Khởi nghiệp thành công nhờ tư duy sáng tạo

Cơ hội nằm trong chính cách tư duy sáng tạo của người khởi nghiệp. Cơ hội có nhiều ở những nơi khó khăn nhất chứ không phải thuận lợi nhất!

Để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân VN trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH và hội nhập quốc tế, theo các chuyên gia, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề phải đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, tăng cường liên kết giữa nhà trường, viện nghiên cứu, DN, gắn đào tạo với yêu cầu của DN và xã hội.

Đào tạo theo quy luật  thị trường

Ông Vũ Huy Đông - TGĐ Cty CP Dệt Sợi Đam San:
Hiện nay, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đang là vấn đề nan giải ở VN nói chung, Thái Bình nói riêng. Hiện, tỷ lệ sinh viên ra trường không xin được việc làm khá lớn, do chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. DN khi tuyển dụng lao động đều phải đào tạo lại. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này chính là đào tạo xa rời thực tiễn. Việc đào tạo các môn chuyên ngành chính trong trường chưa nhiều và sát với thực tế. Đối với sinh viên, vẫn còn tình trạng chưa có ý thức học tập nghiêm chỉnh, học chỉ mang tính chất đối phó thi cử. Sinh viên chưa chú trọng học để ra làm việc mà chỉ tập trung học để đạt được bằng cấp. Vì vậy, nhiều sinh viên ra trường chưa có kiến thức, trình độ và năng lực để đáp ứng được nhu cầu công việc của DN.

Qua Chương trình Khởi nghiệp quốc gia phối hợp với trường đại học Thái Bình tổ chức với mục đích xây dựng nhận thức, đào tạo kỹ năng, hướng dẫn và hỗ trợ khởi nghiệp, tôi cho rằng, để các em sinh viên có thể lập thân lập nghiệp khi tốt nghiệp thì nhà trường cần phải đào tạo theo quy luật phát triển của thị trường, đào tạo sát với nhu cầu công việc mà xã hội đang cần. Thứ hai, nhà trường và DN phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Đào tạo phải gắn liền với thực tiễn, cho sinh viên được cọ sát, được trải nghiệm thực hành công việc cụ thể để rèn luyện kỹ năng cũng như kinh nghiệm làm việc. Thứ ba, nhà trường cần phải giảm bớt trình học các môn phụ và tập trung đào tạo các môn chuyên ngành chính cho sinh viên, thường xuyên cập nhật các chương trình giảng dạy hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới.

 Đối với các em sinh viên, nên tập trung tối đa cho môn học mình yêu thích, có định hướng xác định rõ ràng mục tiêu nghề nghiệp của bản thân ngay từ đầu. Nếu không đủ khả năng theo học đại học, chúng ta nên xác định học nghề để tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc, giúp bản thân có thể lập nghiệp sớm hơn. Bên cạnh đó, những sinh viên ra trường cũng phải trang bị cho mình những kiến thức về kỹ năng chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, phải có tính kiên trì và sáng tạo chấp nhận được những khó khăn thử thách ban đầu… khi đó các bạn mới có thể nhanh chóng để thành công trên con đường khởi nghiệp của riêng mình.

Động lực phát triển đội ngũ DN, doanh nhân

Ông Đỗ Văn Vẻ - Đại biểu QH khóa XIII - P.TGĐ Cty CP TĐ Hương Sen:
Chính lúc này việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trở nên vô cùng quan trọng và cấp thiết. Chủ trương của Đảng và nhà nước nói chung, Thái Bình nói riêng luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi  để DN phát triển vững mạnh. Ngay từ ban đầu, Nhà nước luôn quan tâm đến đối tượng những doanh nhân trẻ lập nghiệp, đội ngũ sinh viên khởi sự DN để kịp thời tạo động lực, đào tạo hướng nghiệp, giúp họ có tư duy phát triển kinh tế từ ngay trong các trường Đại học, Cao đẳng. Đặc biệt, là Chương trình Khởi nghiệp quốc gia được tổ chức bởi Báo Diễn đàn Doanh nghiệp trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã góp phần vào việc xây dựng phát triển đội ngũ doanh nhân trên cả nước.

Bên cạnh những chính sách vĩ mô, năm 2015, ghi nhận chặng đường Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã trải qua chặng đường dài 12 năm. Đây cũng là thời điểm quan trọng trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân VN trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH và hội nhập quốc tế.

Thực tế, doanh nhân là người ươm mầm rất cần thiết cho những ý tưởng kinh doanh. Những chương trình khởi nghiệp sẽ giúp cho các bạn sinh viên sau khi kết thúc chương trình học của mình tại các trường Đại học có cơ hội tìm được công việc tốt, thậm chí là đứng ra làm chủ DN, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác...

Tôi mong rằng, sau thông qua Chương trình Khởi nghiệp quốc gia phối hợp với trường đại học Thái Bình tổ chức lần này sẽ góp phần tăng cường sự giao lưu giữa các DN, gắn kết các hiệp hội DN với nhau, các tỉnh với nhau, các mô hình kinh tế thông qua những chương trình, sự kiên, thông qua các chương trình khởi sự DN. Từ đó sẽ tạo ra những mô hình, nhân rộng những mô hình kinh tế điển hình tiên tiến để nhiều DN, doanh nhân học tập đạt hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động đào tạo kỹ năng khởi nghiệp, đào tạo giảng viên nguồn, các chương trình giao lưu và các hoạt động xúc tiến đầu tư để thúc đẩy, và xây dựng phát triển đội ngũ doanh nhân trẻ, nuôi dưỡng các ý tưởng kinh doanh và đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung Thái Bình nói riêng. Đây chính là những động lực thúc đẩy tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đội ngũ DN, doanh nhân bền vững.

Kiên trì và định hướng thật chuẩn khi vào Đại học

Ông Đặng Văn Thái - Tổng GĐ Cty CP may xuất khẩu Việt Thái:
Để các em sinh viên ra trường có việc làm và khởi sự lập nghiệp được, tôi cho rằng, các trường đại học, cao đẳng nên đào tạo ngành nghề gì mà xã hội đang cần. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên phải chuyên nghiệp và có tính chuyên sâu trong ngành mình đào tạo. Thực tế như ở Thái Bình hiện nay lĩnh vực dệt, may, thiết kế thời trang “cầu” nhiều hơn “cung”. Ngược lại nhà trường lại đào tạo quá nhiều lĩnh vực ngành nghề “cung” nhiều hơn “cầu”. Vấn đề này trường đại học Thái Bình đang xúc tiến để lý thuyết đi liền với thực tế. Nếu nhà trường và DN có tiếng nói chung với nhau và có ký kết hợp tác thì sẽ đảm bảo đào tạo đúng chuyên ngành DN cần, và điều tất yếu 100% số sinh viên ra trường đều có việc làm, có thể tạo dựng sự nghiệp của mình. Đặc biệt, Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp cần phối hợp chặt chẽ hơn với các trường đại học nói chung, đại học Thái Bình nói riêng và các DN để kết nối đào tạo hỗ trợ nâng cao trình độ, kỹ năng, dự án cho sinh viên có điều kiện lập thân lập nghiệp.

Thực tế, yếu kém trong đào tạo bậc đại học ở Việt Nam là thiếu sự gắn với kết DN, đơn vị sử dụng lao động, dẫn đến nhiều sinh viên không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Khoảng cách kỹ năng vẫn còn tồn tại giữa nhà trường và nơi làm việc. Vì thế, việc thu hẹp khoảng cách và đáp ứng nhu cầu về kỹ năng trong tương lai thông qua thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa DN và giáo dục, cũng như sự tham gia của DN trong việc phát triển các chuẩn kỹ năng và chương trình đào tạo là hết sức quan trọng.

Để thực hiện các chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp thì các bên liên quan gồm: nhà trường, đơn vị sử dụng lao động, các tổ chức xã hội... phải có sự hợp tác trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tạo môi trường thực tập thuận lợi cho sinh viên. Tuy nhiên, hiện nay việc phối hợp giữa các bên liên quan chủ yếu dựa vào mối quen biết giữa nhà trường và DN chứ chưa tạo thành hệ thống, bài bản.

Để gắn kết được giữa nhà trường và DN, không chỉ cần sự cố gắng, quyết tâm của nhà trường mà cả của các DN, của các đơn vị sử dụng lao động. Trên thực tế, Luật Giáo dục đại học cũng đã đưa ra những khuyến khích, trách nhiệm của các DN trong việc tham gia vào quá trình đào tạo. Tuy nhiên, để triển khai trên thực tiễn, chúng ta cần có những mô hình cụ thể, có những kinh nghiệm thực tiễn. Chương trình Khởi nghiệp chính là cầu nối hữu hiệu để giúp cho việc tăng cường mối quan hệ này.

Nhận thức về đào tạo khởi nghiệp chưa đúng đắn

PGS - TS Nguyễn Mạnh Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển DN:
Việc đào tạo khởi nghiệp nói chung và trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng theo tôi còn có những hạn chế.

Thứ nhất, nhận thức về đào tạo khởi nghiệp ở các trường đại học là chưa đúng đắn. Không ít người quan niệm đó là các chương trình đào tạo “nghề”, để trao và nhận “chứng chỉ hành nghề”, chứ không phải là để gây dựng “cơ nghiệp” cho người học.

Thứ hai, tinh thần doanh nhân và động cơ khởi nghiệp chưa được gây dựng đủ mạnh và đúng đắn ở người học.

Thứ ba, kỹ năng để sống sót và cạnh tranh là rất yếu. Nội dung của hầu hết các chương trình đào tạo đều được xây dựng trên cơ sở bối cảnh DN đang hoạt động ổn định với hệ thống tổ chức đã được xác lập, phân chia rõ ràng thành các chức năng chuyên môn, mang tính chuyên nghiệp cao. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu về khởi nghiệp chỉ ra rằng chỉ có chưa đến 40% DN mới có thể sống sót qua cột mốc “5 năm”. Để trở thành một tổ chức ổn định, chuyên nghiệp phải mất hơn 10 năm, khi đó, chỉ còn khoảng 10 % DN sống sót.

Có thể chỉ ra 3 lý do dẫn đến những hạn chế. Trước hết là về nhận thức. Dạy học không phải chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn là hình thành nhận thức và rèn luyện kỹ năng. Đây lại là điều mà các trường đại học, cao đẳng không dễ đạt được ở các chương trình về khởi nghiệp. Hầu hết các thầy, cô không có kinh nghiệm thực tiễn về khởi nghiệp hay điều hành DN.

Điều nữa là nội dung kiến thức. Khởi sự một công việc kinh doanh mới và điều hành DN mới lập cần đến nhiều kỹ năng và tố chất khác với khi điều hành DN đang hoạt động, trong đó chủ DN mới mang tố chất “lãnh đạo” nhiều hơn là “quản lý”. Nhiều nghiên cứu hoa học quản lý chỉ rõ sự khác biệt cơ bản về tính cách giữa hai loại người này. Đào tạo khởi nghiệp là đào tạo “lãnh đạo” người có tham vọng thay đổi thế giới thay vì đào tạo “quản lý” người luôn cố gắng gìn giữ một thế giới tươi đẹp.

Lý do cuối cùng là cơ hội lập nghiệp. Rất nhiều người nghĩ rằng, cơ hội lập nghiệp nằm ở trong môi trường kinh doanh, người có động cơ lập nghiệp chỉ cần nhận ra, “chớp lấy” và khởi sự. Nhận thức như vậy là sai lầm, hành động theo cách đó sẽ đầy rủi ro. Theo tôi, cơ hội nằm trong chính cách tư duy sáng tạo của người khởi nghiệp. Cơ hội có nhiều ở những nơi khó khăn nhất chứ không phải thuận lợi nhất. Để ý tưởng này khả thi, cần có sự tham gia tích cực và chủ động của chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm từ các trường đại học vào việc lập đề án kinh doanh, lựa chọn cơ hội kinh doanh, môi trường thực thi, ứng dụng các đề án kinh doanh. Như vậy, khởi nghiệp không chỉ là công việc của cá nhân người khởi sự, mà còn là thành quả của sự hợp tác chặt chẽ với trường đại học và DN.



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.