Sinh viên sắp ra trường "trêu ngươi" nhà tuyển dụng: Thư xin việc không tiêu đề, không nội dung, còn được forward từ một email khác!

Chúng ta không còn phải cầm túi hồ sơ giấy đi đến từng phòng ban gửi trực tiếp nữa, CV online đang là xu hướng và chứa đầy tiện ích.

Khi mà thời đại 2017 đòi hỏi một đơn xin việc phải vượt qua ngưỡng đúng, tiến lên tiêu chuẩn đẹp - sáng tạo - chất lượng, thậm chí là cá tính thì đâu đó vẫn có những email đã không tiêu đề, không nội dung thì chớ lại còn được forward từ một email khác.

Tốt nghiệp ĐH ra trường, hàng trăm hàng nghìn cử nhân ấp ủ nhiều kế hoạch, dự định "săn lùng" công việc để sớm ổn định cuộc sống. Các bạn chẳng ngại ngần "rải" đều CV, đơn xin việc khắp nơi mọi chốn cứ hễ công ty, doanh nghiệp nào đó đăng tin tuyển dụng.

Chờ đợi trong mòn mỏi đến nỗi "con tim dần héo úa" nhưng nhiều sinh viên vẫn không nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía phòng nhân sự các công ty. Hỏi ra mới biết, đến tận năm 2017 rồi, nhiều email xin việc vẫn nhan nhản lỗi cơ bản khiến nhà tuyển dụng có muốn cũng... không đỡ nỗi.

Ngao ngán trước đơn thư xin việc được forward từ email trước đó

Thời bây giờ, chúng ta không còn phải cầm túi hồ sơ giấy đi đến từng phòng ban gửi trực tiếp nữa, CV online đang là xu hướng và chứa đầy tiện ích. Đơn giản bạn chỉ cần soạn một email đính kèm CV, thư xin việc, một cú click chuột sẽ đưa bạn đến gần với nhà tuyển dụng hơn.

Cách đây 1, 2 năm chúng ta thường nói rất nhiều tới việc như thế nào là 1 email xin việc chưa cần sáng tạo, ấn tượng, mà chỉ cần đúng quy cách trước đã: tiêu đề đầy đủ rõ ràng, nội dung thư không được bỏ trống, ít nhất hãy ghi một vài lời chào, lời giới thiệu nhẹ nhàng về bản thân, hãy đảm bảo đã có file đính kèm CV rồi hẵng ấn nút gửi. Và người ta đã liệt kê những nguyên tắc này vào hàng "biết rồi khổ lắm nói mãi" - những tiêu chuẩn cơ bản để gửi CV hợp lệ chứ chưa nói gì đến việc có được thông qua hay không.

Sinh viên sắp ra trường "trêu ngươi" nhà tuyển dụng: Thư xin việc không tiêu đề, không nội dung, còn được forward từ một email khác! - Ảnh 1.
Sinh viên sắp ra trường "trêu ngươi" nhà tuyển dụng: Thư xin việc không tiêu đề, không nội dung, còn được forward từ một email khác! - Ảnh 1.

Email xin việc bá đạo của một sinh viên năm 4 khiến nhà tuyển dụng cũng chào thua. Ảnh chụp màn hình.

Tuy nhiên mới đây mạng xã hội lại được phen xôn xao trước mẫu email ứng tuyển của 1 bạn sinh viên năm 4 được xếp vào hàng "mẫu mực", thậm chí còn xứng đáng được "in thành sách" theo cách nói hài hước của người chia sẻ. "Không tiêu đề, không nội dung, không file đính kèm, không lời giới thiệu và được forward từ 1 email khác. À quên, có đính kèm 1 ảnh chân dung. Thật là không thể tin được!".

Ngoài việc mắc phải những lỗi cơ bản, đơn thư xin việc khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi mức độ cẩu thả tăng lên một cấp độ mới: forward CV từ một email khác! Chưa hết, người gửi còn "nhiệt tình" khai báo thêm cả chiều cao, cân nặng,... những thông tin phù hợp ứng tuyển bảo vệ hay vệ sĩ hơn là công việc hành chính. Và đương nhiên nhà tuyển dụng sẽ thẳng tay cho bức thư này vào thùng rác mà không hề nuối tiếc.

Cũng có những trường hợp không biết là trùng hợp hay ngẫu nhiên, 2 email được gửi cách nhau tầm vài phút nhưng nội dung lại hài hòa như một. Nhà tuyển dụng thắc mắc mãi vẫn không thể giải đáp liệu 2 người này có quan hệ mật thiết gì với nhau hay không khi mà đơn thư chỉ khác mỗi thông tin cá nhân, còn đâu dấu chấm dấu phẩy vị trí như nào, ra làm sao thì lại y xì.

Sinh viên sắp ra trường trêu ngươi nhà tuyển dụng: Thư xin việc không tiêu đề, không nội dung, còn được forward từ một email khác! - Ảnh 2.

Khi mà email xin việc không nội dung lại đính kèm những 8 bức ảnh CV như này thực sự không phải là phương án hợp lý. Nguồn: Facebook.

Một thực tế chỉ ra rằng những nguyên tắc xưa cũ và nói hoài nói mãi, từng thành đề tài bàn tán khắp các diễn đàn vẫn đang hiện hữu. Bây giờ đã là năm 2017 - thời đại đòi hỏi một đơn thư xin việc phải vượt qua ngưỡng đúng, và tiến lên đẹp - sáng tạo - chất lượng, thậm chí là cá tính! Nhưng dường như nhiều người trẻ chưa thể bắt kịp xu hướng này, đâu đó vẫn rải rác những phiên bản CV hết sức cẩu thả, nếu không muốn nói là thách thức nhà tuyển dụng.

"Trước khi viết được về bản thân thật nổi bật, đừng làm CV trở nên xấu xí trong mắt nhà tuyển dụng"

Hiện nay, nhiều sinh viên vẫn cho rằng việc viết 1 email xin việc là đơn giản và không mấy chú trọng nhưng xin khẳng định lại, đây là bước đầu tiên, cũng là bước quyết định liệu bạn có được nhà tuyển dụng để mắt đến hay không.

"Nói không điêu là mình thường xuyên nhận được email không subject, không nội dung, chỉ đính kèm file. Ngày xưa còn thương tình gọi lên phỏng vấn nếu thấy có kinh nghiệm hay thành tích học tập tốt. Nhưng giờ cứ email nào không đầu không đuôi mình đều không chấp nhận", một nhà tuyển dụng thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Sinh viên sắp ra trường trêu ngươi nhà tuyển dụng: Thư xin việc không tiêu đề, không nội dung, còn được forward từ một email khác! - Ảnh 3.

Khi bạn để trống nội dung email tức là bạn đã không tôn trọng nhà tuyển dụng đấy. Ảnh chụp màn hình.

Anh Lê Hữu Nam - giảng viên kĩ năng mềm của tập đoàn FPT chia sẻ, việc nhận được những email xin việc không hợp lệ, mắc những lỗi cơ bản là điều thường xuyên đến mức... bình thường. "Rất nhiều bạn không ý thức được và vô tình mắc lỗi dẫn đến những thất bại trong việc ứng tuyển. Hơn thế nữa, ứng tuyển công ty càng lớn càng cần có sự chuyên nghiệp từ những thứ nhỏ nhất. Trước khi biến mấy trang A4 viết về bản thân mình thật nổi bật thì việc đầu tiên là đừng làm cho nó xấu xí, bị lỗi trong mắt các nhà tuyển dụng".

Việc chuẩn bị một CV kỹ càng là vô cùng quan trọng. Thậm chí, đối với một số vị trí, nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng gọi thử việc luôn mà không cần phỏng vấn nếu đọc được những bộ CV ấn tượng.

"CV chính là tấm vé cơ hội giúp bạn bước vào những căn phòng tiếp theo của quy trình tuyển dụng khắt khe của nhiều doanh nghiệp. Trong vô số bài viết trên Internet, bạn sẽ dễ dàng đọc được câu này "Trong hàng trăm, hàng ngàn CV gửi về box tuyển dụng, làm sao CV của bạn nổi bật nhất, được quan tâm và được chọn". Vậy hãy học cách cẩn thận từ bước đi đầu tiên này!", anh Nam chia sẻ.

Sinh viên sắp ra trường trêu ngươi nhà tuyển dụng: Thư xin việc không tiêu đề, không nội dung, còn được forward từ một email khác! - Ảnh 4.

Và năm 2017 rồi vẫn có những email xin việc không tiêu đề, không nội dung như thế này đây. Ảnh chụp màn hình.

Bây giờ để nói lại 1 CV như nào là đầy đủ, hoàn chỉnh có lẽ là điều không cần thiết nữa. Bạn có thể lên mạng và tải về nhiều mẫu mà bạn cho là phù hợp nhất, biến nó của mình một cách chỉn chu, chứ không phải chỉ copy paste. Sự cẩu thả, thiếu nghiêm túc thể hiện việc không đầu tư cho việc ứng tuyển. Trừ khi số lượng ứng viên quá ít hoặc vị trí cần gấp người, bằng không nhiều doanh nghiệp chẳng cần gì mất thời gian với những ứng viên như thế này.

Viết thư xin việc không khó, cái quan trọng là bạn có thực sự muốn chạm đến công việc mà bạn mơ ước hay không. Học cách chuyên nghiệp, chỉn chu ngay từ những bước đi đầu tiên sẽ giúp bạn tiến xa hơn, sâu hơn trong công việc sau này. Do đó sau khi đã hoàn thiện, hãy rà soát tất cả mọi thứ trước khi bạn vội gửi, bởi có thể sai một li đi cả một dặm đấy!

Theo Thời Đại


Sinh viên

thư xin việc

nhà tuyển dụng

đơn xin việc


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.