- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Phương pháp dạy con thành người tự lập, tự tin và có trách nhiệm
Tôi vẫn luôn nói với con rằng: “Mẹ không quan tâm con vào trường nào, thuộc thứ hạng bao nhiêu trong bảng xếp hạng. Nhưng mẹ quan tâm là con luôn có trách nhiệm với những việc mình làm.
Tôi vẫn luôn nói với con rằng: “Mẹ không quan tâm con vào trường nào, thuộc thứ hạng bao nhiêu trong bảng xếp hạng. Nhưng mẹ quan tâm là con luôn có trách nhiệm với những việc mình làm. Mẹ không cần con có nhiều tiền, mà chỉ mong cho con luôn khỏe mạnh, vui vẻ và hạnh phúc”
6 tuổi, trẻ bước vào lớp 1. Có thể nói, đây là thời điểm quan trọng nhất của con cái: sự bắt đầu của quá trình mười mấy năm đi học. Nếu bố mẹ có sự chuẩn bị tốt cho con thì những giai đoạn sau sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Điều quan trọng với một đứa trẻ là làm sao để chúng ngày càng tự tin trong năm đầu đi học. Bố mẹ không chuẩn bị cho con, chẳng ai có thể thay thế được. Hãy thử nghĩ, chỉ dành 30 phút mỗi ngày đọc và học cùng con, mà không nhiều phụ huynh làm được. Nhưng chúng ta lại có xu hướng khoán trắng cho nhà trường, để một cô giáo với vài chục học sinh một lớp, rồi lên án, chê bai khi con mình mãi không thể đọc thông viết thạo.
Vậy nên, việc chuẩn bị cho con vào lớp 1 phải được bố mẹ thực hiện càng sớm càng tốt, để làm sao khi trẻ bước đến trường, đã có đủ những kỹ năng và một lượng kiến thức cần thiết, giúp chúng tiếp thu bài và giao tiếp với thầy cô giáo, bạn bè một cách tự tin. Chúng cũng phải đủ tự lập để lo cho bản thân trong suốt 8-10 tiếng/ngày ở trường.
Bạn sẽ vẫn phải duy trì nếp sinh hoạt dành 30 – 60 phút mỗi ngày để “cùng học và cùng chơi” với con. Sau mỗi ngày học, bạn cùng con dò lại từng môn học của con ngày hôm đó, ngồi bên giúp con làm bài tập. Bạn phải hiểu: sự có mặt của bạn bên cạnh trẻ để “cùng học” là điều quan trọng nhất giúp trẻ định hình thói quen học tập. Không thể hy vọng là ông bà, bố mẹ thoải mái ngồi xem TV hoặc chat với bạn bè trong khi để trẻ một mình ngồi học. Thay vì nói ra rả: “học đi con, làm bài đi con”…, bạn hãy dẹp tất cả mọi việc khác lại, cùng con ngồi vào bàn. Nếu con tự làm bài được, bạn cũng nên ngồi đó đọc sách. Nhu cầu cao nhất của trẻ thơ là được ở bên bố mẹ, được cảm thấy sự có mặt, sự quan tâm, tình yêu thương không giới hạn của bố mẹ, trong mọi việc.
Hãy nhớ rằng, bạn sẽ không có nhiều thời gian để được “học và chơi” cùng con bởi tối đa là 12 năm đầu của cuộc đời. Giai đoạn sau, khi trẻ đến tuổi teen, bạn có muốn, con cái sẽ tìm cách từ chối, đặc biệt là chúng sẽ từ chối rất “thẳng thừng”, nếu bạn không tạo được nền tảng của việc “cùng chơi và học” khi con còn bé.
Hãy dạy cho trẻ cách lập kế hoạch làm việc ở nhà:
1. Liệt kê thời gian ở nhà hàng ngày của con.
2. Bàn với con về những việc phải làm, cần làm và con thích làm.
3. Giúp con lập thời khóa biểu ở nhà cho mọi hoạt động của từng ngày trong tuần. Bạn cũng nên lập 1 cái tương tự cho mình, trong đó có những hoạt động chung với con (phải trùng lịch của con).
4. Điều khó nhất là kiểm soát việc thực hiện lịch của cả nhà. Nếu bạn lập lịch và “bỏ xó” không thực hiện, thì con cũng sẽ như vậy. Khi con không thực hiện lịch, thay vì nổi nóng mắng con, hãy bình tĩnh cùng con rà soát lại xem lịch đã hợp lý chưa, có gì cần thay đổi cho phù hợp hơn. Hãy dùng các biện pháp nhẹ nhàng nhưng cương quyết để yêu cầu con thực hiện lịch, nếu con đã hợp tác cùng bạn lập lịch đó.
Tôi “học và chơi” cùng con gái từ những ngày đầu tiên sau khi sinh con. Tôi ngồi với con mỗi tối ít nhất 1 tiếng từ khi con được 5 tháng tuổi (bắt đầu ngồi vững), cho đến lúc con sang Anh học nội trú lúc gần 9 tuổi. Mỗi dịp con về nghỉ, tôi thường chỉ làm việc 1 buổi, để cùng con ngồi học trước Chương trình của những năm học sau.
Sau tuổi 12, con nói với tôi: “Thôi, mẹ không cần ngồi với con nữa đâu. Con tự học được”. Và cứ vậy, kiên trì, bền bỉ, con gái tôi giữ nếp cứ lúc rảnh thì đem sách ra học trước, cho đến tận bây giờ. Trong những ngày nghỉ này, nếu không đi chơi hoặc tắm biển, con lại đem sách toán ra làm. Tôi cũng quên bẵng đi là mình đã cùng con làm vậy mười mấy năm trời. Cho đến hôm qua, khi tôi hỏi: “Sao con học gì mà lắm thế”, thì con cười trả lời: “Rảnh thì con làm trước toàn bộ bài tập toán của kỳ tới, để lúc về trường, con có nhiều thời gian tham gia các hoạt động khác”. Hóa ra cả tôi và con cùng quên mất: việc đó đã thành thói quen ăn sâu vào “máu” của con rồi.
Quả thực, cách học đó cực kỳ hiệu quả, giúp con có kiến thức rất vững, chứ không chỉ học để đối phó. Tôi tự hào vì con, và cũng tự hào vì mình đã kiên trì trong mười mấy năm trời, để định hình được cho con những thói quen tốt.
Tôi vẫn luôn nói với con rằng: “Mẹ không quan tâm con vào trường nào, thuộc thứ hạng bao nhiêu trong bảng xếp hạng. Nhưng mẹ quan tâm là con luôn có trách nhiệm với những việc mình làm. Mẹ không cần con có nhiều tiền, mà chỉ mong cho con luôn khỏe mạnh, vui vẻ và hạnh phúc”.
Với điểm GCSE thi tại Anh năm lớp 11 là A toàn bộ 10 môn, SAT 1 là 2320, tổng 3 môn SAT 2 cũng là 2320, weighted GPA quãng 4.5 – kết quả của con thật đáng làm mẹ con tôi tự hào.
Cái tôi mong cho con bây giờ: hãy bớt căng thẳng để sống cuộc sống của mình, chứ đừng bao giờ cố gắng chạy theo “nhịp điệu của đám đông”.
Trần Bích Hà/Theo VietNamNet