8 câu hỏi thường gặp của sản phụ khi tiêm vaccine ngừa COVID-19

Hiện nay, vẫn còn không ít phụ nữ đang nuôi con bú lo lắng về việc tiêm vacccine ngừa COVID-19. BSCKI. Đoàn Ngọc Minh – Phó khoa Sản Bệnh viện Hồng Ngọc sẽ giải đáp tất cả thắc mắc của các mẹ trong bài viết dưới đây.

8 câu hỏi thường gặp của sản phụ khi tiêm vaccine ngừa COVID-19-1
BSCKI. Đoàn Ngọc Minh – Phó khoa Sản Bệnh viện Hồng Ngọc

1. Bị sốt sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, mẹ có được uống thuốc hạ sốt không? Nếu có thì uống loại nào?

Hiện tại, Bộ Y tế đã có quy định các mẹ cho con bú được sử dụng các loại thuốc hạ sốt có chứa thành phần Paracetamol.

Lưu ý: Các mẹ chỉ uống thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ. Nếu uống Efferalgan, chỉ uống 1 viên/lần, cách nhau 4 giờ đến 6 giờ uống 1 viên cho đến khi hết sốt. Mẹ tuyệt đối không dùng quá liều vì có thể gây hại gan. Bên cạnh việc dùng thuốc hạ sốt, các mẹ nên uống nhiều nước, bù điện giải, cởi bớt quần áo, chườm mát…

Nếu mẹ sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt, cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

2. Nhiều mẹ truyền tai nhau kinh nghiệm dân gian: trước và sau khi tiêm vaccine COVID – 19, uống nước tía tô sẽ giúp hạ sốt và giảm các tác dụng phụ? Cách làm này có đúng không thưa bác sĩ?

Việc uống nước tía tô trước khi tiêm vaccine COVID-19 không có tác dụng gì đối với việc giảm sốt hay các tác dụng phụ. Công dụng của tía tô về việc phòng ngừa tác dụng phụ của vaccine ngừa COVID-19 chưa được cơ quan chuyên môn kiểm chứng.

Việc sử dụng lá tía tô có thể gây tác dụng ngược lại như khiến người uống bị đau bụng do lá nhiễm vi khuẩn không được rửa sạch. Do đó, các mẹ không nên áp dụng cách này.

3. Các tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 là gì thưa bác sĩ?

Một số tác dụng không mong muốn sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 bao gồm:

- Đau tại vị trí tiêm kèm mẩn đỏ, sưng tấy

- Sưng hạch bạch huyết

- Chóng mặt

- Đau đầu

- Mệt mỏi

- Sốt, ớn lạnh

- Buồn nôn

- Đau cơ

Những tác dụng phụ trên là dấu hiệu bình thường cho thấy hệ miễn dịch của cơ thể đang phản ứng với vaccine để chống lại virus và sẽ tự biến mất trong vài ngày.

Tác dụng phụ nguy hiểm nhất là sốc phản vệ, tuy hiếm gặp nhưng các mẹ cũng cần lưu ý. Dấu hiệu sốc phản vệ gồm nổi mề đay, sưng tấy, khó thở, chóng mặt, ngất xỉu. Khi gặp các phản ứng phản vệ, mẹ cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc bệnh viện gần nhất để được xử trí kịp thời.

4. Mẹ có cần ngưng cho con bú hoặc vắt bỏ sữa sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay không, thưa bác sĩ?

Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ đã được tiêm vaccine phòng COVID – 19 được khuyến khích tiếp tục cho con bú.

8 câu hỏi thường gặp của sản phụ khi tiêm vaccine ngừa COVID-19-2
Các mẹ được khuyến khích tiếp tục cho con bú sau khi tiêm ngừa vaccine COVID-19 (ảnh nguồn Internet)

Các vaccine COVID-19 đang sử dụng hiện nay được đánh giá là khá an toàn với mẹ cho con bú, không sử dụng virus sống nên không lây được cho mẹ.

Ví dụ, vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna sử dụng công nghệ mRNA để sản xuất vacccine, mRNA có cấu trúc không bền, dễ bị phân hủy nên không xâm nhập vào nhân tế bào của người được tiêm chủng. Vaccine được sản xuất từ Adenovirus như AstraZeneca cũng khá an toàn vì đã được biến đổi gene để không thể sinh sản trong cơ thể người.

Do đó, các mẹ không cần ngưng cho con bú hay vắt bỏ sữa mẹ sau khi tiêm ngừa vaccine COVID-19.

5. Phụ nữ cho con bú đã từng mắc COVID-19 thì có cần tiêm vaccine ngừa COVID-19 nữa hay không thưa bác sĩ?

Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID – 19 – Quyết định 3802/QĐ-BYT ngày 10/08/2021, theo đó "Người có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID – 19 trong vòng 6 tháng qua" là 1 trong 3 nhóm đối tượng cần trì hoãn tiêm vắc xin COVID-19.

Vì vậy, nếu phụ nữ cho con bú đã từng mắc COVID-19 thì cần trì hoãn việc tiêm vaccine ngừa COVID – 19.

6. Phụ nữ cho con bú tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 thì có nguy cơ mắc COVID-19 không?

Theo các báo cáo khoa học, những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine COVID – 19 vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 và lây cho người khác.

Vậy nên phụ nữ đang cho con bú đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID - 19 không nên chủ quan, vẫn cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch được Bộ Y tế khuyến cáo.

7. Thưa bác sĩ, người mẹ sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 bị sốt có thể cho con bú được không?

Phản ứng sốt sau khi tiêm vaccine COVID-19 thường kéo dài vài ngày sau tiêm và đây là phản ứng phụ thông thường. Nếu mẹ sốt 38.5 độ C trở lên có thể sử dụng thuốc hạ sốt và vẫn có thể cho con bú bình thường.

8 câu hỏi thường gặp của sản phụ khi tiêm vaccine ngừa COVID-19-3
Mẹ bị sốt sau tiêm vẫn có thể cho con bú bình thường (ảnh nguồn Internet)

Trường hợp người mẹ bị mệt sau tiêm, không thể cho con bú trực tiếp thì có thể vắt sữa cho trẻ bú bình. Tuy nhiên, mẹ cần vệ sinh tay sạch sẽ cũng như máy vắt sữa, bình đựng để phòng tránh nhiễm khuẩn nguồn sữa.

8. Tiêm vaccine ngừa COVID-19 có ảnh hưởng đến chất lượng, dinh dưỡng và kháng thể của sữa mẹ không?

Về mặt sinh học và lâm sàng, vaccine COVID – 19 không có khả năng ảnh hưởng tới chất lượng, dinh dưỡng và kháng thể của sữa mẹ; không làm nguy hại tới quá trình tiết sữa của mẹ hoặc trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ.

Các nghiên cứu gần đây còn tìm thấy kháng thể chống virus có trong sữa ở những bà mẹ đã tiêm vaccine COVID – 19. Vậy nên, các mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn có thể yên tâm khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ.

Theo Trí Thức Trẻ

Xem link gốc Ẩn link gốc http://ttvn.toquoc.vn/8-cau-hoi-thuong-gap-cua-san-phu-khi-tiem-vaccine-ngua-covid-19-2220211310153412320.htm

Covid-19


Bạn trai kém 4 tuổi ham mê cờ bạc nhưng tôi không thể chia tay
Bạn trai tôi thường xuyên "đốt tiền" vào những trò cá cược đỏ đen trên mạng, không ít lần tôi phải đi trả nợ thay cho anh ta. Dù tôi đã nhiều lần chia tay nhưng bạn trai liên tục níu kéo, thậm chí dọa dẫm khiến tôi không thể dứt khoát.
Phụ nữ cần chứng minh những gì khi chia tài sản lúc ly hôn?
Trong 14 năm hôn nhân với ông N.V, bà M. luôn vun vén, chu toàn quán xuyến mọi công việc gia đình để chồng an tâm lập nghiệp, ủng hộ sự nghiệp của chồng và đóng góp đáng kể vào tài sản chung. Thế nhưng, khi ra tòa ly hôn bà M. lại chỉ được chia 42% tài sản chung.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.