Cách rèn thói quen làm việc nhà với 'đứa trẻ hay quên'

Trẻ em chắc chắn nhớ ăn món tráng miệng hoặc chơi điện tử trên máy tính bảng, nhưng còn việc dọn đĩa hoặc thu gọn đồ đạc thì thường bị... bỏ quên.

Cách rèn thói quen làm việc nhà với đứa trẻ hay quên-1
Trẻ thường thiếu động lực hoặc mong muốn tham gia vào một nhiệm vụ cụ thể.

Hầu hết các cha mẹ đều cảm thấy khó khăn khi cố gắng yêu cầu con mình hoàn thành một nhiệm vụ hoặc công việc ở nhà, nhưng trẻ không thực hiện. Bằng cách tạo biểu đồ công việc, danh sách việc cần làm và thảo luận rõ ràng về nhiệm vụ, cha mẹ có thể hiểu rõ hơn về sự “lười biếng” của con mình.

Yếu tố tạo động lực ở trẻ em

Các phụ huynh đã bao giờ đưa con đi học về và nhận ra rằng, phòng của trẻ thật bừa bộn mặc dù cha mẹ vừa yêu cầu bé dọn dẹp? Nếu từng rơi vào tình huống này, trẻ có thể nói đơn giản là con “quên”. Trẻ em chắc chắn nhớ ăn món tráng miệng hoặc chơi điện tử trên máy tính bảng, nhưng còn việc dọn đĩa hoặc thu gọn đồ đạc thì thường bị... bỏ quên.

Điều đó khiến nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi: Trẻ chỉ đơn giản là lười biếng, hay thực sự dễ quên?

Các chuyên gia đã chia sẻ về vấn đề này để nêu bật sự khác biệt cũng như những gì phụ huynh có thể làm để khuyến khích trẻ lắng nghe.

Việc cố gắng tìm hiểu động cơ của trẻ có thể khó hiểu và khó khăn. Có rất ít nghiên cứu về khoảng chú ý của trẻ em ở độ tuổi tiểu học. Tuy nhiên, kiến thức chung được chia sẻ trong các nhóm phụ huynh và blog dường như cho thấy, trẻ em có thể tập trung từ 2 - 5 phút cho mỗi độ tuổi của chúng. Vì vậy, một đứa trẻ 5 tuổi có thể tập trung liên tục trong 10 hoặc 15 phút. Trong khi đó, một đứa trẻ 10 tuổi có thể tập trung trong 20 - 30 phút.

Việc khiến trẻ chú ý tới các hướng dẫn có thể là một trận chiến cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Tiến sĩ Christopher Kearney - Chủ tịch Khoa Tâm lý học Las Vegas, Trường Đại học Nevada (Mỹ) giải thích, sự lười biếng khác với việc không có động lực.

“Sự lười biếng đôi khi được coi là một cấu trúc định hướng theo đặc điểm. Điều đó có nghĩa là một người thường có xu hướng không sẵn lòng tham gia vào công việc trong hầu hết các tình huống. ‘Không có động lực’ có thể trùng lặp với ‘sự lười biếng’, nhưng cụ thể hơn một chút, nó đề cập đến việc thiếu động lực hoặc mong muốn tham gia vào một nhiệm vụ cụ thể”, ông Kearney giải thích.

Hầu hết trẻ em không có hứng thú với việc tự dọn dẹp, đơn giản là vì công việc này không hề thú vị.

Bà Ashley Hodges - thành viên Nhóm Tư vấn Wellington nói rằng, việc không có động lực có thể liên quan đến mức độ mong muốn hoàn thành một nhiệm vụ mà một đứa trẻ phải hoàn thành.

Bà Hodges cho biết thêm: “Thường thì các ưu tiên của trẻ không giống với ưu tiên của cha mẹ. Do đó, phụ huynh và con có thể không có cùng mức độ động lực”.

Đối với trẻ em, sự hứng thú với một hoạt động có thể liên quan trực tiếp đến tốc độ thực hiện hoạt động đó, hoặc liệu chúng có thực hiện được hoạt động đó hay không. Sự chú ý như người lớn chỉ đạt được ở thanh thiếu niên sau tuổi dậy thì.

Tiến sĩ Kearney nói: “Sự thờ ơ có thể góp phần tạo nên những hành vi này, nếu một người ít đầu tư cảm xúc vào một nhiệm vụ như bài tập về nhà. Tính hay quên cũng có thể góp phần gây ra điều đó, chẳng hạn như không nhớ để làm một công việc nhà cụ thể”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Zishan Khan - bác sĩ tâm thần của Mindpath Health, giải thích thêm rằng sự lười biếng là “cực kỳ khó xảy ra” ở trẻ em trong độ tuổi tiểu học. Mặc dù trẻ em trông có vẻ “lười biếng”, nhưng nguyên nhân thường là do sự thiếu quan tâm.

Tiến sĩ Khan nói rằng, khỏe mạnh và ngủ đủ giấc cũng có thể là những yếu tố tạo nên động lực ở trẻ.

“Cha mẹ cần lùi lại một bước và lưu ý nguyên nhân sâu xa khiến con họ không quan tâm thực sự là gì”, Tiến sĩ Khan cho biết. Phụ huynh cũng nên theo dõi con mình về tình trạng mất động lực mãn tính. Bởi, đó có thể là dấu hiệu cho một tình trạng tiềm ẩn, chẳng hạn như suy giáp hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Cách rèn thói quen làm việc nhà với đứa trẻ hay quên-2
Trẻ em trông có vẻ “lười biếng”, nhưng nguyên nhân thường là do sự thiếu quan tâm.

Điều gì khiến trẻ hay quên?

Những đứa trẻ thờ ơ hoặc thiếu động lực không phải là thử thách duy nhất mà cha mẹ phải đối mặt.

Tiến sĩ Kearney cho biết, thông thường, trẻ em bị coi là hay quên và điều đó có phần nào đúng. Chuyên gia này giải thích: “Tính hay quên có thể liên quan đến sự phát triển nhận thức. Trẻ nhỏ có khả năng ghi nhớ làm việc kém hơn và phụ thuộc nhiều vào các tín hiệu cũng như kích thích ngắn hạn. Hầu hết trẻ em cuối cùng đều trưởng thành ở mức độ ghi nhớ và trách nhiệm cao hơn, đặc biệt là khi học cấp hai”.

Thật không dễ chịu khi phụ huynh biết rằng, đơn giản là trẻ em không gán mức độ quan trọng cho các nhiệm vụ như cha mẹ chúng. Trẻ bận rộn trong việc vui chơi, phát triển trí não và giàu trí tưởng tượng. Đối với trẻ nhỏ, trò chơi rất quan trọng trong việc giúp chúng tìm hiểu về thế giới.

Tiến sĩ Khan nói: “Cha mẹ cũng nên xem xét độ tuổi của trẻ và cố gắng nhận biết điều gì là phù hợp với sự phát triển. Ở một số độ tuổi nhất định, trẻ có ý thức trách nhiệm chưa trưởng thành”.

Sự quên lãng ở nhà và trường

Rất nhiều phụ huynh phát hiện ra rằng, con họ rất vui vẻ trong lớp và không bao giờ quên những gì được dạy. Trong khi đó, trẻ thường xuyên đi ngang qua đống bừa bộn trong phòng khách mà phớt lờ dù đã được yêu cầu dọn dẹp nhiều lần.

Ngược lại, có thể vì trẻ cảm thấy an toàn khi ở nhà nên chúng không nhớ đến trách nhiệm của mình. Bà Hodges nói: “Trẻ em thường hành động khác ở nhà so với ở trường. Gia đình thường là không gian an toàn đối với trẻ em. Đó là lý do tại sao cha mẹ có xu hướng nhận thấy những hành vi trái ngược so với những gì giáo viên mô tả trẻ ở trường”.

Tiến sĩ Khan cũng đồng tình với quan điểm này: “Một đứa trẻ có thể cảm nhận được nhiều tình yêu thương và sự an toàn hơn ở nhà. Do đó, trẻ cảm thấy bạo dạn hơn để chống lại những nỗ lực của phụ huynh trong việc thực thi các quy tắc”.

Có thể phụ huynh sẽ cảm thấy không thoải mái khi trẻ chống lại mình. Tuy nhiên, đó là dấu hiệu cho thấy, chúng biết mình vẫn được yêu thương ngay cả khi cư xử không đúng mực, tương tự như sự gắn bó khi trẻ còn nhỏ.

Trường học cũng có thể có nhiều quy tắc hơn để trẻ tuân theo. Điều này có thể mang lại nhiều tác động trực tiếp hơn so với những yêu cầu của cha mẹ ở nhà.

Chuyên gia Kearney giải thích: “Một số thanh niên có nhiều trách nhiệm hơn được thiết lập ở trường. Những cơ cấu như vậy có thể bao gồm sự giám sát, nhắc nhở, hỗ trợ và khuyến khích”. Sự nhắc nhở và luật lệ gắn liền với các quy tắc và hậu quả. Điều đó có thể tạo ra ý thức trách nhiệm cá nhân.

Cách rèn thói quen làm việc nhà với đứa trẻ hay quên-3
Trẻ bận rộn trong việc vui chơi, phát triển trí não và giàu trí tưởng tượng.

Cách tạo động lực

Sử dụng môi trường học tập làm hình mẫu có thể hữu ích khi cố gắng động viên trẻ. Tiến sĩ Kearney khuyên: “Cơ cấu và khuyến khích nhất quán là tốt. Yêu cầu trẻ hoàn thành công việc nhà hoặc bài tập về nhà vào cùng một thời điểm cụ thể. Sau đó, hãy giám sát, kiểm tra các nhiệm vụ đã hoàn thành, khen thưởng phù hợp và duy trì thói quen nhất quán”.

Nếu điều này nghe có vẻ quen thuộc thì đó là vì đây chính xác là môi trường mà trường học cung cấp cho trẻ. Môi trường này giúp trẻ hứng thú và có động lực suốt cả ngày.

Bà Hodges nói: “Sự nhất quán là chìa khóa, cũng như thu hút sự chú ý hoàn toàn của trẻ trước khi yêu cầu chúng làm điều gì đó. Phụ huynh nên đảm bảo giao tiếp bằng mắt với trẻ trước khi nói chuyện. Điều đó tránh việc phải yêu cầu trẻ hoàn thành công việc nhiều lần”. Việc đặt ra những ranh giới và kỳ vọng cụ thể cũng hữu ích trong việc thúc đẩy trẻ hoàn thành nhiệm vụ.

Trong khi đó, Tiến sĩ Kahn cho rằng, cha mẹ có thể tạo ra một môi trường hỗ trợ cho con mình bằng những biện pháp nhỏ, đơn giản. Từ đó, giúp trẻ ghi nhớ các nhiệm vụ, như danh sách việc cần làm, hệ thống tổ chức bài tập về nhà và sơ đồ công việc.

Nếu trẻ liên tục gặp khó khăn với động lực và cảm thấy không phù hợp với hoạt động của các bạn cùng lứa thì có thể nguyên nhân là do những vấn đề về chú ý khác. Điều quan trọng cần ghi nhớ là những khác biệt về khả năng chú ý này không phải do tình huống, mà có thể đã xuất hiện từ khi trẻ còn ở độ tuổi mẫu giáo.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu có bất kỳ mối lo ngại nào, phụ huynh cần liên hệ với bác sĩ nhi khoa hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của con mình.


Theo Giáo dục và thời đại

Xem link gốc Ẩn link gốc https://giaoducthoidai.vn/cach-ren-thoi-quen-lam-viec-nha-voi-dua-tre-hay-quen-post680378.html

làm việc nhà

Nuôi Dạy Con


Phụ nữ cần chứng minh những gì khi chia tài sản lúc ly hôn?
Trong 14 năm hôn nhân với ông N.V, bà M. luôn vun vén, chu toàn quán xuyến mọi công việc gia đình để chồng an tâm lập nghiệp, ủng hộ sự nghiệp của chồng và đóng góp đáng kể vào tài sản chung. Thế nhưng, khi ra tòa ly hôn bà M. lại chỉ được chia 42% tài sản chung.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.