Cách giúp trẻ phát triển trí não từ sớm

Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng việc nói chuyện với trẻ sơ sinh có thể giúp định hình cấu trúc bộ não đang phát triển của trẻ.

Cách giúp trẻ phát triển trí não từ sớm-1

Trò chuyện nhiều với con lúc còn nhỏ mang lại nhiều lợi ích. Ảnh: Pexels.

Nghiên cứu này được các nhà nghiên cứu tại Đại học East Anglia (Vương quốc Anh) công bố trên The Journal of Neuroscience.

Thông điệp rút ra từ nghiên cứu mới

Thông qua nghiên cứu này, các nhà khoa học phát hiện những đứa trẻ mới biết đi nếu được nghe người khác trò chuyện thường xuyên sẽ có tế bào thần kinh hoạt động hiệu quả hơn.

Các bản quét não cho thấy vùng xử lý ngôn ngữ của trẻ tập trung nhiều myelin - lớp "áo giáp" bao quanh các tế bào thần kinh và cho phép truyền tín hiệu giao tiếp nhanh và hiệu quả hơn.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết liệu lượng myelin bổ sung đó có thực sự ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của trẻ hay không, nhưng họ vẫn đoán rằng nó có thể mang lại những lợi ích quan trọng, theo ScienceAlert.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu nói rằng myelin quấn quanh một tế bào thần kinh cũng giống như khi chúng ta dán băng keo lên một ống nước bị thủng lỗ. Khi đó, myelin đóng vai trò giúp các tế bào thần kinh nhận được nhiều tín hiệu hơn từ điểm A đến điểm B, đồng thời tăng cường kết nối với các tế bào thần kinh khác.

Nhà tâm lý học nhận thức John Spencer tại Đại học East Anglia, một trong những tác giả của nghiên cứu, nhận định nghiên cứu này vẫn còn nhiều điểm cần tìm hiểu thêm. Nhưng họ đã rút ra được một thông điệp rất rõ ràng là người lớn cần nói chuyện nhiều với trẻ vì điều này giúp định hình bộ não đang phát triển của các em.

Cách giúp trẻ phát triển trí não từ sớm-2
Trẻ có thể nghe hiểu nhiều điều hơn người lớn nghĩ. Ảnh: Pexels.

Vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu thêm

Thông điệp này rất đơn giản, nhưng nó lại đi kèm với một số kết quả phức tạp. Khi tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy việc người lớn trò chuyện nhiều hơn với con không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu cho hơn 140 trẻ mới biết đi và trẻ sơ sinh đeo thiết bị ghi âm trong 3 ngày. Họ đã thu được những điều trẻ nghe hàng ngày sau hàng nghìn giờ ghi âm.

Sau đó, họ chọn hơn một nửa số trẻ để tiến hành chụp cộng hưởng từ khi trẻ đang ngủ trưa. Trong số những trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi, lượng ngôn ngữ đầu vào nhiều nhưng việc myelin hóa lại ít hơn. Trong khi đó, trẻ 2 tuổi lại thu được kết quả ngược lại.

Kết quả này khá bất ngờ nhưng ông John Spencer giải thích rằng sự phát triển trí não của trẻ nhỏ trải qua các giai đoạn theo cách tự nhiên. Đôi khi, bộ não của các em bận rộn xây dựng các tế bào mới, trong khi những lúc khác, bộ não lại bận rộn tinh chỉnh những tế bào mới tạo ra.

Trong vài năm đầu đời, não bộ ưu tiên phát triển. Đến 2 tuổi, trẻ đã có thể tích não bằng 80% so với người lớn. Sau đó, giai đoạn "cắt tỉa", "nuôi dưỡng" não bộ mới thực sự bắt đầu.

Trong một bài viết trên The Conversation, ông John Spencer nhận định những điều trên cho thấy việc nói chuyện với trẻ lúc 6 tháng hay 30 tháng đều quan trọng, nhưng nó ảnh hưởng đến não theo cách khác nhau vì não đang ở những trạng thái khác nhau.

Ông lấy ví dụ ở tháng thứ sáu, việc trẻ nghe trò chuyện nhiều có thể làm chậm quá trình myelin hóa nhưng thay vào đó là tạo điều kiện cho não bộ phát triển. Nhưng điều này vẫn chỉ là suy đoán.

Nhà thần kinh học nhận thức Saloni Krishnan, người không tham gia nghiên cứu, nói với The Guardian rằng nghiên cứu này cần được triển khai thêm để tìm hiểu vai trò của myelin trong việc phát triển nhận thức và ngôn ngữ ở trẻ.

Hiện, nghiên cứu vẫn chưa xác định rõ liệu quá trình myelin hóa có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển nhận thức hoặc ngôn ngữ. Nghiên cứu mới chỉ ra rằng việc tiếp xúc ngôn ngữ rất quan trọng đối với quá trình xử lý ngôn ngữ, từ vựng, ngữ pháp ở trẻ. Tuy nhiên, họ vẫn chưa xác định được cách những kỹ năng đó được chuyển hóa trong não bộ.

Chỉ vài giờ sau khi sinh ra, bộ não của bé đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy chúng tiếp thu được âm thanh của ngôn ngữ. "Baby talk" (trò chuyện với trẻ sơ sinh) có liên quan đến việc cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ về lâu dài.

Trước đây, nhiều nghiên cứu đã phát hiện những đứa trẻ 4-6 tuổi trò chuyện nhiều với người lớn sẽ được myelin hóa nhiều hơn tại các vùng não liên quan ngôn ngữ. Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Vương quốc Anh đã cho thấy hiệu ứng tương tự ở trẻ có độ tuổi nhỏ hơn.

Trước mắt, các nhà khoa học được kỳ vọng nghiên cứu nhiều hơn để tìm hiểu những thay đổi cấu trúc bộ não ảnh hưởng đến việc học ngôn ngữ như thế nào. Nhưng hiện tại, bạn cần nhớ rằng trẻ em tiếp thu nhiều điều bạn nói hơn bạn nghĩ.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/cach-giup-tre-phat-trien-tri-nao-tu-som-post1432152.html?fbclid=IwAR0UhV2AyAJE2JQ266eaFVlPHhIe7k3f6-teq3GdVAIvJkA6zqJQy1ORXq8

Trẻ sơ sinh

Nuôi con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.