Khi
quyết định đổi tên từ Huỳnh Phi Dũng sang Huỳnh Uy Dũng, ông Dũng mong
muốn cuộc đời mình bớt sóng gió, gian nan nhưng có lẽ cái "nạn kiếp" vẫn
còn đeo bám...
Vụ
việc đại gia Huỳnh Uy Dũng tố cáo ông Lê Thanh Cung – chủ tịch UBND
tỉnh Bình Dương, vẫn đang làm nóng dư luận, thu hút sự quan tâm của
nhiều người, đặc biệt là giới doanh nhân.
VTC
News điểm lại những cột mốc lớn ảnh hưởng nhiều đến vị đại gia Dũng "lò
vôi" - nằm trong nhóm những người giàu có nhất Việt Nam, theo ước tính
của giới truyền thông thông qua các ngân hàng, giá trị tài sản chốt lại
của ông Dũng có thể nằm ở con số 50.000 tỷ đồng.
Ý tưởng kinh doanh trong lần vận chuyển heo
Có
lẽ nói đến cái tên Dũng “lò vôi”, ông chủ Đại Nam hay Dũng Thanh Lễ thì
có người biết đến, còn cái tên Huỳnh Uy Dũng thì có lẽ ít người biết.
Xuất
hiện trong những lần tố cáo gần đây trên báo chí khiến cái tên Huỳnh Uy
Dũng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhiều hơn. Nhưng cái tên đó
cũng chưa phải là tên “cúng cơm” của vị đại gia mang tiếng “gàn dở”, có
những quyết định chẳng giống ai này.
Khi quyết định đổi tên từ
Huỳnh Phi Dũng sang Huỳnh Uy Dũng, ông Dũng mong muốn cuộc đời mình bớt
sóng gió, gian nan nhưng có lẽ cái "nạn kiếp" của ông vẫn còn đeo bám
mặc dù đã thay đổi chữ lót.
|
Ông Dũng và con trai Huỳnh Hằng Hữu, hình chụp ngày 04/11/2013.
|
Sinh
ngày 26/1/1961, nguyên quán tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình
Định. Chưa học hết lớp 12, ông nhập ngũ và tham gia Chiến tranh biên
giới Tây Nam, phục vụ công tác hậu cần ở Quân khu 5, rồi Quân khu 7, làm
nhiệm vụ tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường.
Một kỷ
niệm khiến ông Dũng nhớ nhất trong đời, đó là dịp ông được phân công chở
heo tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường. Khổ nỗi, sau hành trình dài
hàng trăm cây số, heo chở được tới nơi thì chết sạch. Trong lúc đó, ông
Dũng lại thấy muối ở mặt trận biên giới Tây Nam - Campuchia lại hiếm.
Sau
nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ, với câu hỏi quay trong đầu: “Tại sao
không chở muối lên bán, rồi mua heo cung cấp cho bộ đội ngay tại chỗ,
tránh được heo chết, thịt heo tươi ngon hơn, giúp bộ đội ăn uống có chất
dinh dưỡng, sức khỏe được đảm bảo phục vụ cho công tác, hoàn thành
nghĩa vụ quân sự?”
Những chuyến hàng sau, ông Dũng chở muối lên
bán mà không chở heo, bán muối xong, lấy tiền mua heo cho anh em chiến
sĩ dùng bữa.
Có thể nói, ý tưởng, máu kinh
doanh trong ông manh nha từ những ngày tháng đó, lúc còn trong quân
ngũ. Rồi sau đó, ông Dũng chuyển về công tác ở bộ phận hậu cần thuộc
Công an thị xã Thủ Dầu Một, mục đích chăm lo cán bộ chiến sĩ ở đây.
Chết danh Dũng "lò vôi"
Thời
điểm đó, thấy cuộc sống quá khổ, ông Dũng phát triển ý tưởng làm lò
vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp… Cái tên Dũng
“lò vôi” mà thiên hạ đặt ông bắt đầu từ khi đó.
Xí
nghiệp lò vôi do ông Dũng đầu tư làm ăn rất phát đạt, thu được số tiền
kha khá, phân chia lại cho toàn thể anh em trong đơn vị, mỗi người nhận
được mấy triệu đồng, vào lúc đó có thể nói là lớn, có thể mua nhà, đất
ở.
Sau ông bán “lò vôi” để về làm giám đốc
Công ty sơn mài Thành Lễ, vốn của một nhà tư sản, được tiếp quản sau
giải phóng, đang bị thua lỗ nặng, do lãnh đạo tỉnh Sông Bé lúc đó giao
cho. Công ty này sau đổi tên thành Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu
Thanh Lễ nổi tiếng cho đến bây giờ.
Nhớ lại,
khi tiếp nhận Công ty sơn mài Thành Lễ, ông Huỳnh Uy Dũng từng đưa ra
điều kiện, nếu làm ăn thua lỗ, ông sẽ bỏ tiền túi ra bồi thường, còn
ngược lại, phải trích cho ông 10% tiền lời thu được.
Ngoài ra,
mọi việc kinh doanh, bố trí nhân sự đều phải do ông tự sắp xếp. Ngay
trong năm đầu tiên đảm nhận cương vị giám đốc, ông Dũng đã đưa công ty
cán mốc lợi nhuận 28,8 tỷ đồng, vượt xa mong đợi của mọi người.
|
Một góc KCN Sóng Thần 3 đang hoạt động. Ảnh: Phan Cường
|
Để
có được giấy phép kinh doanh của tỉnh Bình Dương, ông Huỳnh Uy Dũng
từng làm một điều mà giới đầu tư cho là “khùng”, khi quyết định rót vốn
vào khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam, đó là khu công nghiệp Bình
Đường.
Sau Bình Đường, ông chủ Đại Nam tự đứng
ra đầu tư 2 khu công nghiệp khác là Sóng Thần 2 và Sóng Thần 3, cùng
với nhiều dự án khu dân cư khác.
Khu du lịch
Đại Nam Văn Hiến được ông Dũng “lò vôi” bắt tay vào xây dựng từ tháng
9/2007, với mục tiêu trở thành khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á với diện
tích 700ha.
Dự án này cũng khiến ông chủ Đại
Nam mang tiếng “hâm hâm”, với “ước mơ ngu xuẩn” khi rót 5.000 tỷ đồng và
huy động 2.000 nhân công xây dựng.
Trong lễ
khánh thành khu du lịch vào tháng 9/2008, ông chủ Đại Nam cũng lập “lời
thề không nợ nần ai”, với tuyên bố kể từ thời điểm này, công ty không
còn nợ nần ai, và không còn mượn ai một đồng nào.
Một
điều đáng nói, trong lúc xây đền tại Đại Nam, nhiều chim yến bay đến
làm tổ, sinh sôi nảy nở, góp phần mang lại nguồn kinh phí không nhỏ cho
vị đại gia này. Cái này được ông Dũng xem là lộc trời cho nên ông luôn
tâm niệm sẵn sàng làm hết mình, của cải vật chất ông kiếm được ông mang
làm từ thiện.
Ông Dũng cũng cho biết thêm,
trong năm 2013, Công ty Đại Nam sẽ chính thức trở thành Công ty đại
chúng, niêm yết cổ phần trên sàn giao dịch thị trường chứng khoán.
Đồng
thời, tại khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương, Công ty Đại Nam sẽ tách
50 ha khu đền thờ Đại Nam và xây thêm khu đền thờ hình chữ vạn (chữ
Hán), rộng 20.000m2.
Khu đền thờ Đại Nam sẽ đón khách du
lịch, khách hành hương ra vào tự do, miễn phí hoàn toàn... Bình quân
mỗi năm, khu du lịch Đại Nam đón khoảng 5 triệu khách.
Treo thưởng 100 tỷ đồng
Bên cạnh việc kinh doanh có lúc "đau đầu, nhức óc" ông Dũng cũng chịu không ít lần mất ăn, mất ngủ vì những chuyện đâu đâu.
Vụ
việc gây chấn động dư luận trước tin đồn về việc vợ ông Dũng, bà Nguyễn
Phương Hằng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam - đem tài sản của
ông đi thế chấp vay tiền bên ngoài, ông Dũng đã lên tiếng treo thưởng
100 tỷ đồng cho bất cứ ai chứng minh được điều này.
Ông
Huỳnh Uy Dũng đã từng bức xúc: “Gần đây, dư luận ở tỉnh Bình Dương và
một số nơi đồn thổi rằng vợ tôi đem tài sản của tôi đi thế chấp cho các
ngân hàng vay số tiền trên 2.000 tỷ đồng và lợi dụng uy tín của tôi để
huy động tiền bên ngoài với lãi suất đến 3,4%/tháng làm cho cuộc sống
của tôi rất điên đảo và gây ra bao nhiêu thị phi, tai tiếng cho tôi về
tư cách đạo đức, lối sống của vợ tôi.
Điều nực cười nhất là họ
còn cố chứng minh tôi là một kẻ bị tâm thần, có giấy chứng nhận của bác
sỹ để khi có sự cố thì tôi được miễn trách nhiệm hình sự...
"Tôi
tin rằng, bất kỳ người chồng nào cũng sẽ có những hành động khác nhau,
tùy hoàn cảnh mỗi người, để bảo vệ danh dự cho vợ mình khi bị hàm oan.
Việc
tôi treo thưởng 100 tỷ đồng chỉ nhằm mục đích bảo vệ danh dự cho vợ,
chứ không phải là khoe khoang, chơi trội hay thích nổi tiếng, vì tôi
không thuộc dạng người đó” - ông Dũng giải thích hành động của mình.
Được
biết vào ngày 18/1, trước sự quan tâm của nhiều tờ báo, ông Huỳnh Uy
Dũng đã chính thức ra văn bản xác nhận số dư tiền gửi tiết kiệm 100 tỷ
đồng do Ngân hàng Nam Á phát hành. Đây được xem như một cam kết cho việc
treo thưởng là chắc chắn và ông Dũng có đủ tiền để thực hiện cam kết
đó, chứ không phải là lời hứa suông.
Trước đó
vào tháng 7/2010, tại đền thờ Đại Nam, ông Huỳnh Uy Dũng từng tuyên bố
trước 2.000 cán bộ, CNV Công ty Đại Nam rằng, từ giờ trở đi, vợ chồng
ông Dũng không bao giờ vay mượn của ai một đồng xu nào.
Chính
vì vậy, việc có người tung tin ác ý chuyện vợ ông Dũng vay mượn trên
2.000 tỷ đồng, đó là sự xúc phạm. Việc ông Dũng tuyên bố sốc thưởng 100
tỷ đồng cho ai chứng minh được vụ việc nói trên nhằm bảo vệ danh dự cho
vợ mình.
"Không phải là tôi muốn chơi trội,
chơi ngông, hay thích nổi tiếng. Trái lại, đó là lời cam kết, thể hiện
sự nhất quán, lòng tự trọng, không muốn danh dự, uy tín của vợ chồng tôi
bị xúc phạm" - Ông Dũng chia sẻ.
Khởi kiện chủ tịch tỉnh, nghỉ kinh doanh đi viết sách
Thời
gian gần đây, dư luận lại tiếp tục “nóng” trước thông tin đại gia Huỳnh
Uy Dũng tố cáo chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về hành vi cố ý “ngâm” dự
án khu đất ở 61,5 ha nằm trong khu công nghiệp Sóng Thần 3 với tổng diện
tích 533 ha gây nhiều thiệt hại.
Ông Dũng cho
rằng, nguyên nhân chính là do cái “lệ” địa phương đè nặng lên cái
“luật” của Quốc hội, Nhà nước ban hành khiến ông không chịu đựng nổi nên
quyết định tố cáo đích danh ông Lê Thanh Cung – chủ tịch UBND tỉnh Bình
Dương.
Vụ việc, chưa kịp lắng xuống thì ông
Dũng tiếp tục tố cáo ông Cung về hành vi “vu khống”, “lợi dụng quyền tự
do ngôn luận, xúc phạm đến uy tín, danh dự công dân”, sau khi ông Cung
trả lời phỏng vấn trên Báo điện tử VTC News.
Trong
vụ việc kiện chủ tịch tỉnh Bình Dương của đại gia Dũng "lò vôi", có một
chi tiết khá thú vị. Đó là vào năm 2004, ông Dũng quyết định mua
533,84ha đất ở Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương để
"cứu nguy" uy tín của tỉnh lúc đó.
Ông Dũng bộc bạch: "Thật
lòng tôi không muốn mua nhưng vì cứu nguy cho tỉnh có tiền trả nợ cho Bộ
Tài chính hơn 1.000 tỷ đồng nên tôi phải mua. Vì lúc đó tôi đang xây
Khu Du lịch Đại Nam, nguồn lực tài chính rất căng, nên tôi đã đem toàn
bộ tài sản thế chấp ngân hàng. Vì "chữ tín" của tỉnh tôi đã làm hết
những gì có thể để cứu nguy lúc đó. Thế nhưng, cuộc đời mà..."
|
Khu
đất này UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, do ông Dũng "phân lô, bán nền"
nên không phê duyệt, khiến khu vực này bỏ hoang nhiều năm liền. Đồng
thời đây cũng là mấu chốt xảy ra vụ kiện cáo hy hữu, báo chí phản ánh
gần đây.
|
Chia sẻ với phóng viên
VTC News, ông Dũng cho biết, trước khi ông quyết định viết đơn tố cáo
ông Cung, ông đã phải thức suốt cả tuần lễ suy nghĩ, đắn đo và sau đó
mới đi đến quyết định. Ông khẳng định, bản thân ông và công ty do mình
quản lý đều không nợ nần bất kỳ ai một đồng nào, không vay mượn ngân
hàng.
Ông cũng đã dọn đường trước khi chấm dứt con đường làm
ăn, kinh doanh, đó là việc ông ủy quyền, trao, tặng, cho toàn bộ khối
tài sản khổng lồ cho con trai 1 tuổi Huỳnh Hằng Hữu khi đến tuổi trưởng
thành.
Còn vợ chồng ông chỉ đứng sau lưng làm
quân sư. Mọi việc đều có Hội đồng giám sát, trong đó có cả luật sư. Ông
cho rằng, khi nào con trai ông đến tuổi trưởng thành thì mọi việc đều do
con quyết định.
Công việc hiện tại của ông
Dũng hoạt động công tác xã hội, từ thiện, đặc biệt là viết sách, chủ yếu
là Kinh, Phật và sách lịch sử nói về các anh hùng, vị tướng, lãnh đạo
của Việt Nam như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Riêng
cuốn “Đại Nam văn hiến sử thi”, với 12.344 câu, thể song thất lục bát
nói về toàn bộ quá trình hình thành dựng nước, giữ nước từ giai đoạn Vua
Hùng dựng nước đến giai đoạn năm 1945.
Đặc
biệt, sách ông chỉ viết tay chứ không đánh máy tính và điều nữa, ông
không sử dụng internet để tra cứu tư liệu mà chỉ do ông tập trung "năng
lượng" tự viết ra trong trí nhớ.
“Đây có lẽ là nhân duyên, thuận
duyên Trời, Phật cho tôi viết, chứ sức khỏe người bình thường có thể
không viết nổi đâu. Tất cả thành công của tôi, tôi không chiếm hữu mà
tôi luôn muốn được chia sẻ, kể cả vật chất, lẫn tâm linh” – ông Dũng bộc
bạch.
(Theo VTC)