Chuyện "gã khùng" đào hầm ủ rượu xuyên núi ở Bắc Giang

Kiếm được bao nhiêu tiền, gã lại đổ hết vào việc nghiên cứu sản xuất các loại rượu độc đáo.

Kiếm được bao nhiêu tiền, gã lại đổ hết vào việc nghiên cứu sản xuất các loại rượu độc đáo.

Gã bỏ một đống tiền đào một hầm rượu xuyên núi Ông Vệ phía sau nhà gã. Gã say sưa kể về công trình mơ ước mà gã đang tiếp tục thực hiện ngay trên núi Ông Vệ. Nào là bể bơi, nào là vài hầm rượu nữa, nào là quán cà phê, du lịch sinh thái… Hỏi gã tại sao lại nảy sinh ý tưởng kì lạ ấy, gã cười sảng khoái, đơn giản gã chỉ muốn có một công trình để đời ở một địa phương còn nghèo như thôn Cả Am, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, Bắc Giang quê gã.

Ý tưởng kì lạ

Giáp Quang Khải sinh năm 1975, nhưng nom gã trẻ hơn tuổi khá nhiều bởi bề ngoài nhỏ nhắn, thư sinh. Nhìn gã, chẳng ai bảo gã là "khùng", là "dị" khi bỏ một đống tiền đào hầm xuyên núi để chứa rượu, nhưng có tận mắt chứng kiến "công trình thế kỉ" của gã, mọi người mới thấy "choáng" bởi mức độ "hâm" và "gàn" của gã "dị nhân" có một không hai này.

Núi Ông Vệ nhìn xa như một con voi phục khổng lồ với những rừng cây bạch đàn và vải thiều xanh mướt. Nhà gã ở ngay chân núi. Con đường vào núi Ông Vệ bé xíu, chỉ đủ một chiều xe ôtô tải nhỏ đi vừa nhưng lúc nào cũng có xe ra vào để chở đất đi đổ nơi khác. Công trình của gã vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, vẫn còn ngổn ngang đất đá. Gã mới chỉ hoàn thành xong một hầm rượu chính. Còn rất nhiều hạng mục công trình khác đang tiếp tục.

Chuyện 'gã khùng' đào hầm ủ rượu xuyên núi ở Bắc Giang

"Dị nhân" Giáp Quang Khải

Cổng hầm chính được gã trang trí bằng sỏi cuội to, với đủ thứ hình thù nhìn khá bắt mắt. Gã cười: "Nhiều người nghĩ rằng sỏi cuội chỉ là thứ bỏ đi, không có tác dụng gì, nhưng với mình, nó vừa đẹp, vừa bền, vừa là tài nguyên tự nhiên rất dễ kiếm tìm". Mở cửa hầm đi vào, ấn tượng đầu tiên là con đường rộng khoảng hơn 1m, cao gần 2m với hai bên tường gạch thô sơ, lấp lánh ánh đèn xanh đỏ kì bí. Dọc hai bên thành hầm đủ loại chai, be rượu được cài sâu vào bên trong. Trên mỗi chai đều ghi thời gian sản xuất tương ứng số ký hiệu năm theo quy ước X1, X2... Có những chai đã được ngâm hơn 10 năm.

Đi sâu vào trong là một khoang hầm rộng chừng 30m2, để đủ các chum rượu đang ủ từ các loại hoa, quả đặc sản mà gã cất công đặt mua từ nước ngoài về hay từ mọi miền đất nước. Mùi rượu bốc lên thơm nức khiến người ta cũng có cảm giác lâng lâng, say say. Căn hầm này được làm từ tháng 5-2014 đến nay. Hiện gã đang tiếp tục làm thêm ba hầm rượu nữa. Tất cả sẽ được thông nhau, tạo thành một quần thể hầm rượu đặc biệt xuyên khắp núi Ông Vệ.

Hỏi gã nảy sinh ý tượng kì lạ này từ bao giờ, gã cười. Nhà gã vốn có truyền thống nấu rượu. Gã mong muốn sau này con cháu gã sẽ được thưởng thức sản phẩm rượu ngon nhất do chính ông cha chúng tạo ra. Gã cũng mong nhiều người biết đến quê hương của gã hơn bằng công trình để đời xuyên núi Ông Vệ này. Gã nhen nhóm ý tưởng ấy hơn chục năm nay, gia đình, vợ con gã chẳng ai biết.

Mới đầu gã chỉ ngâm thử để uống, sau mọi người khen ngon, thế là gã bắt tay vào pha chế, nghiên cứu. Cứ mỗi lần nhờ ngâm rượu, ủ rượu, gã lại cất mỗi nơi một ít. Đến khi gã thuê người về đào hầm, mọi người mới ngã ngửa ra. Không ai ủng hộ việc mang tiền chôn xuống đất hàng chục năm, trong khi không biết tương lai kết quả thế nào nhưng chẳng ai đủ sức ngăn được gã. Về sau nghe gã thuyết phục, cả nhà đều đồng tình ủng hộ. Người thì giúp gã nấu rượu, lọc rượu, người thì giúp gã cai quản công trình. Vợ chồng gã sống ở thành phố Bắc Giang, nhưng ngày nào gã cũng phóng xe hơn hai chục cây số về quê để xem xét, quản lý công trình.

Chuyện 'gã khùng' đào hầm ủ rượu xuyên núi ở Bắc Giang

Hầm rượu độc đáo của "dị nhân" Giáp Quang Khải.

Nói về rượu thì chắc chẳng nhiều người sành bằng gã. Rượu ngâm loại quả nào, hoa nào, ủ bao lâu, bằng bình gì thì tốt, chất lượng thế nào… gã đọc vanh vách. Đó là nhờ khả năng nhớ lâu, chịu khó tìm tòi nghiên cứu tài liệu nước ngoài của gã. Gã còn chịu chơi đến mức bỏ ra hàng chục triệu đồng mua nguyên liệu từ nước ngoài về để ngâm rượu.

Gã bảo, rượu của gã không những ngon, mà phải độc đáo, kết hợp Đông - Tây, để mọi người uống một lần sẽ nhớ mãi. "Hữu xạ tự nhiên hương", rượu chất lượng không cần quảng cáo nhiều, ắt có người tìm đến. Hơn chục năm âm thầm nghiên cứu, đến nay gã đã có một thương hiệu rượu cho riêng mình.

Gã "khùng" đa tài

Nhắc đến Giáp Quang Khải, ông Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cũng phải công nhận gã "khùng" nhưng có chí và khá nhiều tài lẻ. Có ai dám bỏ ra một đống tiền như gã để làm cái chuyện không đâu ấy. Một mình gã tự gây dựng được một thương hiệu rượu của mình với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo về chất lượng sản phẩm như lời ông Trần Đức Hanh, Chủ tịch UBND xã chia sẻ. Một mình gã lên ý tưởng đào hầm rượu, xây dựng quần thể du lịch ngay trên nóc hầm mà không muốn ai hợp tác, hay hỗ trợ về vốn.

Giáp Quang Khải sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em. Vì hoàn cảnh khó khăn, nên ngay từ nhỏ, gã đã tự ý thức bản thân mình phải phải theo học một ngành nghề nào đó để có tiền ăn học. Và thế là gã theo học hội họa. Học cấp 3, trong khi bạn bè đang phải sống phụ thuộc vào bố mẹ thì gã đã có một cửa hàng tranh cho riêng mình. Tiền bán tranh đủ để gã trang trải chi phí học hành, sinh hoạt cho mình mà không phải xin tiền bố mẹ. Khách hàng ở Bắc Giang, Bắc Ninh cũng có, ở Hà Nội cũng tìm đến mua.

Đến cuối cấp, gã lại nghĩ, nghề để gã kiếm tiền mưu sinh cũng đã có, gã cần phải học thêm một cái nghề nữa để sau này giúp ích cho công việc kinh doanh của mình. Thế là gã thi vào trường Luật. Tốt nghiệp trường Luật, gã vào làm pháp chế cho một ngân hàng. Thời gian này gã vẫn mở phòng tranh và nhận vẽ cho các phòng tranh ngoài Hà Nội, nhưng ý tưởng kinh doanh lớn vẫn nhen nhóm trong gã. Lúc đầu gã cùng bạn mở công ty luật, nhưng sau một mình gã tự tách ra mở công ty riêng với cái tên "Nam Bạch Đằng".

Chuyện 'gã khùng' đào hầm ủ rượu xuyên núi ở Bắc Giang

Khoang hầm chứa hơn 10.000 lít rượu.

Chưa dừng lại ở đó, vừa làm ngân hàng, vừa làm công ty luật, gã vừa âm thầm tìm hiểu cách thức sản xuất rượu từ thảo mộc và trái cây của các hãng lớn trong và ngoài nước. Đã có lúc, gã giấu vợ con, gia đình bí mật thuê một căn phòng chuyên để ngâm ủ rượu. Kiếm được bao nhiêu tiền, gã lại đổ hết vào việc nghiên cứu sản xuất các loại rượu độc đáo.

Sau hơn chục năm, gã đã tự xây dựng một thương hiệu rượu "Giáp tửu" cho riêng mình. Việc đặt tên cho sản phẩm được gã cân nhắc nhiều lắm. Gã mới vào nghề trong khi thị trường rượu quê đã tràn ngập các thương hiệu nổi tiếng. Làm sao để khác lạ, độc đáo gã cũng trăn trở rất nhiều. Lúc đầu, gã lấy tên là "Giang Nam cung đình tửu". Giang là Bắc Giang, Nam là Việt Nam; sau đó đổi là "Giáp tửu cung đình", "Giáp tửu ngũ đế" và cuối cùng là "Giáp tửu". Trong đó, có "Giáp tửu đồng quê nếp cái hoa vàng", "Giáp tửu táo đỏ" và "Giáp tửu Alibabas".

Rượu dùng để ngâm do chính anh cả gã nấu từ gạo nếp, sau đó gã đưa vào lọc bằng hệ thống máy móc hiện đại để khử độc tố. Sau đó gã mới đưa vào chum ủ táo đỏ Hàn Quốc, anh đào Mỹ, Ki - uy Úc và nhiều loài hoa khác đặt trong hầm, sau đó lọc tiếp... rồi mới đóng chai. Hiện căn hầm đầu tiên của gã chứa khoảng hơn 10.000 lít rượu ngâm.

Gã đang tiếp tục thực hiện ý tưởng làm thêm vài căn hầm nữa và quần thể du lịch sinh thái ngay trên núi Ông Vệ. Gã chẳng biết bao giờ nó sẽ hoàn thành xong, nhưng cứ có tiền là gã lại bắt tay vào một công đoạn mới. Và nhắc đến Bắc Giang, người ta sẽ nhắc đến núi Ông Vệ và gã "khùng" bỏ một đống tiền đào hầm rượu xuyên núi Giáp Quang Khải.

Theo Cảnh sát toàn cầu

làm giàu

đào hầm ủ rượu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.