Choáng với "độc chiêu" dạy cháu của các ông bà

Là ông bà, ai cũng muốn nuôi dạy, yêu thương và chăm sóc chu đáo các cháu của mình. Tuy nhiên, không phải ông bà nào cũng có cách nuôi dạy trẻ phù hợp.

Là ông bà, ai cũng muốn nuôi dạy, yêu thương và chăm sóc chu đáo các cháu của mình. Tuy nhiên, không phải ông bà nào cũng có cách nuôi dạy trẻ phù hợp. Nhiều người vì dành quá nhiều tình yêu cho con trẻ mà khiến chúng trở nên nhõng nhẽo, đòi hỏi và thậm chí làm nảy sinh tính xấu ích kỷ.

Bạn tôi có con nhỏ, sống chung với mẹ chồng. Có lần, cô ấy nói với tôi rằng muốn dạy con nhưng do sống chung nên dù cô muốn nghiêm khắc, mẹ chồng lại hết lòng chiều cháu khiến nhiều phen rất khó xử. Cô kể, sáng ngủ dậy, đứa con 4 tuổi của cô không chịu đi đánh răng rửa mặt mà cứ nằm ì ra giường. Trong khi cô đã để sẵn bàn chải, khăn mặt và đang nhẹ nhàng thuyết phục đứa trẻ, thì mẹ chồng cô chẳng nói chẳng rằng, mang luôn cốc nước và bàn chải đánh răng, kèm theo cái chậu vào tận giường để cho đứa bé vệ sinh cá nhân tại chỗ.

Có lần, khi con cô muốn đi đại tiện và kêu nóng, bà nội lập tức chạy đi lấy quạt và dây cắm để mang vào tận phòng toilet cho cháu. Khi bạn tôi nói rằng có thể bật thông gió vì bé chỉ ngồi đó vài phút thì lập tức bị bà đáp trả: “Có mát thì nó mới đi được.”

ông bà nuông chiều cháu

Dành quá nhiều tình yêu cho con trẻ khiến chung trở nên nhõng nhẽo, đòi hỏi và thậm chí làm nảy sinh tính xấu ích kỷ. Ảnh minh họa.

Một lần khác, tôi đến một chung cư thăm người quen. Trong thang máy, tôi tình cờ gặp hai bà cháu, người bà đang cho cháu ăn. Thấy lạ, tôi có hỏi sao bà lại cho cháu ăn ở thang máy mà không ăn ở nhà. Người bà trả lời: “Cháu nó thích đi thang máy nên bắt tôi ra đây. Tôi cho cháu nó bấm nút thang máy, chạy lên chạy xuống thì nó mới ăn nhanh, khi nào cháu ăn hết thì về.”

Ngay trong khu nhà tôi, có cậu bé thích đi ăn rong. Vì thế, ngày nào người bà cũng tay cầm bát cháo đưa cháu đi ăn rong. Hôm trời nắng thì hai bà cháu đội nón. Những tưởng như vậy là quá, nhưng có hôm trời mưa tôi cũng thấy hai người họ đội ô đi ăn rong.

Có không biết bao nhiêu chuyện về các “độc chiêu” chiều cháu của ông bà cùng hàng trăm cách vòi vĩnh của trẻ. Chính gia đình tôi cũng xảy ra việc tương tự khiến tôi không khỏi “nóng mặt”.

Lần ấy, tôi đưa con trai về quê nội. Cũng lâu lâu con mới được về quê nên ông nội vui lắm. Do không gặp cháu trong thời gian dài, nên thằng bé đòi gì, ông cũng đều chiều theo ý nó. Con tôi thích nghịch nước, ông cho thằng bé ra máy nước chơi ướt hết quần áo. Nó thích đá lạnh, ông cũng lấy đá cho nó chơi. Tôi nhẹ nhàng ý kiến về việc ông không nên cưng nựng cháu quá thì ông bảo: “Nó là cháu đích tôn của ông. Vả lại, lâu lâu cháu mới về chơi nhà với ông, không chiều nó thì còn chiều ai”.

Đỉnh điểm chiều chuộng của ông là vào buổi sáng hôm sau, ông cho thằng bé chơi cả bộ ấm chén uống nước của ông. Tôi ở nhà trên, nghe thấy tiếng rơi vỡ choang choang ở nhà dưới. Chạy xuống tới nơi thì mới tá hỏa cảnh trước mắt mình. Thì ra thằng bé thích nghe âm thanh của cốc chén rơi và ông nội đã để nó đập tan tành bộ ấm chén chỉ vì muốn “vui tai”.


Trẻ đòi gì được nấy sẽ không biết thỏa mãn. Ảnh minh họa

Dạy trẻ là việc không dễ, nếu không nói là rất khó. Nếu trong gia đình, người lớn không đồng thuận thì việc nuôi dạy thành công một đứa trẻ càng khó khăn hơn gấp bội. Chỉ cha mẹ nghiêm khắc với trẻ, trong khi ông bà lại dùng cách cưng chiều thì công sức dạy dỗ của bố mẹ chẳng khác nào “dã tràng xe cát”.

Nhiều người thường vin vào lý do trẻ con nó bé thì phải yêu thương, chiều chuộng. Hay giờ chỉ sinh có một, hai đứa con chứ có nhiều đâu mà suốt ngày phải lên gân lên cốt? Nhưng ai cũng biết, rèn thói quen tốt cho trẻ thì lâu, nhưng nếu để nhiễm thói quen xấu thì vô cùng dễ.

Những đứa trẻ được chiều chuộng, quen đòi gì được nấy sẽ có thói quen nhõng nhẽo, đòi hỏi, mà phần lớn là những đòi hỏi vô lý. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra, những đứa trẻ được chăm sóc đến tận "chân răng", sẽ khó lòng mà thích nghi được với cuộc sống bên ngoài, vì trẻ sẽ khó có thể có được cách cư xử đúng đắn trong các tình huống cuộc sống.


Những đứa trẻ được chăm sóc đến tận chân răng, sẽ khó lòng mà thích nghi được với cuộc sống bên ngoài.

Đứa trẻ đi toilet cũng phải có quạt, liệu có thể nào đi vệ sinh một cách thoải mái ở nhà vệ sinh công cộng? Đứa trẻ vừa ăn vừa đi thang máy có thể ăn bình thường khi không ở những tòa nhà cao tầng và có thang máy? (đó là chưa kể việc liên tục đi lên đi xuống rất ảnh hưởng đến những người xung quanh). Đứa trẻ vì thích vui tai mà phá đồ đạc có thể nghĩ và biết chia sẻ với người khác hay sẽ chỉ ích kỷ với niềm vui của chính mình?...

Yêu chiều không đúng cách không khiến cho trẻ thực sự hạnh phúc, mà chỉ khiến chúng vui nhất thời nhưng lại đánh mất đi cơ hội để trẻ học cảm thông, chia sẻ, tự lập và kỹ năng sống trong cộng đồng,… Vì thế, cần yêu thương trẻ không chỉ bằng trái tim, mà cả bằng cả lý trí.

Thu Trang/ VietNamNet

Bạn đang nuôi dạy con nhỏ? Bạn gặp khó khăn trong việc dạy dỗ con hay bạn có nhiều kinh nghiệm hữu ích muốn chia sẻ? Hãy gửi email cho chúng tôi về địa chỉ tintuconline@gmail.com hoặc để lại bình luận về quan điểm của bạn ở phần comment bên dưới. Xin chân thành cảm ơn!



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.