Hơn nửa năm nay, từ tối đến đêm, người dân, du khách đi ngang qua góc đường Phạm Ngũ lão - Tôn Thất Tùng (quận 1, TP.HCM) đều bắt gặp hình ảnh người phụ nữ nhặt ve chai này. Chị chống xe bên vệ đường, ngồi dựa cột đèn, chăm chú đọc sách. Người dân ở đây cho biết, cứ thấy chị này ngồi đọc, học ở đây từ 6h chiều cho đến gần 1h sáng mới đạp xe đi.
Người phụ nữ ấy tên Ngô Thị Mỹ Hạnh (sinh năm 1966, ngụ quận 4, TP.HCM). "Tôi đang học anh văn, tối nào cũng phải học đến 1h mới về", chị Hạnh giải thích. Công việc chính của chị là làm nghề nhặt ve chai. Nhưng khi bắt chuyện với người phụ nữ này, mới thấy thật không giống như những người làm ve chai khác.
Nhặt ve chai nhưng hầu hết quỹ thời gian trong ngày chị dành cho học tiếng Anh. Một ngày, chị mất khoảng 14 tiếng cho việc học. Chị lý giải: "Cách đây nửa năm, tôi hay đi ngang qua khu phố Tây, thấy người nước ngoài họ nói chuyện mà mình không hiểu, toàn phải ra dấu. Thế rồi tôi mới vào công viên 23/9 nhờ khách Tây chỉ cho mấy câu giao tiếp cơ bản. Ở đó, tôi gặp một người đàn ông nước Anh (56 tuổi). Anh này tính tình, con người dễ thương lắm nên mến, đem lòng yêu thương. Điều ấy càng khiến tôi có đông lực học ngoại ngữ để có thể hiểu những gì anh ấy nói, thay vì cứ dùng dấu hiệu", chị Hạnh bật mí.
Ở tuổi 50, chị vẫn nảy sinh tình yêu cũng bởi duyên phận chị không trọn vẹn. Thời con gái, chị xinh xắn, gia đình cũng khá giả nên có nhiều người theo đuổi. Nhưng không mối tình nào tròn 1 năm "vì họ đến với tôi đều lợi dụng, nên tôi chẳng còn niềm tin với đàn ông", chị chia sẻ. Cứ thế, khi tuổi gần 50, người phụ nữ này vẫn "chăn đơn gối chiếc" mỗi đêm, dù cho gia đình luôn thúc giục.


"Hơn 20 năm trước, tôi cũng từng làm giáo viên ấy chứ, dạy cấp 1. Nhưng làm được 3 năm thì nghỉ vì lương thấp mà thấy tồn tại nhiều điều không công bằng", chị hạnh chia sẻ. Từ đó, chị gần như ở nhà, không làm ăn gì.

Mỗi ngày chị đặt mục tiêu là học nghe, học phát âm, cách viết khoảng 20 câu đàm thoại. Nhiều người đi đường, nhất là khách ngoại quốc thấy thích thú hành động của chị nên lại xin chụp hình. Khi ấy, chị đều giải thích là người Việt Nam ai cũng ham học hết.
Một ngày chị dành khoảng 14 tiếng để học. Buổi sáng chị ra khỏi nhà từ 5h và bắt đầu ngồi học ở vỉa hè đường Hoàng Diệu (quận 4) đến 13h. Giữa khoảng thời gian đó, chị ăn sáng, ăn trưa là những phần cơm chay hoặc cơm thiện nguyện phát miễn phí.
Buổi tối, chị học đến 1h đêm. Không có chồng, lại chỉ ở nhà nên chị hay bị các anh chị trong nhà nói lời không hay. Vì thế, dù có nhà cửa đầy đủ ở quận 4 nên người phụ nữ 50 tuổi ít khi về nhà mà ngủ nhà bạn. Điều ấy, càng khiến chị về học đến khuya muộn. Hơn nữa, chị cũng muốn tránh mặt chồng cũ nên hay về khuya, đi sớm.
Cách nhặt ve chai của chị cũng độc đáo, thay vì đạp xe thì lại ngồi ở yên sau, đẩy xe đi bằng hai chân. "Vì 3 ngày tôi mới bán một lần nên ve chai cấn hết vào chân, khó đạp xe. Tôi không đi nhiều, không làm nhiều nên cũng không cần phải đạp", chị lý giải. Vì thế, bộ xích xe cũng được người phụ nữ này tháo luôn ra cho tiện.
Sau nửa năm học chăm chỉ, chị có thể hiểu được phần nào khi giao tiếp với người nước ngoài. Dự định sắp tới của chị Hạnh là sẽ tìm một trung tâm ngoại ngữ để học. Và nếu vẫn còn duyên phận, chị cũng sang nước ngoài với người đàn ông phương Tây đang quen. "Hiện tại, tôi tạm xa anh ấy một thời gian để tập trung học. Ngày gặp lại, anh chắc chắn sẽ bất ngờ về khả năng ngoại ngữ của tôi. Trường hợp nếu không đi nước ngoài được thì tôi mở lớp dạy học, đồng thời sẽ mở một tiệm nhỏ bán thức ăn chay", chị chia sẻ.
Theo Afamily