- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Từ clip bé gái 4 tuổi bị mẹ la hét, tát vào mặt vì không biết đọc, nghĩ về cách kỷ luật con của cha mẹ
Clip một em bé bị mẹ đánh và ép phải học khiến cư dân mạng dậy sóng, tiếp tục “nổ ra” cuộc tranh luận có nên kỷ luật con bằng cách đánh trẻ như vậy hay không.
Mới đây clip một bé gái người Ấn Độ khoảng 4-5 tuổi nước mắt
lưng tròng với gương mặt sợ hãi được tung lên mạng. Theo đó, bé gái bị 1
người phụ nữ được cho là mẹ bé ép đọc to các con số từ 1 đến 5 nhưng bé
không thể đọc được dẫn đến bị mẹ mắng và tát vào mặt.
Clip đã gây sốc cho các bậc cha mẹ trên khắp thế giới và thậm chí thu hút cả sự chú ý của những người nổi tiếng, họ gọi đây là hành động lạm dụng và gây tổn thương cho trẻ em.
Bé gái khóc lóc, van xin khi bị mẹ dạy bằng cách quát mắng, bạo hành.
Video được Virat Kohli – huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia bóng gậy cricket Ấn Độ chia sẻ trên trang Instagram cá nhân, sau khi đăng tải, đoạn video đã lan truyền nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem, rất nhiều bậc phụ huynh sau khi xem xong đã bày tỏ sự lo lắng và quan ngại khi kỷ luật con bằng hình phạt thể xác như trong clip.
Bé gái bị mẹ tát khi học đếm.
Người phụ nữ trong clip la hét, quát mắng khi bé không đọc được các con số bằng tiếng Anh. Cuối đoạn, khi cô bé không trả lời được câu hỏi, người phụ nữ này đã tát vào mặt cô bé. Biết mình sắp bị đánh, cô bé đã khóc lóc van xin “Con sẽ học, xin đừng đánh con”.
Kohli cho biết: "Sự đau đớn và sợ hãi của đứa trẻ này đã không được quan tâm đến. Điều đáng buồn là một đứa trẻ không bao giờ học được gì nếu bị hăm dọa và đe nẹt như vậy.”
Theo tìm hiểu, bé gái trong clip tên là Haya và là cháu gái của giám đốc âm nhạc Bollywood nổi tiếng Ấn Độ Sharib và Toshi. Giải thích về nguồn gốc clip, những người này cho biết "Chính mẹ bé Haya là người quay clip với mục đích cho bố và anh trai bé thấy Haya bướng bỉnh và cứng đầu như thế nào." Sharib cũng "cảnh cáo" mọi người "không nên xen vào chuyện dạy con của mẹ bé Haya vì chỉ có mẹ Haya mới là người biết và hiểu bé rõ nhất. Cho dù thế nào thì mẹ con bé cũng sẽ không làm đau và gây tổn thương cho bé!".
Tuy nhiên, cách dạy dỗ này vẫn
vấp phải sự phản đối kịch liệt từ dư luận, đặc biệt từ những bậc phụ
huynh. Bởi nếu đây là thập niên 80, 90 thì có thể cách đánh mắng, la hét
vào mặt con là "chuyện bình thường", nhưng giờ đã là thế kỉ 21 rồi,
cách dạy con này không thể xem là bình thường và không đáng lên án được.
Theo Tiến sĩ Navya Singh, nhà tâm lý học lâm sàng và là người đồng sáng lập trang web wayForward.co.in chuyên tư vấn tâm lý, nghề nghiệp và các mỗi quan hệ xã hội, giải thích “Kỉ luật trẻ bằng đòn roi không phải là giải pháp cho bất kỳ vấn đề nào mà cha mẹ hay thầy cô có thể làm với một đứa trẻ. Mọi người thường áp dụng phương pháp kỉ luật này với trẻ để phạt hoặc ép trẻ thay đổi hành vi. Tuy nhiên, qua nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học, hành vi trẻ em, tôi khẳng định hình phạt đánh trẻ không có tác dụng gì trong việc mong muốn trẻ sửa đổi”.
Tiến sĩ Singh cho biết thêm, phương pháp thực sự hiệu quả đó chính là giải thích cho trẻ hiểu hành vi sai trái sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào thay vì la hét, dùng vũ lực để đánh trẻ. Hình phạt thể xác có thể làm trẻ mất tự tin, cảm giác cô đơn, buồn chán, xấu hổ vì bị cha mẹ đánh, thậm chí dẫn tới thái độ hiếu chiến trong tính cách của trẻ sau này. "Nếu bố mẹ đánh con, điều đó có nghĩa bố mẹ đang truyền đi thông điệp rằng con cũng có thể đánh người khác, hoặc sự xâm phạm cơ thể người khác là một cách để thể hiện bản thân".
3 phương pháp kỷ luật con tích cực
Sau đây là 3 phương pháp tích cực để kỷ luật con mà không cần la hét hay phải dùng đòn roi được các chuyên gia gợi ý:
Trò chuyện, giao tiếp với trẻ để tìm ra nguyên nhân khiến trẻ bướng bỉnh, không nghe lời sẽ hiệu quả hơn việc la hét, đánh mắng (Ảnh minh họa).
Giao tiếp với trẻ: Thay vì đánh trẻ, cha mẹ, thầy cô hãy nói chuyện với con về những hậu quả có thể xảy ra khi con hành động sai trái, cố gắng diễn đạt để giải thích cho trẻ hiểu 1 cách đơn giản nhất. Hầu hết mỗi khi trẻ tỏ ra ương bướng, không nghe lời có nghĩa là trẻ đang muốn chứng minh 1 điều gì đó trái với suy nghĩ của cha mẹ. Vì vậy cha mẹ hãy tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ dẫn đến hành động của trẻ để có phương án phù hợp.
Tích cực khen thưởng và hạn chế phạt trẻ: Khi nuôi dạy con, thay vì đánh con bởi những gì con đã làm sai, cha mẹ hãy tích cực dành phần thưởng và lời khen ngợi cho con mỗi khi con làm đúng. Các phần thưởng, lời khen sẽ khích lệ trẻ cư xử và hành động ngoan ngoãn hơn.
Cha mẹ hãy bình tĩnh: Điều quan trọng nhất cha mẹ cần ghi nhớ đó là phải bình tĩnh và nhẹ nhàng khi nói chuyện với trẻ. Bởi hơn ai hết, cha mẹ chính là hình mẫu trong lòng con cái, chắc chắc không một ông bố bà mẹ nào muốn mình là “khủng long bạo chúa” trong mắt các con. Sự bình tĩnh sẽ giúp cha mẹ đưa ra nhận xét và quyết định đúng đắn nhất, tránh làm tổn thương trẻ.
Nguồn: Parents