Cách xử lý khủng hoảng tuổi lên 3 của bà xã Đăng Khôi

Thủy Anh chia sẻ, cô dùng phương pháp "mền nắn, rắn buông", trò chuyện, trấn tĩnh rồi ôm con vào lòng, nói cho con điều mình muốn thay vì cáu gắt, quát mắng khiến con khủng hoảng.

Thủy Anh chia sẻ, cô dùng phương pháp "mền nắn, rắn buông", trò chuyện, trấn tĩnh rồi ôm con vào lòng, nói cho con điều mình muốn thay vì cáu gắt, quát mắng khiến con khủng hoảng.

Trên trang cá nhân, Thủy Anh - bà xã giọng ca "Thiên đường vắng em" rất được các chị em hâm mộ khi thường xuyên chia sẻ về bí quyết chăm con. Gia đình có điều kiện song vợ chồng Đăng Khôi không có khái niệm chiều chuộng, con muốn gì được nấy. Thủy Anh luôn muốn con tự lập, ngã tự đứng lên, tự dọn dẹp đồ chơi,....

Dưới đây tiếp tục là bài chia của Thủy Anh về cách giúp con vượt qua những thay đổi trong tâm lý khi lên ba:

Khóc lóc, ăn vạ và la hét

Khi không đạt được điều mong muốn, bé phản kháng bằng cách ném đồ đạc, gào khóc, mè nheo, lăn ra ăn vạ, đập đầu,... Tôi thấy rằng, nếu dỗ dành thì bé càng ăn vạ. Ra chỗ đông người hành động này của bé thường khiến bố mẹ xấu hổ với mọi người xung quanh.

Với một em bé nói còn chưa sõi thì việc gào khóc là cách hay nhất để thể hiện thái độ và mong muốn của mình. Bé rất nhạy cảm và để ý thái độ của bố mẹ. Nếu chiều chuộng theo yêu sách chỉ khiến cho bé càng thêm lấn tới. Còn mắng mỏ, đánh đập là cách giáo dục phản khoa học bởi có thể khiến bé khủng hoảng hơn.

Cach xu ly khung hoang tuoi len 3 cua ba xa Dang Khoi hinh anh 1
Gia đình ca sĩ Đăng Khôi.

Khi con khóc, tôi ôm con vào lòng và trấn tĩnh bằng cách nói lặp đi lặp lại cụm từ “bình tĩnh, bình tĩnh nào Ken”. Sau đó, tôi sẽ dò hỏi để bé nói ra đang cần gì. Cuối cùng, tôi thường đánh lạc hướng Ken bằng cách thu hút bé tham gia các trò chơi mà con thích.

Nếu bé vẫn gào khóc, tôi phớt lờ bằng cách không quan tâm, không nhìn nữa mà chăm chú vào công việc khác. Dần dần con đã nhận thức được rằng việc "ăn vạ" với mẹ không có tác dụng và dừng lại. Tôi quyết tâm rèn từ lúc ở nhà để bé quen việc gào khóc sẽ không đem lại kết quả tốt, do đó khi ra ngoài chỗ đông người bé sẽ hạn chế được nhiều thói hư này.

Vòi vĩnh khi đi chơi

Thói quen này tôi phải mất thời gian khá dài để giúp Ken chỉnh đốn và vượt qua. Đi chơi cùng người lớn, Ken luôn kéo vào gian hàng đồ chơi và đòi hỏi. Ban đầu mọi người thương nên chiều. Sau thành thói quen, không được mua con khóc lóc, nằm vật ra sàn.

Hàng ngày khi đi học hay tiếp xúc với sự vật hiện tượng xung quanh, thông qua tivi và internet, bé được nhìn thấy, được xem rất nhiều hoạt hình dễ thương, đồ chơi đẹp nên nảy sinh nhu cầu muốn sở hữu.

"Vụ" này tôi đã rất thành công khi rèn Ken. Tôi tuyệt đối không mua đồ chơi khi con đòi hỏi. Những lúc bé đòi, tôi dỗ dành nói rằng con sẽ có đồ chơi nếu con ngoan, ông già Noel sẽ tặng cho con. Trong một hoảng thời gian tôi không mua đồ chơi cho bé, chỉ mua những đồ thực sự cần thiết và mua khi không có Ken đi cùng. Ngày Noel, tôi mời ông già Noel tới và tặng quà to, đàng hoàng rồi quay clip lại để Ken thấy, khi là một em bé ngoan sẽ được phần thưởng to lớn, ý nghĩa. Thỉnh thoảng mang clip đó ra mẹ con xem lại.

Trước khi đi chơi, nhất là trung tâm thương mại, tôi dặn Ken thật kỹ rằng con sẽ không đòi mua đồ chơi. Nếu có đồ chơi con chỉ được xem, không mua. Nói đi nói lại và không bao giờ quên dặn bé trước mỗi buổi đi chơi. Dần dần Ken ý thức được và khi qua quầy đồ chơi "bạn ý" chỉ dám nhìn và tự nói: “Ken không mua đâu, Ken chỉ nhìn thôi”.

Hay đánh bạn

Trẻ con ở độ tuổi này không tránh khỏi việc đánh nhau khi bé đi học, hay giành đồ chơi với nhau. Mỗi lần bị phản ánh con đánh bạn, tôi rất xấu hổ. Không phải phụ huynh bé nào cũng hiểu và thông cảm cho tính cách của trẻ.

Cach xu ly khung hoang tuoi len 3 cua ba xa Dang Khoi hinh anh 2
Thủy Anh hạnh phúc bên hai con trai Đăng Khang, Đăng Anh.

Trẻ lên ba thường muốn mọi thứ xung quanh thuộc về mình, cái gì cũng cho là "của con", không cho ai đụng vào.

Tôi thường nhẹ nhàng giải thích cho bé hiểu đánh bạn là không tốt. Đặt câu hỏi mở để bé trả lời và hiểu rằng đánh bạn là xấu. Tôi thỉnh thoảng kể các câu chuyện về hành vi đánh nhau rồi hỏi con việc nào đúng, việc nào sai.

Hàng ngày trước khi đi học, bố mẹ luôn dặn Ken đi học phải ngoan và không đánh bạn. Khi Ken đi học về, tôi thường hay hỏi han tình hình ở lớp, con học được gì và có đánh nhau với bạn nào không. Rồi lại kết luận cho con hiểu việc đó đúng hay sai, cách giải quyết như thế nào. Ở nhà, tôi thường xuyên giải thích cho bé hiểu cái nào là của bé, cái nào là của bạn, cái nào là của em bé Đăng Anh, cái nào là của chung để bé có khái niệm và hạn chế tranh giành.

Ngưỡng thời gian 5 phút cho mọi yêu sách của bé

Ken thích xem máy tính bảng, ham chơi, quên hết mọi việc xung quanh, mê mẩn, mẹ gọi không nghe. Để kiềm chế tính ham chơi của bé và hạn chế những đòi hỏi không chính đáng, tôi đã áp dụng “mềm nắn, rắn buông”. Tôi thường không dập tắt ngay sở thích của con, sự quyết liệt như vậy của bố mẹ sẽ khiến con bức xúc, phản kháng lại.

Thường tôi sẽ giao hẹn với con, 5 phút thôi rồi con đưa lại cho mẹ, hoặc 5 phút rồi mình không chơi trò này nữa. Và tôi ngồi chờ con, đếm đủ 5 phút và nhẹ nhàng thúc giục bạn ấy đưa lại máy tính bảng hoặc đồ vật bạn ấy đang chơi. Kể từ lần sau, mỗi lần đòi chơi, tôi sẽ giao hẹn 5 phút để con hình thành thói quen không đòi hỏi, ỷ ôi nhiều. Và bé hiểu những việc đó cần phải được phép của bố mẹ thì bé mới làm.

Theo Zing

kỹ năng làm cha mẹ

Thủy Anh

Đăng Khôi

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.