Cha mẹ lo lắng con sẽ dùng tiền lì xì mua đồ một cách phung phí

Thấy cậu con trai học lớp 7 cầm mấy trăm nghìn đồng đi mừng tuổi các bạn, chị Lưu Huyền An (Q.Đống Đa, Hà Nội) gợi ý giữ hộ tiền lì xì của con. Cậu bé vùng vằng: "Tiền của con, con có quyền tiêu!".

Cha mẹ lo lắng con sẽ dùng tiền lì xì mua đồ một cách phung phí-1

 

Là mẹ đơn thân nên hoàn cảnh của chị Huyền An không khá giả gì. Để lo tiền cho con đi học thêm, chị cũng phải tằn tiện rất nhiều. Dự định khoản tiền lì xì gần 2 triệu đồng của con, chị sẽ dùng vào đóng tiền học cho con.

Vậy mà, đi học buổi đầu tiên, cậu con trai cầm 300 nghìn đồng để lì xì cho các bạn. Cậu về còn hào hứng khoe với mẹ: Con lì xì cho 10 bạn, mỗi bạn 3 tờ 10 nghìn đồng. Chúng nó thích lắm vì được con lì xì nhiều nhất! Nghe con trai nói thế, chị Huyền An chỉ biết cười mà trong lòng cảm thấy rất xót tiền. Chị nói với con là chỉ cần mừng tuổi mỗi bạn 1 tờ 10 nghìn đồng là được, vì con là học sinh chưa làm ra tiền. Con trai lớn tiếng nói với mẹ: Tiền của con, con thích lì xì các bạn bao nhiêu thì đó là quyền của con!

Chị Huyền An gợi ý sẽ giữ hộ con số tiền còn lại nhưng cậu con trai không mấy vui vẻ. Cậu đang chưa hết khoái chí vì lần đầu được cầm số tiền lớn. Chị Huyền An cho biết số tiền của con sẽ được gửi "ngân hàng mẹ". Con cần mua sách vở, truyện, đồ dùng, quà tặng bạn…, mẹ sẽ chi tiền và trừ dần trong cuốn sổ. Thấy mẹ rõ ràng với số tiền lì xì của mình, cậu con trai mới đồng ý giao tiền lì xì cho "ngân hàng mẹ".

Cha mẹ lo lắng con sẽ dùng tiền lì xì mua đồ một cách phung phí-2
Nhiều cha mẹ lo lắng con sẽ mua đồ một cách phung phí từ tiền lì xì của mình. Ảnh minh họa

Không biết xử lý tiền mừng tuổi của con thế nào là băn khoăn của không ít bà mẹ. Với những trẻ bé, chúng dễ dàng đưa tiền lì xì để bố mẹ giữ. Với những trẻ ở tuổi teen, chúng muốn được sở hữu và chi tiêu số tiền lì xì của mình. Điều mà nhiều mẹ lo lắng là không phải trẻ nào cũng biết chi tiêu hợp lý. Nhiều con khi được cầm số tiền lớn sẽ mua đồ một cách phung phí, thậm chí có những trẻ đua đòi theo các bạn mua những đồ không tốt cho sức khoẻ như thuốc lá điện tử…

Theo chuyên gia giáo dục - TS Vũ Thu Hương, các mẹ có thể "thoả hiệp" với con về việc sử dụng tiền lì xì. Con có thể được giữ tiền lì xì nhưng số tiền ấy con sẽ phải sử dụng cho việc sinh nhật tháng và các ngày lễ. Con sẽ phải tính toán để mua quà cho sinh nhật người nhà và bạn bè. Hoặc, con được giữ tiền lì xì nhưng mẹ sẽ không cho con tiền ăn sáng nữa. Lúc này, mẹ cần chuẩn bị cách quản lý số tiền của con bằng việc chia số tiền làm 12 phần, tương đương với 12 tháng. Nếu số này quá ít, không đủ tiền ăn sáng thì mẹ sẽ bù. Nếu số này nhiều hơn, con sẽ sử dụng để mua đồ dùng học tập và quà sinh nhật. Mỗi tháng, mẹ sẽ đưa cho con 1/12 số tiền như quy định. Con cứ thế xử lý mọi chi tiêu trong tháng.

Theo TS Vũ Thu Hương, các mẹ có thể gợi ý cho con sử dụng lì xì vào những việc "to đùng" của con. Như, đưa cho con một phần tiền lì xì với yêu cầu lập kế hoạch mua đồ dùng học tập, đồng phục, cặp sách… khi vào năm học mới. Con lên kế hoạch mua toàn bộ đồ dùng trang trí, bánh kẹo, bánh kem, hoa quả,... để chuẩn bị sinh nhật cho chính mình. Con phải biết dự trù trong việc mua quần áo mới cho bản thân…

Sợ tiền mất giá nên chị Hoàng Ngọc Anh (Đống Đa, Hà Nội) thường dành tiền lì xì của con để mua vàng. "Có hai con gái nên sau Tết tôi đều lấy tiền mừng tuổi của con mua cho mỗi đứa 1 chỉ vàng. Nếu cứ giữ tiền mặt của con thì nhiều lúc bí tiền vẫn phải lấy để tiêu. Thế nhưng, khi mua vàng cho con thì đến khi con trưởng thành, con cũng có khoản để dành kha khá từ chính tiền của con. Bao năm nay tôi đều làm thế nên con không bao giờ "kiện" mẹ vì tiêu hết tiền lì xì của con mà thường sẵn sàng gửi mẹ toàn bộ số tiền mừng tuổi", chị Ngọc Anh chia sẻ.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/giup-con-tieu-tien-li-xi-20240216101118283.htm

lì xì


Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp
Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.