Bé nổi loạn và rất thích đánh người, bố mẹ chỉ cần áp dụng 3 nguyên tắc này để thay đổi

Nếu bạn đứng từ vị trí của trẻ để hiểu tại sao trẻ lại nổi loạn, sau đó bình tĩnh hướng dẫn trẻ một cách nhẹ nhàng, chắc chắn bạn sẽ nhận được kết quả tốt đẹp hơn.

“Bé nhà mình năm nay 3 tuổi, khoảng vài tháng trở lại đây tự dưng bé rất nóng nảy và thích đánh người, đôi khi không vừa ý điều gì là con cáu bẳn và đánh luôn cả bố mẹ hoặc những người xung quanh đang chơi cùng…” – đây là tâm sự đầy đau khổ của một bà mẹ có con bỗng dưng nổi loạn và thường có hành động bạo lực. Điều đáng nói là tình trạng này không phải cá biệt mà hiện rất nhiều ông bố bà mẹ cũng đang có con với hành vi tương tự.

Bé nổi loạn và rất thích đánh người, bố mẹ chỉ cần áp dụng 3 nguyên tắc này để thay đổi-1

Chuyện gì đang xảy ra với việc bé nổi loạn và thích đánh người?

Theo các chuyên gia về lĩnh vực nuôi dạy con, trên thực tế cứ vào khoảng 2 tuổi trở ra là giai đoạn nổi loạn đầu tiên của bé. Khi bé nói "không", bố mẹ đừng cảm thấy bị tổn thương hay thất vọng, vì lúc này bé bắt đầu học cách suy nghĩ độc lập và hình thành tính cách độc lập của riêng mình, đồng thời thích hành động theo cách của mình. Khi đó, cơ thể và các cử động của bé đang phát triển, khuyến khích bé thể hiện sự phản kháng thông qua các hành động chống lại những điều bé không thích.

Thông thường trẻ coi việc đánh người khác là để phản đối điều mình không hài lòng hay đơn giản chỉ là một cách ăn vạ, đòi cha mẹ đáp ứng yêu cầu của mình. Chính vì một vài lần trẻ có hành động này và cha mẹ đã tỏ thái độ nhượng bộ, từ đó các bé coi đó là "vũ khí lợi hại" của mình. Đó có thể là một phần trong sự phát triển bình thường của trẻ hoặc cũng có thể là kết quả của sự sai lệch nào đó về mặt tâm lý.

Bé nổi loạn và rất thích đánh người, bố mẹ chỉ cần áp dụng 3 nguyên tắc này để thay đổi-2

Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia tâm lý cho rằng, vệc bé có “sự tự khẳng định mình” thực ra là một điều tích cực, nếu bố mẹ hiểu sai về sự “nổi loạn” của trẻ và không xử lý đúng cách sẽ tác động rất xấu đến sự trưởng thành của trẻ. Vì vậy, phụ huynh có con trong hoàn cảnh tương tự hãy vận dụng những nguyên tắc sau để đối mặt tốt hơn với giai đoạn nổi loạn đầu đời của bé.

Nguyên tắc đầu tiên: Bình tĩnh

Thực tế, việc đánh mắng hay kỷ luật trẻ bằng bạo lực hoặc hình phạt chỉ giúp người lớn khẳng định thế thượng phong, làm cho trẻ thấy sợ hãi và ngày càng tìm cách tinh vi hơn để đối phó, chứ không bao giờ có tác dụng giáo dục thực sự, không giúp trẻ thay đổi nhận thức và hành vi.

Theo các nhà tâm lý học, khi trẻ nổi loạn việc đầu tiên bố mẹ cần làm là cố gắng giữ bình tĩnh, đừng bắt đầu nổi nóng theo bản năng vì có nổi nóng cũng vô ích. Không những thế, đôi khi phản ứng của bố mẹ sẽ thúc đẩy tâm trạng của bé, bố mẹ càng tức giận thì bé càng phản kháng lại, hung hăng hơn.

Bé nổi loạn và rất thích đánh người, bố mẹ chỉ cần áp dụng 3 nguyên tắc này để thay đổi-3

Giữ bình tĩnh sẽ giúp phụ huynh nhìn nhận thấu đáo vấn đề, xem thực sự trẻ đang muốn gì, tại sao trẻ lại như vậy? Tiếp theo, cha mẹ nên bình tĩnh hướng dẫn trẻ sử dụng ngôn ngữ để bộc lộ cảm xúc chính xác thay vì đánh, cắn, ném đồ vật hoặc nổi cơn thịnh nộ. Ví dụ như hãy nói "con không vui", "con thích...", " con cảm thấy tức giận”... thay vì đổ lỗi hoặc công kích người khác.

Bạn nên nhớ chính cha mẹ sẽ làm tấm gương tốt để giúp con cái noi theo. Trẻ em từ nhỏ có xu hướng bắt chước hay học theo những gì người lớn làm mà chưa phân biệt được điều đúng sai. Vậy nên, dù khó đến mức nào, bạn cũng cần cố gắng trước, nếu bạn có thể giữ bình tĩnh và kiểm soát được cảm xúc của chính mình, bạn có thể làm gương cho con mình và dạy con làm điều tương tự.

Nguyên tắc thứ hai: Hiểu biết

Trong quá trình phát triển, các bé sẽ dần nhận thức được vai trò, "sự lợi hại" của tay chân, chẳng hạn như tay có thể đẩy ngã được một ai đó, chân đá làm di chuyển đồ vật... và tạo nên sự hiếu kỳ, thích thử nghiệm.

Đôi khi một số bé (đặc biệt là các bé nhỏ từ 1-3 tuổi) sử dụng hành vi bạo lực như “đánh” hoặc “đẩy” người khác chỉ để kiểm tra chức năng của cánh tay hay thể hiện cho người khác thấy vì muốn được khen, được công nhận là mình làm được chứ không hề biết rằng đó là hành vi xấu không nên làm.

Bé nổi loạn và rất thích đánh người, bố mẹ chỉ cần áp dụng 3 nguyên tắc này để thay đổi-4

Hay bé khoảng 2 tuổi vẫn chưa học cách diễn đạt hoàn chỉnh, khi muốn chơi với những đứa trẻ khác, bé có thể dùng cách "bạo lực" như xô đẩy để thể hiện nhu cầu của mình.

Trong trường hợp này, nếu các bà mẹ hiểu nhầm loại hành vi này là hành vi bạo lực, chỉ trích nặng nề hoặc dùng bạo lực để chấm dứt bạo lực thì sẽ có tác dụng ngược.

Do đó, bố mẹ nên hiểu rõ về giai đoạn phát triển của trẻ, đừng nặng lời mà đánh trẻ vào thời điểm này vừa tội nghiệp trẻ, vừa có thể khiến trẻ sợ hãi và ấm ức vì chưa hiểu nguyên nhân tại sao mình bị đánh mắng. Tốt nhất bố mẹ cần nghĩ ra những cách khác để giải quyết hành vi của trẻ, chẳng hạn như dạy trẻ chơi trò chơi vận động để sử dụng đúng các chức năng của tay chân mà không gây tổn hại đến người khác, đồng thời dần dần phân tích để nói cho trẻ hiểu rằng thế nào là bạo lực và không nên lặp lại.

Nguyên tắc thứ ba: Đồng cảm

Người lớn vẫn có lúc mắc lỗi, vẫn có những thói quen xấu khó sửa đổi huống chi là trẻ con, chưa kể ai đó đã từng nói "trẻ khủng hoảng là để trưởng thành".

Do vậy khi trẻ nổi loạn, người lớn cũng cần phải cảm thông và suy nghĩ từ góc độ của trẻ chứ không nên chỉ biết chìm đắm theo cảm xúc cá nhân rồi đánh mắng trẻ bởi thực tế thường phản tác dụng, thậm chí còn khiến tình hình ngày càng trầm trọng hơn.

Bé nổi loạn và rất thích đánh người, bố mẹ chỉ cần áp dụng 3 nguyên tắc này để thay đổi-5

Nếu bạn thoát khỏi hoàn cảnh của chính mình, đứng từ vị trí của trẻ em để hiểu tại sao trẻ lại nổi loạn và hướng dẫn trẻ nhẹ nhàng, chắc chắn bạn sẽ nhận được kết quả tốt đẹp hơn. Hay đơn giản, bạn hãy thử nghĩ tới tuổi nhỏ của mình năm xưa để thấu hiểu và dễ thông cảm với những hành động của con hơn.

Ngoài ra, cha mẹ nên dành thời gian để yêu thương chăm sóc bé, chơi đùa cùng bé, sẵn sàng là điểm tựa ấm áp và tin cậy cho trẻ tìm đến mỗi khi cần. Thêm nữa, chúng ta cần tránh cho bé tiếp xúc hay nhìn thấy những hành vi bạo lực từ môi trường xung quanh, đồng thời cũng không nên trừng phạt bé bằng một hành vi bạo lực khác của người lớn. Thay vào đó, cha mẹ và người thân nên cho bé tiếp xúc với những lời nói nhẹ nhàng, những cử chỉ âu yếm thể hiện tình cảm, yêu thương nhau... Có như vậy, trẻ mới bớt nổi loạn và có những phát triển lành mạnh, đúng đắn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Theo V.K - Vietnamnet


Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.