- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Cho học trò vay nửa điểm, cô giáo không ngờ hành động này đã thay đổi cuộc đời cậu bé
"Trong cuộc đời dạy học của mình, đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất có một học trò vay tôi nửa điểm với một lý do rất chính đáng."
"Trong cuộc đời dạy học của mình, đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất có một học trò vay tôi nửa điểm với một lý do rất chính đáng."
Cậu học trò bé nhỏ gặp riêng cô giáo để vay nửa điểm
Câu chuyện này là chia sẻ của một giáo viên dạy mỹ thuật người Trung Quốc. Nội dung câu chuyện như sau:
Hết tiết học, khi tôi đang về văn phòng thì một cậu học trò khẽ nói: "Thưa cô, lần này cô làm ơn cho em thêm nửa điểm, lần sau em trả cô, được không ạ?"
Một cậu học trò đuổi theo gọi, tôi bình tĩnh hỏi: "Có chuyện gì thế em?" Cậu học trò ấp úng nói: "Em… em có thể đến văn phòng nói chuyện không ạ?" Tôi gật đầu.
Bước vào phòng, cậu học trò cẩn thận khép cửa lại, mở bức tranh cuộn trong tay bày ra trước mặt tôi nói:
"Thưa cô, cô xem, em thấy bức tranh mình vẽ rất đẹp. Tại sao em chỉ được 6 điểm rưỡi? Em thấy bức tranh này của bạn khác còn không đẹp bằng mà lại được 7 điểm." Cậu cũng mở bức tranh của bạn cùng bàn ra.
Hóa ra là đến thắc mắc điểm. Đây là bài tập mỹ thuật vẽ bức tranh chim sẻ bên hoa mận. Đó cũng là bài kiểm tra giữa kỳ.
Hai bức tranh được bày trên bàn, tôi phân tích cho cậu học trò nghe: "Bức tranh này của em, hoa mận vẽ rất giống, tư thế của chú chim sẻ cũng rất đẹp nhưng nét chấm mắt không chuẩn nên mắt bị lệch. Đây chẳng phải là lỗi sơ đẳng sao?
Bức tranh của bạn ấy cũng có khuyết điểm, hoa mận đậm nhạt thiếu biến hóa nhưng chú chim sẻ chủ thể của bức tranh thì tạm được…"
Cậu học trò nghe xong, có vẻ cũng phục nhưng vẫn chưa chịu đi, chần chừ vò đầu mãi mới nói: "Thưa cô, lần này cô cho em vay nửa điểm, lần sau em trả cô được không ạ?"
Tôi phì cười, dạy học bao nhiêu năm mà tôi chưa từng gặp học trò nào thế này.
"Tại sao cô phải cho em vay nửa điểm?"
"Cô đã khen em vẽ rất đẹp."
"À, cô đã khen em sao?
"Vâng, cô khen em 2 lần, một lần vẽ phác thảo chân dung, cô nói mảng tối em vẽ rất thoáng, không buồn tẻ. Còn một lần vẽ màu nước, cô nói em vẽ bầu trời rất sáng, không bị lem."
"Nhưng lần này em chỉ được 6 điểm rưỡi. Hơn nữa đây là bài kiểm tra, cô phải công bằng đúng không?"
"Nhưng lần này em đã nói với bố, em đã làm bài kiểm tra mỹ thuật rất tốt. Nếu không, bố sẽ bảo là em nói khoác, lại đánh em mất."
"6 điểm rưỡi là điểm trung bình khá rồi. Lần sau em cố gắng chút nữa là được."
"Không được ạ. Thưa cô, em đành phải nói thật với cô. Kỳ thi giữa kỳ lần này, có mấy môn em làm bài không tốt: Ngữ văn 6 điểm rưỡi, tiếng Anh 5 điểm, toán 5 điểm rưỡi.
Bố em rất giận đã đá em rồi rút dây lưng đánh em, mắng em chẳng thi được môn nào tốt cả. Em nói, bài kiểm tra mỹ thuật của em ít nhất cũng phải được 7 điểm. Thưa cô, cô xem…"
Cậu học trò vén gấu quần lên hở ra mấy vết tím bầm.
Tôi không nói thêm, cầm một tờ giấy ra cho cậu học trò vẽ lại.
Nửa tiếng sau, tôi cầm bút đỏ chấm điểm 7 lên bức tranh đó.
Khi ra khỏi cửa, cậu học trò cúi gập người chào tôi, rồi khẽ hỏi: "Cô sẽ không nói cho các bạn khác biết chứ ạ?"
Tôi mỉm cười.
Nhiều năm sau…
Một hôm, khi tôi đang ngồi đợi tàu điện ngầm, một cậu thanh niên ngồi bên cạnh mỉm cười cúi đầu chào tôi, sau đó cậu đứng lên nói: "Cô là cô giáo dạy môn mỹ thuật ạ?"
"Em là…?" Tôi không nhớ nổi cậu ấy là ai.
Cậu thanh niên nói: "Em chính là cậu học trò đòi vay điểm cô đây ạ." Vậy là tôi nhớ lại cảnh tượng hơn 20 năm trước. Trên ghế chờ tàu, cô trò chúng tôi cùng ôn lại câu chuyện ngày xưa.
Tôi hỏi cậu học trò làm việc ở đâu, cậu nói tên một công ty.
"Vậy giờ em có thường xuyên đòi sếp tăng lương không?" - Tôi hỏi đùa.
Cậu học trò cười, rụt rè nói: "Công ty chúng em không nhiều nhân viên. Em là quản lý ạ."
"Chà, vậy em là sếp rồi. Em đã học chuyên ngành gì?"
"Tin học ạ. Sau khi tốt nghiệp em làm thiết kế phần mềm."
"Hình như trước đây em học toán không giỏi lắm. Sao em lại chọn ngành này?"
"Thưa cô, cô còn nhớ không? Lần đó trong văn phòng cô hỏi rằng, sao người thông minh biết cách vay điểm như em có thể học dốt toán được?"
Tôi từng nói vậy sao? Tôi không nhớ nữa. Nhưng cậu học trò luôn ghi nhớ và nhờ vậy mà thay đổi bản thân.
Theo Trí Thức Trẻ