ ô tô mới ra lò, rồi năm sản xuất, nước sản xuất... Nó cứ như một chuyên gia nghiên cứu xe hơi thứ thiệt.

Mình lại năn nỉ: 'Bố mua cho con cái đó nhé'. Nó cương quyết lắc đầu: 'Không nên lãng phí bố à. Con có đủ các loại rồi'. 'Nhưng con sưu tập mà, càng nhiều càng tốt chứ'. 'Không, sưu tập cũng phải chọn lọc, không thể bạ đâu mua đấy bố à'.

Ối giời, thế là cái 'lý thuyết' mình mò mẫn học được chẳng có tính khả thi. Chả có cơ hội để 'giáo dục' con về sự tiết kiệm, về cách tạo 'khoảng trống' trong nuôi dạy con. Còn chuyện dạy con về việc quản lý chi tiêu nữa. Mình nhớ lý thuyết lắm, phải tập cho con chi tiêu trong hạn mức quy định. Ấy thế nhưng Đầu đinh cũng cứ làm cho mình chẳng có cơ hội áp dụng.

Từ năm lên 6 tuổi, Đầu đinh đã tham gia đóng phim, làm MC một số chương trình truyền hình. Thi thoảng cũng nhận được thù lao. Rồi nó còn thi thố được giải và được thưởng tiền. Thế là Đầu đinh gom góp lại, để riêng một chỗ.

Cái cách cất tiền của nó thì buồn cười lắm. Nó xin mình một cái vali có khóa số rồi xếp vào đó từng đồng tiền ngay ngắn, thẳng tăm tắp. Nó phân loại mệnh giá 10 nghìn, 50 nghìn, 100 nghìn... Bên ngoài mỗi loại kẹp một tờ giấy ghi số tiền. Chữ nghĩa như phượng múa rồng bay...

Nó cập nhật từng ngày theo số tiền có được. Thi thoảng, nó lấy cái vali ra, ra chiều suy nghĩ mông lung. Mình hỏi: 'Con nghĩ gì thế?'. Nó thủng thẳng trả lời: 'Con đang nghĩ cách đổi mã số, cho... an toàn bố ạ'.

Ối giời! Giữ kĩ thế nhưng nếu mình hỏi vay, nó lập tức lón xón chạy vào lấy tiền hào phóng đưa cho mình. Nó bảo: 'Bố cứ tiêu đi, đừng ngại, của con cũng là của bố'. Cái thằng thế đó, chỉ giỏi làm cho bố ứa nước mắt ...

Có cái đồng hồ đeo tay hỏng, mình giục mua. Nó lên mạng canh sale các thể loại, cuối cùng mua một cái giá... 15 đô. Mình trách, sao con không mua cái tôn tốt mà dùng. Nó bảo, xem giờ là được bố ơi. Quan trọng là mình làm gì với thời gian chứ không phải cứ ngồi canh cho thời gian trôi đi bố à...

Mấy hôm trước, trên đường về nước nghỉ hè, nó kẽo kẹt kéo cái va li hỏng khoá về nhà bác Chung ở New York. Bác Chung kể chuyện cái va li hỏng với Áo vàng. Áo vàng nhờ bác mua cho nó cái vali mới. Nó thẽ thọt với Áo vàng: 'Con biết ở nhà mình còn ối va li nên mẹ bảo bác đừng mua tốn tiền mẹ nhé! Con sẽ mượn bác một cái để thay va li hỏng, rồi về nhà lấy cái cũ mang sang dùng mẹ à...'.

Ôi, Đầu đinh ơi, 'ông' cứ làm cho cái mớ lý thuyết mà tôi học được chả có cơ áp dụng".

Theo PNO

Đỗ Nhật Nam

cách tiêu tiền

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.