Mẹ Việt chia sẻ 8 việc tuyệt đối không nên làm với con

Những hành động này dù vô tình hay cố ý cũng dễ làm tổn thương tinh thần hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ.

Những hành động này dù vô tình hay cố ý cũng dễ làm tổn thương tinh thần hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ.

Từ kinh nghiệm chăm sóc và nuôi dạy con của bản thân, chị Phan Thị Thùy Linh, mẹ của bé Kem (hơn 2 tuổi, hiện đang sinh sống tại TP. Huế) đã rút ra 8 việc mà người lớn tuyệt đối không nên làm với trẻ nhỏ.

1. Không mớm cơm hay đưa bất cứ đồ ăn thức uống gì từ miệng người lớn sang miệng trẻ

Tôi thật sự thấy rợn người khi chứng kiến rất nhiều phụ huynh vô tư nhai/nhá cơm, thức ăn cho trẻ. Thậm chí, có lần tôi còn chứng kiến cảnh một phụ nữ nhai thìa bánh canh rồi nhả xuống cả tô bột. Cứ lần lượt vậy rồi mới bắt đầu đút cho con. Các bạn có biết là hàng tỉ con vi khuẩn đang tồn tại trong cơ thể, nhất là vùng miệng không? Bằng hành động này, vô hình chung trẻ đã bị lây nhiễm một số bệnh của người nhai cơm qua con đường ăn uống.

2. Không hôn môi trẻ

Tôi biết, các bạn có thương có quý con trẻ thì mới hôn môi trẻ. Nhưng làm ơn tránh giùm cái miệng bọn trẻ. Ngay cả bản thân tôi, tôi cũng không cho phép mình làm điều đó với chính con cái mình. Sức đề kháng của trẻ còn kém nên người lớn không thể tùy tiện hôn trẻ mà bất chấp những tai họa khôn lường.

3. Không chăm chăm vào cân nặng

Nếu gặp một đứa trẻ, tròn trịa mũm mĩm thì không sao, nhưng nếu đứa bé có ốm ốm nhỏ nhỏ thì cũng làm ơn đừng hỏi: “Cháu được mấy cân rồi, mấy tháng mà từng đấy cân…”. Cha mẹ nuôi con cái, mong con luôn ngoan ngoãn, khỏe mạnh, thông minh, chứ đâu nhất thiết cứ phải tăng cân vùn vụt. Cân nặng thực ra không thể đánh giá được sự phát triển của trẻ và hơn nữa cân nặng không phải là thước đo đánh giá cái “tài” nuôi con của mẹ. Ăn uống khoa học, hợp lý, chất lượng để đảm bảo sự phát triển thể chất lẫn trí tuệ chứ không phải nhồi nhét, ép ăn, ngửa đầu đút cháo, bơm xi lanh sữa vào miệng trẻ.

4. Không chạm vào bộ phận sinh dục của trẻ

Tôi không thể hiểu nổi tại sao có những người cứ thích táy máy, vạch quần con ra để xem trai hay gái, to hay nhỏ. Tôi rất bức xúc trong việc này khi chính con tôi là nạn nhân trong 1 lần tới lớp. Giờ tan học, con tôi bước xuống cầu thang. Một phụ nữ đi cùng cậu con trai tầm 4 tuổi, đi xuống trước mẹ con tôi, bỗng quay lại giơ tay đụng vào bộ phận sinh dục con tôi. Theo phản xạ và theo lời mẹ dặn, con tôi thụt người lại. Người phụ nữ ấy cười ha há rồi bảo “Á á, ghê chưa”.

Tôi cũng hay gặp trường hợp, các ông bố và bọn trẻ ngồi với nhau. Ông này với tay qua con ông kia, “Xem nào, xem có to không nào”; “Chà, giống tốt đây”… Tôi thực sự thấy nhức mắt khi người lớn vô tư đem bộ phận sinh dục con ra giữa thiên hạ như một câu chuyện để kể, để bình luận hay thậm chí là trò đùa cho vui. Đây chính là hành vi xâm hại tình dục trẻ! Và nếu ở phương Tây thì có thể bị kết tội. Những hành vi như vậy, người lớn thực hiên dù chỉ là 1 lần cũng vô tình đã hằn trong ký ức trẻ. Trẻ trở nên xấu hổ, tự ti và nguy hiểm hơn là trẻ không tự ý thức được tác hại của vấn đề và hoàn toàn không tốt cho sự phát triển giới tính.

Việc không nên làm với trẻ nhỏ
Kem hạnh phúc trong vòng tay mẹ.

5. Không nói ngọng, nói bậy với trẻ đang tập nói

Tôi chứng kiến nhiều người nói chuyện với trẻ, ngay cả với chính con tôi, theo kiểu nhại giọng. Cậu sinh viên năm cuối cạnh nhà tôi, mỗi lần thấy cháu gái về chơi lại nói “Đi tơi không con”; “Con tó của cậu xương xương quá”… Là người lớn, chúng ta hoàn toàn có thể phát âm đúng chuẩn, chúng ta cũng mong muốn con cái nói tròn vành rõ chứ, vậy mà tại sao vẫn có những người cố tình nói ngọng với trẻ. Trong khi trẻ đang tập nói, mọi âm tiết đều được trẻ bắt chước. Trẻ con được coi là bản sao của người lớn, cho nên làm ơn đừng đầu độc trẻ nhỏ bằng thứ ngôn ngữ thiếu chuẩn đấy!

6. Không trêu dai trẻ

Trẻ con rất dễ thương nhưng ngược lại cũng có những lúc nổi cáu. Ngoài những lần khó ở là do tự bé không điều tiết được cảm xúc thì còn nguyên nhân lớn nữa là do người lớn. Tôi cho rằng không nên đùa dai với trẻ một khi trẻ đã không thích, không muốn. Đừng cố tỏ ra nguy hiểm hay xoáy vào cơn thịnh nộ của trẻ, xong rồi khi trẻ cáu gắt lên thì lại bảo cha mẹ không biết dạy dỗ. Bé con nhà tôi, những ngày được nghỉ là những ngày tôi hết sức trông chừng con bởi tôi sợ những người khách đến nhà hay trêu con: “Đánh bà nội này, lấy tiền bà nội này, đuổi đi này…”. Hành động trêu đùa dai với trẻ chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa.

7. Không đánh con hay la hét giữa chốn đông người

Người lớn chúng ta luôn luôn muốn được giữ thể diện, vậy tại sao bọn trẻ lại không có quyền? Vài lần đưa Kem đi ăn, tôi để ý có những phụ huynh hét toáng trong quán, thậm chí không ngại tét đít con. Đứa bé trông thật đáng thương. Nhưng cha mẹ đứa bé thì lại tỏ ra ta đây đang dạy dỗ con. Mặc cho con khóc lóc van xin, nhưng ông bố thì vẫn không ngừng đánh con, bà mẹ ngồi cạnh thì đang chăm chú vào màn hình facebook. Tôi xót như chính con mình! Đứa bé rồi đây sẽ lớn lên với những nỗi đau thể xác và kinh khủng hơn là những tổn thương tinh thần. Khi lớn lên cùng với những vết bầm tím hay những ánh mắt ái ngại xung quanh, tuổi thơ của trẻ làm sao có được bình yên.

8. Không so sánh con mình với con người ta

Chính cha mẹ là người hiểu con cái mình nhất. Sự phát triển của trẻ trong những giai đoạn đầu của cuộc đời phụ thuộc rất nhiều vào cha mẹ. Cha mẹ là điểm tựa, là đôi cánh nâng đỡ con những bước đi đầu đời. Hơn ai hết, cha mẹ là người luôn luôn kề cạnh con, nuôi dưỡng, dạy bảo con. Trẻ con là tấm gương phản chiếu cha mẹ. Mỗi đứa trẻ được lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau, thể trạng khác nhau, môi trường giáo dục khác nhau. Vì vậy đừng bao giờ đem con mình đặt lên bàn cân so sánh cùng với con nhà hàng xóm.

Khoảng 2 tuổi trở đi, trẻ trong giai đoạn bắt đầu biết nhận thức, khi bị chính người lớn mang ra so sánh hơn thua thì tự trẻ sẽ cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương vô cùng. Đứa trẻ sẽ nghĩ mình thật vô giá trị. Dần dần, những đứa bé được đem ra để so sánh sẽ trở thành kẻ thù, trẻ sẽ mất đi bản tính biết yêu thương mà cha mẹ đang cố gắng dìu dắt.

Hay theo chiều hướng ngược lại, con bạn dù thông minh ngoan ngoãn thế nào cũng đừng đem con ra làm tấm gương cho con nhà hàng xóm. Từ những câu nói hành động này mà trẻ vô tình đã tự tạo tính kiêu ngạo, tự tôn.

Hãy để trẻ nhỏ phát triển theo bản năng, theo đúng hoàn cảnh, mà không cần phải cố để trở thành một người khác. Hãy để trẻ luôn được cảm thấy yêu thương mỗi ngày!

Theo Trí Thức Trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.