Có thể sinh thường khi dây rốn quấn cổ thai nhi?

Đối với thai nhi từ 24 - 26 tuần tuổi, tỷ lệ các bé bị dây rốn quấn cổ là vào khoảng 12%. Tỷ lệ này tăng lên 37% khi thai nhi đã phát triển đủ tháng.

Có thể sinh thường khi dây rốn quấn cổ thai nhi?-1
Thai nhi bị dây rốn quấn cổ 2 vòng được cấp cứu thành công tại Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang. Ảnh: BVCC

Hiện tượng dây rốn quấn cổ một hay nhiều vòng có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ, trong giai đoạn chuyển dạ hoặc quá trình mẹ sinh em bé. Đối với thai nhi từ 24 - 26 tuần tuổi, tỷ lệ các bé bị dây rốn quấn cổ là vào khoảng 12%. Tỷ lệ này tăng lên 37% khi thai nhi đã phát triển đủ tháng.

Không phải lúc nào cũng cần mổ lấy thai

Vừa qua, gia đình chị T.N.D. (19 tuổi, trú tại Hà Nội) tố Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc tắc trách khiến thai nhi tử vong trong bụng mẹ. Cụ thể, sản phụ mang thai, khi siêu âm, bác sĩ phát hiện tình trạng dây rốn quấn quanh cổ thai nhi, nước ối cạn.

Cũng đã cận ngày sinh, gia đình đề nghị phía bệnh viện mổ lấy thai. Tuy nhiên, phía bệnh viện thông báo không vấn đề gì, đẻ thường được. Tuy nhiên, sau đó, thai nhi đã tử vong.

Bộ Y tế cho biết, đã nhận được thông tin phản ánh về trường hợp tử vong thai nhi của sản phụ khi đến sinh con tại Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc. Trong công văn gửi Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc, Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện kiểm tra, xác minh ngay sự việc nêu trên và báo cáo nhanh về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em).

Tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi không phải là trường hợp hiếm. Trước đó, không ít trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn nhiều vòng quanh cổ được cấp cứu thành công. Ngày 23/8/2023, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ cấp cứu thành công bé trai nặng 3.550 gr bị suy thai cấp trong quá trình mẹ chuyển dạ do dây rốn quấn cổ 5 vòng.

Sản phụ là chị N.T.C.N. (25 tuổi, ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) mang thai con so 39 tuần 4 ngày có dấu hiệu chuyển dạ, nhập Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ. Các bác sĩ hội chẩn viện, thực hiện ca mổ lấy thai cấp cứu khẩn và kịp thời cứu trẻ sơ sinh thoát khỏi nguy hiểm với tình trạng 5 vòng dây rốn quấn cổ siết chặt.

Tháng 5/2023, bé gái sơ sinh nặng 2,8 kg với 5 vòng dây rốn quấn cổ kèm vòng quanh vai được các bác sĩ Trung tâm Y tế Hải Hà (Quảng Ninh) đón chào đời an toàn. Mẹ bé là sản phụ N.T.T. (28 tuổi) nhập viện Trung tâm Y tế Hải Hà khi thai được 38 tuần 5 ngày. Sản phụ mang thai lần thứ 2 có vết mổ đẻ cũ được chỉ định mổ do có dấu hiệu chuyển dạ.

Không ít người lo ngại về việc liệu trong trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn cổ thì sản phụ có sinh thường được không. Chia sẻ về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, dây rốn quấn quanh cổ nếu siết quá chặt sẽ cản trở dòng máu lưu thông, gây ra tình trạng suy thai.

Tuy nhiên, trường hợp dây rốn quấn cổ thai nhi không phải lúc nào cũng cần mổ lấy thai, mà còn phụ thuộc vào diễn tiến của cuộc chuyển dạ. Thực tế, trường hợp nhau thai quấn cổ thai nhi rất thường gặp và không được xếp vào tai biến thai kỳ. Hơn 90% trường hợp dây rốn quấn cổ có thể sinh thường.

“Do đó, nếu trong quá trình mang thai phát hiện dây rốn quấn cổ thai nhi, thai phụ cũng không nên quá lo lắng hoặc vội vàng yêu cầu mổ vì mỗi vết mổ là một nguy cơ”, bác sĩ Tâm cho biết.

Dây rốn quấn cổ 1 vòng - tình trạng an toàn

BSCKI Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, dây rốn đóng vai trò như một phương tiện vận chuyển chất dinh dưỡng cũng như oxy từ máu của người mẹ sang thai nhi trong bụng.

Đây là một ống dẫn hai đầu rất quan trọng. Do đó, nếu có vấn đề gì xảy ra với ống dẫn này, thì cả mẹ và bé đều có thể gặp nguy hiểm. Đặc biệt, ở em bé, nếu dây rốn có vấn đề, thai nhi sẽ có khả năng bị thiếu oxy, dẫn đến suy thai, tử vong.

Trung bình dây rốn sẽ dài từ 50 - 60cm. Nếu toàn bộ dây rốn dài dưới 35cm thì được gọi là dây rốn ngắn tuyệt đối. Khi đã bị quấn vào cổ, tay chân hoặc thân của thai nhi vận động sẽ làm dây rốn ngắn đi. Khi đó, gọi là dây rốn ngắn tương đối. Dây rốn càng dài thì khả năng sẽ bị quấn vào em bé càng cao hoặc tự dây rốn bị thắt nút lại với nhau.

Ở trong bụng mẹ, sự chuyển động của thai nhi sẽ làm cho dây rốn căng hơn và dài ra. Việc dây rốn bị dài quá là một tình trạng không tốt vì sẽ có thể quấn vào các bộ phận thai nhi. Trường hợp nặng có thể gây tắc nghẽn mạch máu của em bé.

“Hiện tượng dây rốn quấn cổ một hay nhiều vòng có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ, trong giai đoạn chuyển dạ hoặc quá trình mẹ sinh em bé. Đối với thai nhi từ 24 - 26 tuần tuổi, tỷ lệ các bé bị dây rốn quấn cổ là vào khoảng 12%. Tỷ lệ này tăng lên 37% khi thai nhi đã phát triển đủ tháng.

Đây là một trường hợp bình thường và không gây ảnh hưởng xấu như các bệnh ở trẻ, cũng như liên quan đến tử vong chu sinh. Vì vậy, khi sản phụ đi khám, các bác sĩ thường ít báo cho sản phụ biết con bị dây rốn quấn cổ, chỉ trừ trong trường hợp có khả năng nguy hiểm”, bác sĩ Vân giải thích.

Theo bác sĩ Vân, em bé bị dây rốn quấn cổ 1 vòng là tình trạng an toàn, nên sản phụ không cần quá lo lắng. Nhiều em bé đã có thể tự tháo dây ra từ tuần thai thứ 18 - 25. Dây rốn là phương tiện vận chuyển giữa mẹ và thai nhi nên những cản trở đối với dây rốn là không tốt.

Tuy nhiên, tình trạng em bé bị dây quấn cổ 1 vòng là hiện tượng sinh lý bình thường. Tùy vào tình trạng của mẹ và bé mà các bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp. Đa số, với các thai nhi bị dây rốn quấn cổ 1 vòng thì mẹ đều có thể sinh thường bình thường và bé hoàn toàn khỏe mạnh.

“Khi thai đã lớn thì việc tháo dây rốn quấn quanh cổ sẽ khó khăn hơn và nhiều trường hợp là hầu như không thể. Lúc này, sản phụ hãy nghe theo chỉ dẫn của các bác sĩ kết hợp theo dõi con trong bụng mình. Nếu xuất hiện các hiện tượng bất thường mẹ hãy liên hệ các bác sĩ chuyên khoa ngay”, bác sĩ Vân khuyến cáo.

Theo Giáo dục và thời đại

Xem link gốc Ẩn link gốc https://giaoducthoidai.vn/co-the-sinh-thuong-khi-day-ron-quan-co-thai-nhi-post679720.html

sinh thường


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.