Chỉ cách thị xã Hà Giang vài chục cây số, đèo Pác Sum đã hiện ra như thách thức lòng can đảm của những ai trên hành trình chinh phục cao nguyên đá. Lượn vòng không biết bao nhiêu khoanh, chỉ biết rằng ngước lên thì chiếc ô tô chỉ bé như những hạt đậu tương bám vào vách núi dựng đứng. Trên đỉnh dốc nhìn xuống, nhà cửa giống những vẩy ốc bám theo con đường bé như sợi ru băng. Cảm giác choáng ngợp ấy sẽ theo ta tới những con dốc dựng đứng để đến Phố Bảng, hay một bờ vực sâu thăm thẳm bên đèo Mã Pì Lèng có dòng sông Nho Quế xa hút 500 mét dưới chân.
Nằm trên độ cao hơn nghìn mét, cao nguyên đá Đồng Văn gồm bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc còn ẩn chưa nhiều điều kỳ lạ. Khó có ai tin được rằng, nơi đây có thể đã từng là biển, những bãi đá hóa thạch đầy vỏ sò, ốc ở khu vực xã Ma Lé huyện Đồng Văn chứng minh điều đó. Theo một nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu thì vùng núi đá này còn là cơ sở để nghiên cứu sự hình thành và phát triển của vỏ trái đất trong khoảng 550 triệu năm trở lại đây.
Đi trên con đường chênh vênh trên các sườn núi, có thể thấy những tháp đá nhọn hoắt ở Sà Phìn, Sảng Tủng. Người ta gọi đây là kiểu núi dạng kim tự tháp (Pyramid Peak Cluster), kiểu núi phổ biến nhất trên cao nguyên đá Đồng Văn. Núi thường có dạng hình nón, bên trên nhọn hoắt hoặc hơi khum với sườn thẳng tắp một góc 45 độ tạo nên một phong cảnh vừa uy nghiêm vừa lạnh lẽo, im lìm. Không có chút cây nào, chỉ có trập trùng đá xám gối vào đá xám, người ta nói rằng người dân cao nguyên đá sống trên đá, chết cũng vùi trong đá.
Xuôi về Mèo Vạc, lại có một tập hợp các bãi đá, mũi đá trên một địa hình gồm các quả núi thấp hơn và có sườn bớt dốc, đó là các vườn đá, rừng đá (Stone Garden – Stone Forest). Đá ở đây có các hình thù kỳ dị và hấp dẫn. Đặt tên theo cảm quan, các nhà khoa học gọi tên khu vực gần chợ Khau Vai là một vườn hoa đá. Đá ở đây có các hình dạng hấp dẫn với các chóp nhọn mang hình bông hoa, nụ hoa, nhành hoa rất đa dạng và và cần được bảo tồn để cho du khách đến tham quan, vãng cảnh. Những vườn đá Mèo Vạc đặc biệt sinh động mỗi mùa chợ tình Khau Vai khi người đi chợ cắt núi mà đi, màu ô màu áo đỏ xanh giống như đá bỗng nở hoa.
Cũng nằm trên trục đường từ Mèo Vạc đến Khau Vai, ta đi qua xã Lũng Pù. Các nhà nghiên cứu gọi những bãi đá ở đây là vườn thú đá. Nhờ hai tác động địa chất từ hàng triệu năm trước là dập vỡ và rửa lũa, bào mòn mà mỗi tháp đá, chỏm đá trong khu vực đều có những hình thù giống như rồng phượng, hổ báo, chim chóc bất động từ nghìn vạn năm trước đến hôm nay.
Bãi đá ở khu vực xã Vần Chải, huyện Đồng Văn lại có hình những con thú nhỏ gối đầu lên nhau trông như đàn hải cẩu đang nằm trên bãi biển. Ngược lại với những vườn đá gợi cảm giác về sự sống, khu vực gần xã Sảng Tủng cùng huyện là những bãi đá vụn hoang tàn. Không cây cối, không sông suối, cảnh quan nơi này gợi sự hoang vu một cách kỳ lạ và được các nhà nghiên cứu gọi là hoang mạc đá Sảng Tủng. Đặc biệt, bên đèo Mã Pì Lèng có một ngọn núi đá hình mũi kim và đâm thẳng lên trời. Đứng bên bờ vực thẳm, dưới là sông Nho Quế, ngọn núi này được gọi là ngọn tháp kim Pải Lủng vì nằm trên địa bàn xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc. Đây là dáng núi hiếm gặp trên thế giới.
Sự kỳ diệu về mặt địa chất và phong cảnh kỳ vĩ của cao nguyên đá khiến cho nơi này đứng đầu trong danh sách những công viên địa chất sẽ được công nhận ở Việt Nam trong một ngày gần đây.
Miền đá Đồng Văn không đơn điệu khi được tô điểm bởi những ngôi nhà đắp bằng đất và lợp ngói máng náu mình trên những triền núi đá. Mùa xuân, đào mận tưng bừng nở hoa trên suốt dọc đường đi lên Sủng Là, Phố Cáo. Sang hè, ngô xanh miên man phủ kín những triền đá xám mạn Sà Phìn, Lũng Táo. Trên hết, vẻ đẹp của cao nguyên đá trở thành hoàn chỉnh với những con người đang kiêu hãnh đương đầu với thiên nhiên và viết nên bản hùng ca sinh tồn. Đó là những người dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Pu Péo… mà sự hồn nhiên một cách kiên cường của họ sẽ làm ta cảm thấy mình nhỏ lại.
Tôi đã đến cao nguyên đá nhiều lần. Mùa mưa, có khi đường đi sạt lở, ngựa không đến được chợ, trẻ không tới được trường. Mùa khô cây cỏ khô héo, hạt ngô gieo xuống đất chẳng mọc thành cây. Người dân trên cao nguyên đá bởi thế vẫn còn khổ lắm. Nhưng kỳ lạ thay, gặp ai trên miền đá Đồng Văn, tôi cũng thấy nụ cười. Kiên nhẫn chấp nhận và kiêu hãnh đương đầu đã trở thành tính cách của những con người trên cao nguyên đá.
Đầu năm nay ở xã Tà Lùng, ông chủ tịch người Mông kể rằng mỗi lần về huyện họp lại dắt theo đôi bò và quần áo để tắm giặt và cho bò uống nước. Giữa năm ngoái đi qua Mã Pí Lèng, tôi vẫn gặp những em bé ở Pải Lủng cõng gùi đi bộ đến gần mười cây số để hứng nước đọng trên vách đá trên đỉnh đèo chảy xuống. Một lần khác từ Lũng Cú về Đồng Văn, tôi gặp hai chiếc xe máy bẹp dúm khi tông vào nhau giữa một con dốc. Nạn nhân là hai chàng trai người Mông đang mặt mũi sứt sẹo đang bá vai nhau ngồi bên đường một cách rầu rĩ. Họ không cãi cọ nhau như ở dưới xuôi, chỉ khóc và nói rằng xe hỏng, mặt mũi thì xấu xí thế này, không biết về nhà vợ con nó có nhận ra mình hay không!
Lưu Quang Phổ