Con cái bước vào tuổi dậy thì “ẩm ương”, bố mẹ nên dạy bảo thế nào?

Tuổi dậy thì là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm với những thay đổi lớn về tâm sinh lý khiến những đứa trẻ trở nên rất khác thường, thậm chí là nổi loạn nên các bố mẹ rất khó nắm bắt và kiểm soát. Đây cũng được coi thời điểm khó khăn nhất trong công cuộc nuôi dạy con mà các ông bố bà mẹ phải đối mặt.

Theo các chuyên gia tâm lý, dạy con ở tuổi dậy thì khó hơn ở các lứa tuổi khác rất nhiều, đòi hỏi người làm cha mẹ ngoài tình thương yêu con trẻ còn phải có tính kiên nhẫn, biết kiềm chế sự nóng nảy và cần dành thời gian để giúp con có thêm kỹ năng sống cũng như định hướng cho con những suy nghĩ đúng đắn. 

Bên cạnh đó, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý không nên lấy quyền làm cha mẹ mà áp đặt, la mắng, giáo điều trẻ mà phải gần gũi quan tâm để hiểu con và kịp thời phát hiện những suy nghĩ, hành động lệch lạc của con để uốn nắn, nhắc nhở. Đôi khi bố mẹ cũng phải tìm hiểu các thông tin về con cái qua nhiều kênh như nhà trường, bè bạn hoặc nhẹ nhàng gợi mở để lắng nghe suy nghĩ của con…

Con cái bước vào tuổi dậy thì ẩm ương”, bố mẹ nên dạy bảo thế nào?-1

Dưới đây là một số phương pháp dạy con tuổi dậy thì hữu ích đúc kết từ thực tế cuộc sống và được các chuyên gia gợi mở, phụ huynh có thể tham khảo để đồng hành cùng con tuổi “ẩm ương” được dễ dàng, suôn sẻ hơn:

1. Dạy con về những thay đổi của cơ thể, chuẩn bị tinh thần bước vào tuổi dậy thì

Cha mẹ nên giáo dục cho trẻ về cấu trúc nội tiết tố trước khi trẻ bắt đầu dậy thì, để trẻ hiểu nguyên nhân dẫn đến những thay đổi về thể chất và tình cảm. Từ đó trẻ có những chuẩn bị tâm lý nhất định, tránh để trẻ dậy thì trở thành một thời kỳ nổi loạn.

Cụ thể, cha mẹ nên nói rõ với con rằng nội tiết tố sẽ dao động trong ngày, khi cơn bồn chồn dịu đi có thể trở lại trạng thái bình thường, để con không hoảng sợ mà cố gắng bình tĩnh đối mặt. Hay ở lứa tuổi dậy, cơ thể của trẻ bắt đầu có những thay đổi gì, tránh để bé rơi vào tình trạng khủng hoảng, lo sợ, bối rối không biết xử lý như thế nào.

Chẳng hạn, con gái tuổi dậy sẽ phải đối mặt với những kỳ nguyệt san và nó diễn ra thế nào, cách xử lý ra sao. Tiếp đó, các mẹ hãy kín đáo chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho chu kỳ kinh nguyệt lần đầu của trẻ, chỉ con cách sử dụng chúng,... Hay để chuẩn bị tâm lý tuổi dậy thì ở con trai, bạn cần nói cho con biết về thay đổi cơ thể như bắt đầu xuất hiện mùi cơ thể, chất nhờn tiết ra, da dễ bị mụn trứng cá, giọng nói cũng trở nên trầm hơn, kích thước tinh hoàn và dương vật tăng lên...

2. Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con

Thế hệ trẻ ngày càng có những xu hướng phát triển khác biệt với thế hệ của cha mẹ. Áp đặt các tiêu chuẩn cũ không phù hợp sẽ chỉ khiến con chán ghét, phản ứng tiêu cực lại. Để nuôi dạy con thông minh, bạn nên dành chút thời gian quan tâm hơn đến sự đổi mới của thời đại để thuận tiện cho việc dạy con tuổi dậy thì.

Độ tuổi này trẻ thường muốn chứng minh bản thân, tỏ rõ sự thu hút cá nhân để được mọi người quan tâm chú ý. Có những lần bạn sẽ phải đối mặt với tình huống khi con muốn xỏ khuyên, cắt tóc… như bạn bè trang lứa. Bạn nên có cái nhìn thoáng hơn, chắt lọc những nguyện vọng thích hợp và cho phép con trong mức độ giới hạn. Sự thưởng phạt rõ ràng của bạn sẽ khuyến khích trẻ năng nổ học tập, tích cực phấn đấu cho những ước mong của mình. 

Con cái bước vào tuổi dậy thì ẩm ương”, bố mẹ nên dạy bảo thế nào?-2

3. Lập quy tắc ứng xử phù hợp và yêu cầu con tuân thủ

Cha mẹ có thẩm quyền và cũng là trách nhiệm phải nuôi dạy con cái. Dựa trên vai trò đó, các bậc phụ huynh nên lập ra những quy tắc ứng xử phù hợp và kiên quyết yêu cầu con cái tuổi dậy thì phải tuân thủ, trau dồi khả năng tự kỷ luật để giảm bớt hành vi nổi loạn. Đồng thời, cha mẹ cần tạo cho trẻ đủ tình yêu thương, kiên nhẫn lắng nghe tiếng nói của trẻ, khuyến khích trẻ tích cực lớn lên.

Hơn nữa, tâm sinh lý của mỗi đứa trẻ tuổi dậy thì đều có những biến động bất thường, tâm hồn con nhạy cảm, tâm lý dễ tổn thương bởi những tác động nhỏ xung quanh. Thời điểm này, con có xu hướng thể hiện rõ cái tôi của bản thân hơn bằng những hành động tự quyết. Bạn cần dành thời gian quan tâm, để ý nhiều hơn để đặt ra những tiêu chuẩn phù hợp với con mình. Hút thuốc, rượu bia, cờ bạc… là những điều cấm kỵ buộc con không được phép phạm phải ở độ tuổi này.

Bạn có thể quy định giờ giới nghiêm để con tuân theo nhưng cũng không nên quá cứng nhắc. Cha mẹ cần thảo luận cùng con, phân tích làm rõ các mặt lợi hại để con hiểu. Dạy con tuổi dậy thì theo cách áp đặt sẽ khiến con phản ứng ngược lại. Việc siết chặt quản lý của bạn làm con cảm giác tù túng, mất tự do. Tuy nhiên, nếu bạn buông lỏng cho con thỏa sức tự do sẽ khiến trẻ dễ sa ngã vào các thói hư tật xấu.

4. Kiểm soát hành vi nhưng không kiểm soát cảm xúc

Để trẻ tuổi nổi loạn không mắc sai lầm hay có những hành động tiêu cực gây hậu quả lớn, việc cha mẹ sát sao theo dõi và kiểm soát con là rất cần thiết.  Tuy nhiên sự kiểm soát ở đây là kiểm soát hành vi, hành động chứ không phải kiểm soát cảm xúc, niềm tin và sự tự nhận thức của con cái họ (kiểm soát tinh thần).

Tự chủ về tâm lý là quyền có suy nghĩ và cảm xúc của giới trẻ. Khi trẻ nghĩ rằng cha mẹ đang cố gắng kiểm soát tâm lý của mình thì “sức khỏe tâm lý” của trẻ sẽ bị tổn hại rất nhiều. Nói cách khác, trẻ ngày càng trở nên độc lập, muốn tự chủ hơn và đương nhiên không muốn bị cha mẹ kiểm soát. Càng có nhiều quyền tự chủ, trẻ sẽ càng tự tin về mọi mặt, điều này có lợi cho quá trình trôi qua của tuổi mới lớn một cách suôn sẻ.

Trên thực tế, hầu hết những đứa trẻ nổi loạn thực sự có cha mẹ muốn kiểm soát tâm lý đối với đứa trẻ. Ví dụ: luôn cố gắng thay đổi cách trẻ cảm nhận và suy nghĩ về mọi việc; thường xuyên cắt ngang lời trẻ nói; đổ lỗi cho trẻ về lỗi của các thành viên khác trong gia đình; nếu trẻ làm cha mẹ tức giận, cha mẹ sẽ phớt lờ trẻ cho đến khi con làm cho cha mẹ vui trở lại; kể lại tất cả những điều con cái đã làm sai nhiều lần,…

Con cái bước vào tuổi dậy thì ẩm ương”, bố mẹ nên dạy bảo thế nào?-3 

5. Cha mẹ nên trau dồi sở thích và nhắc trẻ rèn luyện thể chất 

Nhiều bậc phụ huynh kiểm soát con cái thái quá, thậm chí can thiệp cả vào sở thích của trẻ dẫn đến những quyền cá nhân bị xâm phạm. Điều đó rất dễ khiến trẻ, đặc biệt là trẻ tuổi mới lớn cảm thấy bức bối, bức xúc dẫn đến phản kháng mạnh mẽ và càng nổi loạn hơn.

Do đó, cha mẹ nên cho phép trẻ tập trung vào sở thích của mình để trẻ trau dồi được cảm xúc tích cực cũng như phát huy thế mạnh của bản thân, tất nhiên phải là sở thích lành mạnh. Đồng thời, phụ huynh hãy khuyến khích con thực hiện các bài tập thể chất có thể giải phóng căng thẳng về mặt tinh thần của trẻ và ngăn trẻ say mê trò chơi hoặc đi chệch hướng.

Có thể nói, cha mẹ chính là những người gần gũi nhất với con, là người huấn luyện, hiểu được những thay đổi tâm sinh lý của con. Vì vậy, chúng ta hãy tôn trọng tính cách của con, từng bước giúp con bước qua tuổi dậy thì suôn sẻ bằng những hành động cụ thể. Đừng chỉ nói suông hay gây áp lực thêm nữa vì sẽ thực sự khiến cho giai đoạn dậy thì của trẻ trở thành một giai đoạn nổi loạn.

6. Dạy con suy nghĩ theo hướng tích cực, biết theo đuổi ước mơ

Trong suốt quá trình dạy con tuổi dậy thì, bố mẹ sẽ là mũi tên quan trọng để hướng trẻ đi theo con đường tích cực. Suy nghĩ theo hướng tích cực sẽ giúp con đơn giản hóa về tất cả các sự việc đang xảy ra với bản thân mình, từ đó hình thành khả năng thích ứng với cuộc sống, dễ dàng vượt qua khó khăn, khủng hoảng ở lứa tuổi dậy thì.

Ngoài ra, bố mẹ nên theo dõi con có năng khiếu gì, giỏi về lĩnh vực nào, thích làm gì… từ đó khuyến khích trẻ đặt mục tiêu cho tương lai, biết ước mơ và tạo điều kiện cho trẻ thực hiện ước mơ đó. Theo các nhà tâm lý học, khi trẻ tuổi dậy thì có ước mơ, có đam mê cháy bỏng thì trẻ sẽ làm tất cả bằng tâm và nhiệt huyết của mình. Nếu ngược lại, nếu phải làm những điều bản thân không thích thì con trẻ sẽ không có được niềm vui trong công việc, đôi khi còn nhận lấy những thất bại trong cuộc sống.

7. Tạo điều kiện cho trẻ được tự lập

Ở lứa tuổi dậy thì, trẻ từ một chỗ luôn phụ thuộc vào ba mẹ sẽ muốn thể hiện tính tự chủ trong suy nghĩ của mình. Con sẽ muốn tham gia đóng góp ý kiến và tự đưa ra các quyết định cá nhân. Chính vì vậy, để dạy con tuổi dậy thì cần bạn tạo điều kiện, dạy con tự lập và có quyết định những suy nghĩ của mình trong một giới hạn nhất định và đảm bảo an toàn cho con (như tự lựa chọn quần áo mình thích, tự sắp xếp nhà cửa, đồ đạc trong phòng, tự lựa chọn bộ môn yêu thích,....).

Con cái bước vào tuổi dậy thì ẩm ương”, bố mẹ nên dạy bảo thế nào?-4

Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện cho con được độc lập trong một số công việc cũng là cách để trẻ có thể tự giải quyết được khó khăn trong cuộc sống. Sự độc lập có thể mang lại lòng tự tin, thành công, giúp cho con bạn trưởng thành hơn và không phải sống một cuộc sống lệ thuộc vào bất cứ một ai.

8. Dạy cho trẻ sử dụng tài chính một cách đúng đắn

Một số bậc phụ huynh có suy nghĩ không cho con trẻ tiêu tiền sử dụng tiền quá sớm vì sợ sẽ làm hư con trẻ, đây chưa hẳn là một lựa chọn tốt. Thay vào đó các bạn có thể cho con một số tiền vừa đủ dùng không quá nhiều, và hướng dẫn cách sử dụng số tiền đó sao cho đúng.

Ví dụ như cho con con 20.000₫ đặt ra con sẽ chi tiêu trong 2 ngày, nếu hết sẽ không cho thêm, mục đích để con biết phân chia số tiền nên mua gì cho đúng và chia ra cho 2 ngày. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng nên khuyến khích trẻ nuôi heo đất, tiết kiệm tiền có thể quyên góp mua tập, sách cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn,...

Theo V.K - Vietnamnet


tuổi dậy thì

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.