Bỏ nhà nước: 5 năm nhem nhuốc quần đùi áo cộc, tôi trả giá đích đáng

Bỏ công việc nhà nước nắng không đến mặt mưa không đến đầu để về quê làm thợ sơn nhà

Bỏ công việc nhà nước nắng không đến mặt mưa không đến đầu để về quê làm thợ sơn nhà. Lúc đó, ai cũng nói tôi điên, nhưng 5 năm sau, từ anh thợ sơn lúc nào cũng quần đùi áo cộc với những vết sơn dính từ đầu xuống chân, tôi đã thành ông chủ đại lý, xây được nhà lầu, mua được xe hơi và có khoản tiền tiết kiệm hơn 6 tỷ đồng.

Tôi năm nay 33 tuổi, quê ở Nghệ An. Hiện tôi khá hài lòng với công việc của mình và thấy quyết định bỏ việc công chức nhà nước cách đây 5 năm của tôi thật đúng đắn.

Trước kia, tôi từng tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, có công việc trong một đơn vị sự nghiệp nhà nước ở Hà Nội - nơi làm việc mà không ít người mơ ước. Bởi đa phần mọi người đều suy nghĩ, làm công chức nhà nước công việc không vất vả, tháng đến lại lĩnh lương đều đặn.

Quả thực, 4 năm làm việc, công việc bàn giấy của tôi khá nhàn, ít phải đi công tác, nắng không đến mặt mưa không đến đâu, quần áo lúc nào cũng chỉn chu, ngày làm đúng 8 tiếng, nghỉ thứ 7 và chủ nhật. Song, đồng nghĩa với cái nhàn hạ đó thì lương công chức ba cọc ba đồng.

Hai năm đầu tiên, với đồng lương công chức tôi tạm gọi là đủ sống (vì phải thuê trọ). Đến khi lập gia đình, có con nhỏ, dù có chắt bóp chi tiêu, cắt khoản này, giảm khoản kia cũng chẳng dư ra được mấy đồng gửi về quê cho vợ nuôi con.

Bỏ nhà nước: 5 năm nhem nhuốc quần đùi áo cộc, tôi trả giá đích đáng-1

Từ thợ sơn nhà, anh Khang đã thành ông chủ đại lý sơn và có cuộc sống sung túc hơn rất nhiều thời còn là công chức nhà nước (ảnh minh họa)

Khi đó, tôi nghĩ công việc và lương cứ như thế này, lo cho gia đình không đủ thì bao giờ mới mua được nhà ở Hà Nội. Chán nản, sau 4 năm làm công chức nhà nước, tôi quyết định xin nghỉ việc, về quê làm nghề gì đó có thu nhập tốt hơn, cũng là để được gần vợ gần con.

Lúc tôi xách ba lô về quê và báo với bố mẹ tôi chuyện tôi đã xin nghỉ làm ở Hà Nội, bố mẹ tôi phản ứng khá gay gắt. Thậm chí, hàng xóm một vài người nói tôi bị điên, bởi xin được vào làm tại một cơ quan nhà nước là niềm mơ ước của biết bao nhiêu người. Đằng này, tôi lại xin nghỉ việc bỏ về quê.

Thời gian đầu trong lúc chờ được phỏng vấn xin việc, tôi tranh thủ đi làm thợ sơn nhà theo một ông bác họ. Tuy công việc vất vả,  nhưng bù lại thu nhập cũng được chục triệu đồng một tháng tùy vào số ngày công đi làm. Được một thời gian, có một vài công ty gọi tôi đi phỏng vấn với mức lương 6 triệu đồng/tháng, song tôi quyết định từ chối vì tôi thấy công việc thợ sơn tuy là công việc  tay chân, nhưng đổi lại thu nhập khá cao, đem lại cuộc sống ổn định hơn cho vợ con tôi.

Thế là, một thời gian dài tôi làm thợ sơn nhà, không còn hình ảnh áo trắng quần tây đi giầy đen xách cặp đến cơ quan nữa, mà thay vào đó lúc nào tôi cũng quần đùi áo cộc, sơn dính từ trên đầu xuống chân nhìn nhem nhuốc nhiều khi chẳng nhận ra chính mình.

Làm được hơn một năm, kinh nghiệm và các mối quan hệ cũng tích lũy được kha khá, tôi quyết định vay tiền mở đại lý bán sơn, đồng thời làm cai thầu chuyên nhận sơn cho các công trình nhà ở và những công trình khác quy mô nhỏ.

Đại lý làm ăn thuận lợi, đội thợ sơn 15 người của tôi lúc nào cũng có việc làm, chẳng mấy khi hết việc. Nhờ đó, tôi nhanh chóng trả hết nợ, xây được căn nhà 3 tầng ở quê gần 2 tỷ sau 3 năm nghỉ việc công chức nhà nước.

Đến nay, sau 5 năm theo nghề thợ sơn, ngoài căn nhà ra, tôi tậu được chiếc xe hơi gần 1 tỷ đồng, có khoản tiền tiết kiệm hơn 3 tỷ đồng gửi ngân hàng, cuộc sống của vợ con tôi nhờ đó cũng được sung túc hơn xưa rất nhiều. Bà con hàng xóm, nhất là bố mẹ thấy vậy cũng không lời ra tiếng vào chuyện tôi bỏ việc nữa.

Nhiều người cứ than nghèo kể khổ khi sống bằng đồng lương công chức nhà nước, nhưng họ lại ngại thay đổi. Còn tôi thì khác hoàn toàn, làm gì cũng được, miễn là đồng tiền của mình kiếm được là đồng tiền chân chính, từ mồ hôi và công sức của mình thì làm anh thợ sơn hay thợ phụ hồ vẫn đáng tự hào.

Theo VietNamNet


thợ sơn

đại lý sơn

công chức


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.