Mang tiếng "liều ăn nhiều" bởi thu tiền tỷ từ trang trại trên đồng trũng

Hiện nay, ai cũng khâm phục anh Thụ khi gia đình anh thu được tiền tỷ từ trang trại chăn nuôi lợn, cá...

Câu nói “liều thì ăn nhiều” có lẽ đúng với trường hợp của anh Nguyễn Đức Thụ. Trong khi người ta thích “bờ xôi ruộng mật” để làm ruộng thì anh lại gom đất ngập úng đồng trũng để làm trang trại thả cá, nuôi lợn. Thời điểm đó, hàng xóm láng giềng nghĩ anh là một "kẻ liều lĩnh". Nhưng hiện nay, ai cũng khâm phục anh Thụ khi gia đình anh thu được tiền tỷ từ trang trại chăn nuôi lợn, cá...


Anh Nguyễn Đức Thụ được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc của tỉnh Phú Thọ và anh sẽ được tham dự Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức vào trung tuần tháng 10 tới đây.

Quyết định liều lĩnh

mang tieng "lieu an nhieu" boi thu tien ty tu trang trai tren dong trung hinh anh 1

Từ 2 bàn tay trắng, anh Nguyễn Đức Thụ đã dần xây dựng nên trang trại chăn nuôi lợn, thả cá, trồng cây cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.   Ảnh: ĐT

Tìm nhà anh Thụ ở xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) không khó. Đến địa phận của xã, hỏi người dân, họ cho hay cứ đến khu 3 thấy nhà nào to nhất, đấy chính là nhà ông Nguyễn Đức Thụ.

Quả đúng như vậy, ngôi nhà 3 tầng lừng lững bên cạnh con đường lớn chạy qua khu 3 chính là nhà của anh Thụ. Đó là thành quả sau bao năm lăn lộn với lợn, gà, cá của anh.

Anh Thụ kể, anh thực sự tâm huyết với nghề nông từ năm 2006, sau hơn 10 năm trải qua nhiều nghề để mưu sinh kiếm sống. Thời điểm lao vào làm nông, anh đang gánh trên vai trách nhiệm vừa là trụ cột gia đình nhỏ gồm vợ, con của mình, vừa là trụ cột của gia đình lớn với việc chu cấp tiền cho 2 em ăn học.

Năm 2006, khi nhà nước triển khai chính sách dồn điền, đổi thửa, ở Đoan Hạ người dân ai cũng mong muốn có “bờ xôi ruộng mật” để canh tác, không ai muốn nhận đất ruộng lầy, đồng trũng, cấy vụ chiêm thì khô, làm vụ mùa thì nước. Nhận thấy đây là cơ hội thuận lợi để tích tụ “đất xấu”, anh Thụ đã chủ động đề xuất xã giao đất kém hiệu quả, chiêm trũng để anh cải tạo làm đầm nuôi cá. Thời bấy giờ nhiều người cho rằng đó là quyết định liều lĩnh, mọi người thì muốn có nhiều đất màu mỡ làm ruộng, còn anh xin “đất xấu”.

Sau 1 năm đào ao nuôi cá, thấy bà con nông dân tỉnh khác triển khai mô hình nuôi lợn gia công cho Công ty cổ phần C.P rất hiệu quả nên anh đã thành lập công ty, triển khai dự án đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp thả cá, nuôi lợn, diện tích 6,5 ha, trong đó diện tích mặt nước 5ha.

mang tieng "lieu an nhieu" boi thu tien ty tu trang trai tren dong trung hinh anh 2

Căn nhà 3 tầng mới xây là thành quả của gia đình anh Thụ sau bao năm lăn lộn với nghề nông. Ảnh: Đ.T 

Anh Thụ kể: “Đây là quyết định táo bạo và liều lĩnh nhất của tôi. Vào thời điểm đó, tổng số vốn đầu tư cho trang trại là 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, lúc đó tôi chỉ vay mượn được có 60 triệu đồng. Gia đình thì cũng đang rất khó khăn. Nhiều người nghi ngờ và tỏ ra lo lắng nếu tôi thực hiện ý tưởng này...".

Theo anh Thụ, thời điểm bấy giờ cán bộ xã, huyện cũng chưa tin vào dự án của anh, nên anh đã phải đưa họ đi đến các mô hình làm trang trại hiệu quả ở các tỉnh khác để mắt thấy tai nghe, lúc đó lãnh đạo mới đồng ý. Gia đình anh em họ hàng cũng dần thấy kế hoạch của anh khả thi nên đã cho mượn sổ đỏ để vay vốn ngân hàng. Trong tổng số vốn đầu tư 4 tỷ đồng, anh Thụ đã sử dụng vốn vay ngân hàng hơn 3 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động gia đình.

Anh Thụ thấy may mắn vì được anh họ hàng tin tưởng và hỗ trợ. Anh chia sẻ: “Ngày ấy, khi tôi triển khai dự án nuôi cá, nuôi lợn, nhiều người bàn ra tán vào. Họ cho rằng, ông nào nuôi lợn cũng là...để rửa tiền. Tôi mặc kệ tất cả, cứ thế thuê máy san lấp đất để xây chuồng trại. Thời điểm đó, ở huyện Thanh Thủy, tôi là người đầu tiên triển khai mô hình nuôi lợn quy mô công nghiệp”. 

Năm 2007, anh Thụ làm dự án trang trại với quy mô 1.500 con lợn. Tuy nhiên, ban đầu chỉ xây dựng 1 khu chuồng với 600 con, từ giống, thức ăn, thuốc thú y, bao tiêu tiêu sản phẩm đều được Công ty C.P lo trọn gói. Gia đình anh Thụ được tiền nuôi gia công, thời điểm đó công ty trả công 3.000 đồng/kg lợn hơi. Đến đầu năm 2008, sau 6 tháng nuôi, anh Thụ bắt đầu xuất chuồng lứa đầu tiên, mỗi con cân năng 1,1 tạ. Lứa đầu tiên nuôi thành công, anh Thụ thu về 160 triệu đồng. Với số tiền đó, anh Thụ tiếp tục xây thêm chuồng trại.

Từ năm 2009 đến năm 2012, gia đình anh Thụ tiếp tục xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng quy mô đàn lợn lên 2.200-2.300 con. Năm 2013, tổng thu từ nuôi lợn và nuôi cá của gia đình anh Thụ lên tới 2 tỷ đồng.

Đa dạng thêm sản phẩm

Năm 2013, nghề nuôi cá lồng bè bắt đầu đầu phát triển ở Thanh Thủy, anh Thụ đã đi Hải Dương để học hỏi mô hình này nhằm làm thêm nghề nuôi cá lồng bè. Đến cuối năm 2014, gia đình anh bắt đầu triển khai nuôi 4 lồng tại xã Đoan Hạ, mỗi lồng nuôi sản lượng 4 tấn cá. Anh Thụ chia sẻ: “Tôi là người nuôi cá lồng đầu tiên ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Việc nuôi cá lồng mấy năm đầu cho thu nhập tốt vì ít người nuôi và giá cao, lợi nhuận thu về được khoảng 40-50%”.

Năm 2017, anh Thụ mở thêm dịch vụ nông nghiệp. “Từ nhận thức nghề trồng lúa không thể bỏ được, nhân công ngày càng ít và nông dân sử dụng máy móc sản xuất là nhiều, tôi đã đầu tư máy cấy để phục vụ nhu cầu của bà con. Tôi muốn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hỗ trợ bà con trong sản xuất để nâng cao năng suất, gia tăng giá trị ruộng đồng. Tôi đã đi tham khảo nhiều mô hình ở các tỉnh khác sau đó quyết định làm ở quê nhà. Hiện nay, tôi mới mua một máy làm thí điểm, nếu nhu cầu nhiều tôi sẽ tiếp tục mua thêm máy để phục vụ bà con” – anh Thụ cho biết.

Không dừng lại ở đó, anh Thụ đang có những tham vọng lớn, muốn dấn thân sâu hơn vào nghiệp nhà nông. Anh tâm sự: “Tham vọng của tôi rất lớn. Tôi muốn mở rộng dịch vụ nông nghiệp, phát triển sản xuất rau sạch để cung cấp cho các thành phố lớn. Quy trình sản xuất rau sạch đòi hỏi phải làm theo mô hình nhà lưới, nhà kính, nếu quy mô cung cấp rau sạch 1 ngày khoảng 5-10 tấn cần diện tích đất lớn, cần nguồn vốn lớn. Làm nông nghiệp dù nhiều rủi ro, nhưng nếu đi đúng hướng thì rất an toàn...".

Anh Thụ cho biết, hiện nay, công ty anh Thụ đã sản xuất được phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi lợn. Diện tích đất đai ở đây còn nhiều, nên anh có ý tưởng trồng rau sạch. Anh đang lên kế hoạch để hiện thực hóa ý tưởng này, và sẽ triển khai vào năm 2018. "Tôi đã dày công nghiên cứu về sản xuất rau sạch và nhận thấy đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng để phát triển nên sẽ đẩy mạnh trồng rau trong thời gian tới...”, anh Thụ thổ lộ.

Cũng theo anh Thụ, hiện nay, các chính sách phát triển hỗ trợ nông nghiệp đã có, tuy nhiên khó khăn nhất là vốn. Anh mong muốn nhà nước có các chính sách ưu tiên để nông dân, chủ trang trại có thể tiếp cận dễ dàng nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Nếu thuận lợi trong vay vốn, anh sẽ đẩy nhanh kế hoạch mở trang trại trồng rau sạch.

Theo Dân Việt


làm giàu

bà con nông dân


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.