9 tuyệt chiêu giúp trẻ tập nói sớm, bố mẹ muốn con nhanh biết líu lo thì đừng bỏ lỡ

Khi đứa trẻ chập chững biết đi và bi bô nói những câu đầu tiên luôn là khoảnh khắc tuyệt vời nhất, hạnh phúc nhất đối với các bậc cha mẹ.

Thực tế, một số bé biết nói rất nhanh, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều trẻ lại chậm nói khiến bố mẹ sốt ruột, lo lắng. Vì vậy để trẻ có thể tập nói một cách tự nhiên và hiệu quả, việc bố mẹ sử dụng các biện pháp tác động giúp bé phát triển ngôn ngữ cũng như phản xạ nói, biết nói sớm hơn là rất cần thiết. 

9 tuyệt chiêu giúp trẻ tập nói sớm, bố mẹ muốn con nhanh biết líu lo thì đừng bỏ lỡ-1

Bài viết dưới đây sẽ “điểm danh” những phương pháp hữu ích như vậy trong quá trình nuôi dạy con nhằm giúp trẻ nhanh biết nói hơn, Tintuconline mời độc giả cùng tham khảo:

1. Liên tục chuyện trò cùng con

Đây là biện pháp đơn giản và rất hiệu quả nhưng không phải bố mẹ nào cũng làm được, nhất là khi cuộc sống bận rộn có quá nhiều điều phải suy tính. Bố mẹ muốn con biết nói sớm hãy cố gắng nói chuyện với con càng nhiều càng tốt, kể từ khi bé còn rất nhỏ chứ không phải lớn hơn mới nói.

Trước khi tắm cho trẻ, thay tã, cho bé bú hay thực hiện bất kỳ việc gì, mẹ cũng nên bắt đầu bằng việc nói chuyện với trẻ. Ở giai đoạn 0-1 tuổi, dù trẻ mới chỉ bập bẹ những tiếng ê a, nhưng bố mẹ vẫn nên trò chuyện thường xuyên và liên tục với trẻ. Giao tiếp với trẻ ở tuổi này đôi khi giống như độc thoại vì bé chưa nói được, vốn từ vựng chưa phát triển, do vậy việc phản ứng với các câu hỏi của bố mẹ cũng chậm hơn. Tuy nhiên, khi có nhiều cơ hội được lắng nghe bố mẹ trò chuyện, trẻ sẽ biết nói nhanh hơn và dễ hoạt ngôn hơn.

2. Gọi tên bé và giao tiếp bằng mắt

Bố mẹ nên tạo thói quen gọi tên bé trước khi bắt đầu trò chuyện để gây sự chú của bé. Ban đầu có thể bé chưa hiểu gì nhưng khi lặp lại nhiều lần và thường xuyên, đây sẽ âm thanh quen thuộc khiến bé ghi nhớ, mỗi lần nghe thấy nó, bé sẽ hiểu rằng bạn đang nói chuyện với bé.

Ngoài ra, mẹ cũng nên lưu ý giao tiếp với trẻ bằng ánh mắt. Tránh tình trạng nói chuyện với bé nhưng lại nhìn sang chỗ khác, hoặc tệ hơn nữa là làm một việc khác. Bằng cách gọi tên và giao tiếp bằng mắt, bé sẽ dễ dàng đoán được ý câu nói của mẹ hơn.

9 tuyệt chiêu giúp trẻ tập nói sớm, bố mẹ muốn con nhanh biết líu lo thì đừng bỏ lỡ-2

3. Đọc sách và kể chuyện cho trẻ 

Đọc sách và kể chuyện cho con nghe đã có thể thực hiện ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ nên sau khi trào đời, việc này cũng có rất hiệu quả giúp bé phát triển lành mạnh đồng thời còn gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái.

Đặc biệt, việc bố mẹ đọc sách và kể chuyện cho trẻ nghe mỗi ngày đem lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển ngôn ngữ, khả năng đọc viết của trẻ. Đây không chỉ là cách dạy trẻ nhanh biết nói hiệu quả, mà còn giúp thúc đẩy trí tưởng tượng và phát triển trí não của trẻ, giúp trẻ thông minh lanh lợi, hoạt bát hơn.

4. Sao chép âm thanh của bé

Khoảng 3-4 tháng tuổi, những âm thanh “oohs”, “ahhs” sẽ dần biến thành những tiếng bập bẹ. Đây là thời điểm mà bé làm quen với các từ như “babababa”, “dadadada”. 

Lúc này, phụ huynh có thể thử dạy trẻ học nói bằng cách bắt chước lại những âm thanh mà bé phát ra. Điều đó không chỉ khuyến khích trẻ làm nhiều hơn mà còn bắt đầu dạy trẻ nói chuyện. Chờ cho đến khi bé nói xong, bạn hãy nói lại những tiếng tương tự mà trẻ vừa nói.

5. Nói đi đôi với hành động

Nhiều bố mẹ thường dạy con tập nói theo cách truyền thống, là bố mẹ nói trước và yêu cầu con nhắc lại theo mình. Đây cũng là một cách hữu ích nhưng bố mẹ có thể thay đổi bằng cách nói đi đôi với hành động và cho hiệu quả không kém. 

Chẳng hạn, khi đi giày cho bé bạn có thể nói: “Nào, mẹ mang giày cho con nào” hoặc “Mang giày đẹp đi chơi nào”... và cùng lúc đó hãy thực hiện đi giày vào chân trẻ. Một khi hành động này lặp lại nhiều lần, câu nói đó sẽ đi vào tiềm thức của bé, đến khi bé muốn được đi giày, bé sẽ dùng ngay câu nói tương tự lúc bạn đi giày cho bé. Bằng cách này, bé có thể hiểu và nói được cả câu dài thay vì chỉ tập nói 1 vài từ đơn giản theo cách truyền thống.

6. Chỉ vào đồ vật quen thuộc và đọc tên

Đây là cách giúp bé học từ mới và nhớ lâu hơn. Thời gian rảnh cùng chơi với bé bố mẹ nên dừng lại và chỉ vào các đồ vật quen thuộc trong nhà, đọc tên các đồ vật đó lên, đồng thời có thể nhờ bé mang đồ vật đến cho mình để bé có cơ hội tiếp xúc và nhớ lâu.

Hoặc mỗi khi thấy đồ vật nào, bố mẹ nên đọc tên đồ vật đó cho trẻ nghe vài lần, sau đó hỏi lại con: “Đó là cái gì?” rồi tự trả lời. Nhiều lần lặp lại như vậy, trí nhớ của trẻ sẽ phải vận động để ghi nhớ những gì mình vừa được học. Đến một thời điểm thích hợp, khi bạn hỏi, trẻ sẽ có phản xạ trả lời ngay khiến bạn phải ngạc nhiên. 

9 tuyệt chiêu giúp trẻ tập nói sớm, bố mẹ muốn con nhanh biết líu lo thì đừng bỏ lỡ-3

7. Tạo cơ hội giao tiếp giữa trẻ và bạn cùng trang lứa

Trẻ con luôn có những ngôn ngữ của riêng chúng, mà chúng ta đôi khi chẳng hiểu được. Cho nên để trẻ đồng trang lứa tự nói chuyện với nhau cũng là cách rất hay giúp trẻ phát triển ngôn ngữ tự nhiên nhất.

Ví dụ, khi bạn A nói được, sẽ nói với bé, bé nghe theo và bắt chước. Cứ thế, chẳng mấy chốc khả năng nói của con yêu sẽ cải thiện đáng kể. Tốt hơn hết ba mẹ chỉ nên can thiệp khi trẻ gây gổ với nhau và có những hành động không phù hợp mà thôi.

8. Thường xuyên chơi trò chơi cùng trẻ 

Bố mẹ nên cố gắng dành thật nhiều thời gian để vui chơi cùng trẻ. Trong quá trình chơi, hãy giao tiếp và trò chuyện thật nhiều. Bố mẹ cũng có thể “nhờ” thêm một vài bé hàng xóm tới chơi cùng con. Khi chơi theo nhóm, trẻ sẽ tự tin hơn, giao tiếp và tương tác nhiều hơn. 

Ngoài ra, thông qua chơi đùa, bé cũng dễ dàng học hỏi thêm nhiều từ mới, cũng như những ngữ cảnh hoàn toàn khác cuộc sống thường nhật. Chẳng hạn bạn có thể cùng bé chơi trò nói chuyện với bạn gấu. Khi đó, mẹ có thể bày tỏ sự thích thú của mình đối với chú gấu nhỏ của bé, và nói chuyện với bé về bạn gấu. Hoặc mẹ có thể hòa mình vào trò chơi của bé, cùng bé đóng vai một nhân vật nào đó, hỏi bé về trò chơi. Giống như bạn, bé cũng sẽ thích thú nói chuyện với người cùng sở thích với mình. Trẻ học nói sớm giúp trẻ vui vẻ hòa đồng và thông minh hơn.

9 tuyệt chiêu giúp trẻ tập nói sớm, bố mẹ muốn con nhanh biết líu lo thì đừng bỏ lỡ-4

9. Bổ sung và sửa chữa vốn từ cho bé

Khi được một tuổi, bé đã có thể nắm vững được một vài từ. Đây là thời điểm thúc đẩy bé nói ra những từ đầu tiên. Nếu bé nói sai điều gì, bạn hãy sửa lại cho bé.

Bạn có thể giúp bé xây dựng vốn từ bằng cách đưa ra nhiều sự lựa chọn cho bé và khuyến khích bé sử dụng nhiều từ hơn. Ví dụ: “Con thích quả táo và quả chuối không?”, “Trong các loại quả dưa, quả mận, quả lê, quả xoài, con thích quả nào?”…

Theo V.K - Vietnamnet
 


Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.