"Giả bộ mệt" để dụ 2 con làm việc nhà từ bé tí, kết quả hiện tại khiến ai cũng ngưỡng mộ

Hiện tại, hai bé nhà chị Hiền mới 5 và 6 tuổi nhưng đã có thể làm tất cả mọi việc trong nhà với tinh thần trách nhiệm rất cao.

Hiện tại, hai bé nhà chị Hiền mới 5 và 6 tuổi nhưng đã có thể làm tất cả mọi việc trong nhà với tinh thần trách nhiệm rất cao. Tất cả là nhờ chị Hiền đã dạy con làm việc nhà từ rất sớm với bí quyết "biến việc nhà thành cuộc chơi".

Dạy con làm việc nhà, dạy con cách sống tự lập và có trách nhiệm trong gia đình là những điều tưởng chừng như dễ nhưng lại vô cùng khó. Bởi nhiều bố mẹ "xót" con, hoặc không đủ kiên nhẫn để nhìn con hoàn thành công việc một cách chậm chạp, lóng ngóng nên thường làm hộ con cho nhanh. Thế nhưng, trái với số đông bố mẹ đó, chị Trần Thị Minh Hiền (34 tuổi, hiện đang là bác sĩ, sống ở quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) lại chọn cách rèn con làm việc nhà từ khi mới... gần 2 tuổi. Hiện nay, 2 bé nhà chị: bé trai tên Minh (6 tuổi) và bé gái tên Ngọc (5 tuổi) đã có thể phụ giúp bố mẹ mọi việc trong nhà trước sự ngỡ ngàng của không ít người.

Bé Ngọc 5 tuổi giúp mẹ rửa bát.

Anh em trong nhà thường phân công nhau làm việc nhà giúp mẹ.

Chị Minh Hiền quan niệm: "Mình không coi việc con làm việc nhà là bóc lột sức lao động của con. Ngược lại, thói quen làm việc nhà là cơ hội tốt để tập cho con những kỹ năng cần thiết, giúp con phát triển toàn diện. Con sẽ được học về kỹ năng quản lý thời gian, cách tổ chức sắp xếp công việc hợp lý (thông qua thời khóa biểu ba mẹ con cùng lập để hoàn thành công việc trong 1 tuần). Con cũng được học về sự gắn kết, chia sẻ, giúp đỡ các thành viên khác trong gia đình và có trách nhiệm như bất kỳ ai. Ngoài ra, con sẽ học được tính tự lập, có khả năng xử lý mọi việc nếu phải xa ba mẹ hoặc đi du học, hiểu được mọi công việc đều có giá trị nhất định".

Dựa trên quan niệm, suy nghĩ như thế, chị Minh Hiền đã dạy con làm việc nhà từ những việc đơn giản từ khi các con mới gần 2 tuổi: "Tùy độ tuổi, mình giao cho con các công việc phù hợp trong nhà. Ví dụ như khoảng 2 tuổi, con có thể giúp mẹ phụ chăm em như vứt tã dơ giúp mẹ, bỏ rác vào thùng, thu dọn đồ chơi sau khi chơi xong, cất sách lên giá, dọn dẹp sơ sơ khu vực ăn uống của con. Thông qua những việc phụ giúp nho nhỏ thôi nhưng con thấy mình thật quan trọng trong gia đình và luôn háo hức để thực hiện. Khoảng tuổi này là dễ lôi kéo con làm việc nhà một cách "tự nguyện" nhất, mình khuyên các bố mẹ khác đừng nên bỏ qua".

Tùy độ tuổi, các con được giao các công việc phù hợp.

Trong khoảng từ 3-5 tuổi, chị Minh Hiền hướng con đến các việc tự chăm sóc bản thân như: tự thay quần áo, tự tắm, rửa mặt, đánh răng... Mẹ thường sẽ hướng dẫn cụ thể vài lần rồi để bé tự làm và mẹ nghiệm thu, chia sẻ đúng sai với con. Ngoài ra, hai anh em Minh và Ngọc trong độ tuổi này cũng đã có phụ được mẹ nhiều việc nhà hơn như: bỏ đồ dơ vào máy giặt, có thể tự xếp quần áo, vật dụng riêng của mỗi người, lau bàn, dọn bàn ăn, lau chùi nhà cửa sơ sơ...

Và hiện tại, ở độ tuổi 5-6, hai anh em Minh và Ngọc đã có thể tự lập hoàn toàn trong mọi việc: "Mình hầu như không còn phải trợ giúp gì về việc chăm sóc bản thân của hai anh em nữa. Hai bạn tự giác làm và làm rất tốt. Thông qua việc tự làm vệ sinh cá nhân sẽ giúp hai bạn ý thức việc yêu quý và biết cách bảo vệ cơ thể tốt hơn. Thậm chí có lúc mình bận việc, phải nhờ nguời thân trông chừng hai bạn ở nhà, mọi người ai cũng ngạc nhiên vì khả năng tự xử lý của hai anh em".

Nói về cách khuyến khích, tạo động lực giúp con biết cách làm việc nhà, chị Minh Hiền cho biết: "Cách khuyến khích tốt nhất là mình hay giả bộ mệt, muốn nhờ con làm giúp. Con thích giúp mẹ, con thích được mẹ xem là người quan trọng nên sẵn sàng giúp ngay. Và điều đặc biệt là con càng nhỏ thì càng dễ tập và tạo thành thói quen cho con. Vì con ở độ tuổi bắt đầu thích khám phá mọi thứ thì công việc nhà mà con vô tình được dạy, được tập lại trở thành trò chơi của con. Đến khi con đủ nhận thức được thì đã khá thành thạo về những công việc không tên ấy rồi thì khuyến khích con bằng tính trách nhiệm, sự chia sẻ với mọi thành viên trong gia đình. Ba mẹ cũng nên thể hiện sự khen ngợi, đánh giá cao những gì trẻ đã cố gắng làm".

Thời khóa biểu mẹ và con lập ra, dán trước cửa phòng.

Khi hoàn thành công việc, các con sẽ được chơi nhiều hơn.

Chị Minh Hiền cũng chia sẻ thêm rằng, thật tình không có ai thích làm việc nhà hết, cả người lớn và trẻ nhỏ đều vậy. Nhưng nếu biết cách biến những công việc nhàm chán đó thành những cuộc chơi, các con sẽ háo hức và giữ được sở thích khám phá như trước đây: "Mình hay nói Minh và Ngọc thi nhau xem ai làm việc nhanh nhất. Phần thưởng đôi khi chỉ là bánh kẹo hay được quyền chọn trước quyển sách mà con muốn mẹ đọc sau khi con làm việc nhà xong. Và thế là tốc độ làm việc của các con được nhân lên rất nhiều".

Đặc biệt, tránh việc các con bị sa đà vào những thú vui khác dẫn đến việc quên việc giúp mẹ, chị Minh Hiền đã lập ra một thời khóa biểu dán trước cửa phòng của các con. Mỗi sáng thức dậy, bạn lớn sẽ nhìn đồng hồ và đọc cho bạn nhỏ nghe lịch làm việc trong ngày rồi cùng nhau theo giờ giấc để làm. Khi hai bạn hoàn thành tốt, hoàn thành sớm thì thời gian dành cho vui chơi và niềm yêu thích được kéo dài thêm.

Gia đình hạnh phúc của chị Minh Hiền.

Cũng theo chị Minh Hiền, việc lập thời khóa biểu rõ ràng giúp trẻ rèn luyện tính kỷ luật, rằng ai cũng cần phải làm việc dù đôi khi bản thân không thực sự cảm thấy thích chúng. Thời khóa biểu còn tập cho trẻ có trách nhiệm hơn trong công việc, rèn kỹ năng xử lý và tổ chức công việc hợp lý ngay từ khi còn nhỏ.

Với các bố mẹ khác, chị Minh Hiền gửi gắm lời khuyên: "Thực sự, trẻ có khả năng xử lý được hết mọi việc nếu người lớn biết cách hướng dẫn đúng. Vì vậy, bố mẹ đừng "xót" con, đừng bao bọc con quá mà làm thui chột khả năng và giai đoạn vàng để con rèn luyện về kỹ năng vận động khéo léo, khả năng hoàn thành nhiệm vụ, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu thương chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình. Cũng đừng xem thường những công việc nhà, bởi chúng sẽ giúp con bạn trưởng thành hơn rất nhiều".


Theo Helino


làm việc nhà

cách dạy con ngoan

dạy trẻ làm việc nhà


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.