Trồng thứ mít lạ không hạt trên đồi hoang, ai ngờ kiếm bộn tiền

Trên nền đất đồi bạc màu, cằn cỗi tưởng chừng bỏ đi, anh Nguyễn Văn Út ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đã tìm cho mình hướng đi riêng bằng loại cây trồng mới.

Trên nền đất đồi bạc màu, cằn cỗi tưởng chừng bỏ đi, anh Nguyễn Văn Út ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đã tìm cho mình hướng đi riêng bằng loại cây trồng mới chưa từng có ở địa phương, đó là mít không hạt và đã mang lại hiệu quả.

Mít không hạt xuất hiện ở nước ta từ nhiều năm nay, tuy nhiên trên địa bàn huyện Sông Hinh và các địa phương lân cận vẫn chưa có nhiều hộ trồng. Với diện tích khoảng 3ha đất đồi cằn cỗi, anh Nguyễn Văn Út đã thử trồng nhiều loại cây nhưng không mang lại hiệu quả.

Trồng thứ mít lạ không hạt trên đồi hoang, ai ngờ kiếm bộn tiền-1

Mô hình trồng mít không hạt của anh Nguyễn Văn Út ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh). Ảnh: VĂN THÙY.

Cách đây 5 năm, bằng quyết tâm của mình, anh Út đã lặn lội vào Cần Thơ (nơi sản xuất ra giống mít không hạt) để tìm hiểu và mua giống. Không có nhiều tiền, anh Út đặt mua 180 cây mang về, vừa trồng vừa rút kinh nghiệm. Đến nay, tại vườn của anh đã có khoảng 160 cây ra trái và cho thu hoạch vụ thứ hai.

Riêng vụ năm nay, anh Út thu được hơn 560 trái, trung bình mỗi trái nặng 8kg, giá bán bình quân khoảng 50.000 đồng/kg.

Theo anh Út, mít không hạt không tốn nhiều công chăm sóc, chưa xuất hiện sâu bệnh hại, không cần quá nhiều nước tưới. Thực tế từ khi trồng đến nay, anh Út chỉ tưới giai đoạn đầu xuống giống và lúc ra trái non nếu đúng thời điểm nắng hạn.Anh Nguyễn Văn Út cho biết: “Mít không hạt của vườn nhà tôi trồng có hương vị thơm ngon, the ngọt, không nhựa, đặc ruột, ăn được cả xơ lẫn múi. Mít không hạt rất sai trái, ăn rất ngon, tuy nhiên loài mít này có nhược điểm là trái không đẹp, thường mắc eo. Khi mít chín đến đâu thì có người đặt mua đến đó; riêng vụ năm nay, gia đình tôi thu được trên 220 triệu đồng”.

Nói về kinh nghiệm trồng mít, anh Út khuyến cáo không nên khoan lỗ mà nên đào hố sâu khoảng 70cm sau đó trộn phân chuồng và phân lân cho xuống hố để tạo độ xốp. Khoảng cách trồng cũng không nên quá thưa gây lãng phí đất, tốt nhất là hàng cách hàng và cây cách cây 5m nhằm hạn chế chiều cao của cây khoảng 4-4,5m để dễ dàng cho việc chăm sóc, thu hoạch…

Ông Võ Tấn Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ly, cho hay: “Những năm gần đây, nông dân xã Ea Ly đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái như bơ, sầu riêng, cam, quýt, xoài, bưởi… mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Riêng cây mít không hạt, đến nay ở xã Ea Ly mới chỉ có hộ anh Nguyễn Văn Út trồng...".

Theo ông Bảy, qua 2 vụ, cây mít không hạt đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và có nhiều ưu điểm như khả năng chịu hạn tốt, ít sâu bệnh và đặc biệt là không kén đất như các cây ăn quả khác. Điều này đã chứng minh thực tế tại hộ anh Út, với nền đất pha cát hoang hóa mà mít vẫn sai trái.

Với đặc tính lá dày, khả năng chịu hạn tốt, thích nghi với đất đồi dốc, bạc màu nên cây mít không hạt hơn hẳn một số loại cây trồng khác.

Đến thăm vườn mít của anh Út, ông Phạm Xuân Lai, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh rất tâm đắc: Mít không hạt đã mở ra một triển vọng mới cho việc phát triển kinh tế nông hộ, đa dạng hóa cây trồng trên đất bạc màu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sông Hinh là địa phương có nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn, đây là một trong những mô hình tốt để Hội Nông dân huyện nhân rộng trong thời gian sắp tới.

 

Theo Báo Phú Yên


trồng mít không hạt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.