Hệ thống lại kiến thức thay vì học mới
Là thủ khoa khối A Học viện Quân y năm 2014, Nguyễn Văn Hinh cho rằng với các môn tự nhiên như Hóa, Vật lý, Toán... các thí sinh nên ôn lại lý thuyết, đọc lại sách giáo khoa, hệ thống lại toàn bộ kiến thức đã học được thay vì chú trọng vào học những phương pháp giải đề mới.
"Bản thân Hinh có một cuốn sổ nhỏ ghi lại các vấn đề, những lỗi sai từng mắc phải trong quá trình học. Khi ôn thi, Hinh sẽ đọc lại toàn bộ cuốn sổ và ghi nhớ những vấn đề mình chưa nắm vững", Hinh chia sẻ.
Với môn Toán, Hinh thường kết hợp giải đề mới với ôn lại những gì đã học, xem lại các đề đã giải để tránh lặp lại những sai sót từng mắc phải trước đó. Kinh nghiệm của Hinh cho thấy, không phải khi nào giải lại đề mình đã làm cũng trôi chảy nên cứ chắc chắn những gì mình đã biết còn hơn là mất nhiều thời gian học cái mới mà cái cũ lại chưa nắm vững.
Học có trọng tâm kết hợp cập nhật vấn đề nóng của xã hội
Chia sẻ về cách ôn thi các môn xã hội, Thủ khoa khối C năm 2014 Lê Thị Thoa của Đại học Luật Hà Nội cho rằng với môn Địa lý, thí sinh được mang atlat vào phòng thi nên không phải học thuộc số liệu. Do đó, thí sinh nên tập trung vào ôn luyện cách phân tích, so sánh các số liệu đã có, tìm ra quy luật của chúng, dự đoán xu hướng tăng – giảm trong tương lai…
Với môn Văn, các năm trước đều có câu hỏi nghị luận xã hội. Thí sinh cần tích luỹ cho mình vốn hiểu biết xã hội nhất định, nhất là về các vấn đề nóng đang diễn ra để có thể liên hệ đến thực tế trong bài làm của mình.
Thủ khoa Lê Thị Thoa tâm sự, yếu tố tâm lý trong phòng thi vẫn luôn quan trọng, nhất là với những môn xã hội vì đề thi có thể dài, nhưng sẽ chỉ có một số từ “then chốt”. Thí sinh cần xác định đúng trọng tâm câu hỏi để trả lời. Nếu không, dễ bị lan man và lệch hướng.
Ví dụ, đề yêu cầu phân tích một chi tiết của tác phẩm nhưng thí sinh lại sa đà nói về cả tác phẩm sẽ mất thời gian và dàn trải. Thí sinh tránh việc “chém gió” trong bài thi, cả phần mình biết và không biết. Bên cạnh đó, cần phân bổ thời gian hợp lý, không quá tập trung vào một câu mà mình tâm đắc, bỏ bê các câu khác.
Ôn thi cân đối với thư giãn
Chia sẻ về lịch sinh hoạt trong những ngày ôn thi, Nguyễn Đức Tâm An, Thủ khoa khối D1 Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2010 nói: “Để chuẩn bị cho kỳ thi đại học, tôi luôn cố gắng ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ vào buổi tối và sáng dậy sớm vì khi đó sẽ tập trung tốt hơn. Trong quá trình ôn thi, tinh thần thoải mái là điều rất quan trọng. Tôi thu xếp thời gian đi dạo mỗi ngày, xem phim vào cuối tuần và dành thời gian nói chuyện với người thân mỗi tối. Sau những giờ phút thư giãn quý báu đó, khả năng tập trung của tôi được cải thiện và việc ôn tập trở nên hiệu quả hơn”.
Theo An, đối với môn Văn, thí sinh cần nắm vững nội dung tác phẩm và những chi tiết chính của tác phẩm, đặc biệt chú ý đến phương pháp phân tích tác phẩm của thầy cô trong từng bài giảng. Từ đó, có thể học và áp dụng cách tiếp cận, diễn đạt trong bài viết của mình.
Để có điểm thi môn Ngoại ngữ cao, An cho rằng thí sinh cần tích cực luyện tập các đề thi đại học, thi thử đại học của các năm trước. Đối với những cụm ngữ pháp quan trọng, thí sinh nên đánh dấu và dùng giấy nhớ ghi lại mỗi ngày. Khi luyện đề, thí sinh nên bấm giờ để có thể cân đối thời gian khi ở trong phòng thi. Bên cạnh đó, thường xuyên trao đổi với giáo viên, bạn bè những thắc mắc trong quá trình luyện đề và cập nhật thêm những kiến thức mới.