Học phụ nữ Việt xưa cách chăm sóc tóc hoàn hảo

Theo quan niệm thẩm mỹ của người xưa, tóc đẹp phải là mái tóc đen dài, mượt mà và chắc khỏe.

Mái tóc đen dài óng ả là tiêu chuẩn của cái đẹp dành cho những người phụ nữ xưa. Khi chưa có những sản phẩm hóa mỹ phẩm như ngày nay, các chị các mẹ đã làm cách nào để nuôi dưỡng được một mái tóc dài đen mượt như vậy?
 
Theo quan niệm thẩm mỹ của người xưa, tóc đẹp phải là mái tóc đen dài, mượt mà và chắc khỏe. Để giữ được một mái tóc đạt những tiêu chuẩn như vậy, các bà các mẹ đã vận dụng bí quyết riêng từ những nguyên liệu gần gũi hàng ngày.
 
(Ảnh: internet)

 
Bồ kết - dầu gội tự nhiên
 
Từ thuở xưa, các cụ đã truyền tai nhau cách làm sạch tóc từ thiên nhiên bằng quả bồ kết. Bồ kết khô nướng lên thơm lừng. Sau đó bẻ ra cho vào nồi nước, đặt lên bếp đun sôi, nước ra vàng sánh là được.  
 

Gội đầu bồ kết là một trong những cách chăm sóc tóc truyền thống của phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: internet)

 
Quả bồ kết chứa 10% saponin, chính là chất màu vàng, có khả năng tạo bọt với công dụng chính là kháng viêm, nhũ hoá, tẩy sạch. Theo kinh nghiệm lâu đời của các bà, các mẹ thì bồ kết có công dụng trị gàu, trị nấm tóc, giảm gãy và rụng tóc, kích thích mọc tóc, làm đen tóc, làm tóc trơn bóng.
 
Nước bồ kết vàng sánh, thơm thơm. (Ảnh: giadinhvietnam)


Để tạo thêm mùi thơm và tăng cường tác dụng chăm sóc tóc, các chị các mẹ còn cho thêm lá hương nhu hay lá sả, đun cùng nước gội đầu. Tinh dầu trong những loại cây cỏ thiên nhiên này vừa có tác dụng làm sạch tóc dịu nhẹ, vừa làm nuôi dưỡng, bảo vệ tóc, làm tóc mềm mượt, óng ả hơn.

Vỏ bưởi trị tóc rụng
 
Phụ nữ xưa thường dùng vỏ bưởi để đun nước gội đầu. Vỏ bưởi là nơi chứa nhiều tinh dầu nhất trong trái bưởi. Loại tinh dầu này có khả năng kích thích tóc mọc, nuôi dưỡng từng nang tóc, giúp tóc óng đẹp và chắc khỏe tự nhiên.

Để có mái tóc dài, bóng mượt, các bà các mẹ thường xắt vỏ bưởi thành khúc nhỏ, bỏ vào nồi nước đun sôi, để nguội và dùng nước đó để gội đầu. Có thể đun vỏ bưởi với các loại thảo mộc như hương nhu, sả, hoa bưởi… để tăng khả năng làm sạch và tạo hương thơm tự nhiên. Ngoài công dụng làm sạch tóc, nước gội đầu vỏ bưởi tạo cảm giác thư giãn và giải tỏa căng thẳng nhờ hương thơm dễ chịu.
 
 
Tinh dầu vỏ bưởi kích thích mọc tóc. (Ảnh: minhlacongai)

 
Những người bị rụng tóc đặc biệt là phụ nữ sau sinh thường dùng vỏ bưởi để kích thích tóc mọc nhanh và dày hơn. Sau khi gội đầu, bóp phần tinh dầu vỏ bưởi lên tóc và xoa đểu từ gốc tới nhọn để dưỡng tóc bóng khỏe, mượt mà.
 
Ngày xưa, các cụ ta còn phơi khô vỏ bưởi để dùng dần. Mỗi lần sử dụng, chỉ cần cho vỏ bưởi vào nồi đun sôi cùng các loại nguyên liệu khác để gội đầu. Vỏ bưởi cũng có thể kết hợp với bồ kết tạo ra một loại dầu gội làm đen và mượt tóc.
 
Chanh - dầu xả thiên nhiên
 
Trong nước cốt chanh chứa axit có khả năng thanh tẩy cao nên gội đầu bằng quả chanh vẫn là phương pháp được nhiều bà mẹ sử dụng cho các em bé sơ sinh. Vào thời xưa, phụ nữ Việt vẫn thường dùng chanh làm nước xả cuối sau khi gội cho tóc để lưu hương thơm thoảng mát của chanh và làm tóc bóng mượt hơn. Sau khi gội đầu bằng bồ kết, phụ nữ thường xả lại tóc bằng nước chanh loãng để làm mượt tóc.  Gội đầu bằng chanh còn có tác dụng ngăn ngừa tóc rụng, làm sạch gàu và trị ngứa da đầu nữa.
 
Nước chanh được dùng như một loại dầu xả tự nhiên. (Ảnh: meogiamcan)

 
Hà thủ ô - đông dược cho mái tóc đen
 
Ngày này, các bạn trẻ thường chạy theo những màu tóc rực rỡ, thời thượng, nhưng đối với người xưa, mái tóc đen bóng chính là chuẩn mực của cái đẹp. Đối với những người bị bạc tóc sớm, họ thường dùng hà thủ ô để khắc phục tình trạng này.  Chẳng thế mà tục ngữ có câu “Muốn cho xanh tóc đỏ da – Rủ nhau lên núi tìm hà thủ ô”. Theo đông y, hà thủ ô có chứa nhiều dưỡng chất có tác dụng bổ máu, phục hồi những tổn thương ở nang tóc rất hiệu quả, làm đen râu tóc, kích thích tóc mọc lại. Hà thủ ô có hai loại trắng và đỏ, tuy nhiên chỉ loại hà thủ ô đỏ mới dùng để chữa tóc bạc sớm.
 
Muốn cho xanh tóc đỏ da – Rủ nhau lên núi tìm hà thủ ô. (Ảnh: shiutterstock)

 
Có thể dùng hà thủ ô nấu nước uống hằng ngày hoặc có thể tán  hà thủ ô thành bột và mỗi ngày dùng 10-20 gram.

Một cách khác là dùng hà thủ ô với vừng đen. Hà thủ ô sấy khô, vừng đen rang chín, mỗi thứ 300 gram, tán nhỏ, trộn đều bỏ vào lọ dùng dần. Khi dùng có thể trộn vừa đủ với mật ong, đường nhai và nuốt. Có thể pha với nước sôi để uống. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 2-3 thìa cà phê.

Theo Vntinnhanh

chăm sóc tóc

dưỡng tóc

làm đẹp

tóc


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.