Con muốn chơi đồ chơi của bạn nhưng bị từ chối phũ phàng, cha mẹ thông minh sẽ nói 3 câu này

Con thích chơi với món đồ chơi của người khác nhưng lại bị đối phương từ chối nên rất buồn bã, thậm chí khóc lóc. Lúc đó bố mẹ nên làm gì?

Thực tế là trên đời không có ai thành công mà không phải đối mặt với thất bại và bị từ chối. Vì vậy, nếu trẻ không được dạy cách đối mặt với sự từ chối một cách chính xác thì khi gặp điều gì mình yêu thích, chúng sẽ không dám chủ động theo đuổi vì sợ bị từ chối hoặc khi thử rồi mà bị từ chối sẽ rất thất vọng và bực bội. Đó là những cảm xúc tiêu cực rất không tốt cho trẻ và nếu cha mẹ không kịp thời giúp con học cách đối phó khi bị từ chối đúng cách có thể ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc của chúng trong cuộc sống. 

Do vậy, sau khi trẻ bị từ chối trước mong muốn nào đó, cha mẹ thông thái hãy nói với con 3 câu sau để giúp trẻ cân bằng cảm xúc và không cảm thấy bị tổn thương bởi những suy nghĩ tiêu cực:

Con muốn chơi đồ chơi của bạn nhưng bị từ chối phũ phàng, cha mẹ thông minh sẽ nói 3 câu này-1

1. "Bị từ chối cũng không sao"

Có một sự thật không thể chối cãi là người nào rồi cũng có thể bị từ chối nhiều lần trong đời, chẳng hạn lúc nhỏ muốn chơi đồ chơi của bạn nhưng bị từ chối, đi học muốn chơi cùng bạn nhưng bạn không thích, khi lớn lên đi xin việc thì không được nhận…

Có nhiều lý do để một người bị từ chối, có thể là do điều kiện khách quan không thể đáp ứng được mong đợi, có thể là lựa chọn thời điểm và bối cảnh không phù hợp, hoặc người khác chưa hiểu đủ về mình. Rất nhiều khi bạn bị từ chối nhưng không phải là do bạn không tốt nên nếu bạn bị từ chối cũng đừng nặng nề quá.

Đối với trẻ cũng vậy, khi con bị từ chối, ba mẹ hãy nói với trẻ rằng “Bị từ chối cũng không sao cả”. Đồng thời, trên con đường trưởng thành, hãy giúp con bạn không ngừng rèn luyện cách đối phó với sự từ chối một cách đúng đắn và tích cực. Làm được điều này cuộc sống của con sẽ bớt đi sự nghi ngờ bản thân không cần thiết, và cuộc sống sẽ đơn giản và dễ dàng hơn.

Ngoài ra, bố mẹ cũng cần giúp trẻ hiểu lý do tại sao chúng bị từ chối và sự đồng cảm là một cách tuyệt vời để làm điều đó. Ví dụ, khi bạn đưa con xuống sân chơi, một bé khác có chiếc ô tô đồ chơi rất đẹp và con bạn nhìn nó đầy thèm muốn. Thế nhưng khi con bạn mon men lại gần muốn chơi cùng thì bạn bé kia liền thẳng thừng từ chối khiến con bạn hụt hẫng, buồn rầu, thậm chí òa khóc với bạn để tìm kiếm sự an ủi. Lúc này, cha mẹ có thể ngồi xổm xuống và nói với trẻ: "Con muốn chơi đồ chơi của bạn nhưng bạn không chịu nên con cảm thấy buồn bực phải không?". Sau đó hãy tiếp tục giải thích để trẻ hiểu: "Bị từ chối là điều rất bình thường con ạ. Con hãy thử nghĩ xem nếu con đang chơi với một món đồ chơi mới mà con rất thích thì bạn khác đến mượn để chơi một lúc thì con có đồng ý không?".

Như vậy, sau khi trẻ suy nghĩ về vấn đề từ quan điểm của người khác và biết tại sao mình bị từ chối, trẻ có thể thực sự hiểu và chấp nhận “bị từ chối cũng không sao”.

Con muốn chơi đồ chơi của bạn nhưng bị từ chối phũ phàng, cha mẹ thông minh sẽ nói 3 câu này-2

2. "Hãy nghĩ xem con có thể làm gì khác"

Về bản chất, “từ chối” là một vấn đề tương tác xã hội mà trẻ cần giải quyết trong quá trình lớn lên. Nhà tâm lý học phát triển trẻ em người Mỹ Mona Schur đã chỉ ra trong cuốn sách “Làm thế nào để trau dồi năng lực xã hội cho trẻ” rằng khi đối mặt với những vấn đề như “bị từ chối và cảm thấy không được chấp nhận”, người lớn nên giúp trẻ tự suy nghĩ và hướng dẫn trẻ tự giải quyết vấn đề.

Cha mẹ cần giúp con cái hiểu ngay từ khi còn nhỏ rằng một vấn đề có thể có nhiều cách giải quyết. Khi đối mặt với sự từ chối, hãy nói với con bạn rằng "Hãy nghĩ xem con có thể làm gì khác không" và gợi ý cho con cách khác hiệu quả hơn. Chẳng hạn, cha mẹ có thể thảo luận với trẻ các giải pháp khác, ví dụ gợi ý với bạn việc thay phiên, trao đổi đồ chơi cho nhau hoặc muợn đồ chơi trả kẹo…

Điều này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen suy nghĩ khi gặp vấn đề, đồng thời giúp trẻ hiểu rằng có nhiều hơn một cách để đạt được kỳ vọng và trẻ không nhất thiết phải dùng phương pháp đầu tiên con nghĩ ra. Khi bị từ chối, con có thể thử các phương pháp khác và nhất là con không được từ bỏ dễ dàng.

Cách nhìn nhận và suy nghĩ về vấn đề này không chỉ giúp trẻ có được những mối quan hệ tích cực ngay từ khi còn nhỏ mà còn giúp trẻ đối phó đúng đắn với những trở ngại như thất bại và bị từ chối khi lớn lên.

Con muốn chơi đồ chơi của bạn nhưng bị từ chối phũ phàng, cha mẹ thông minh sẽ nói 3 câu này-3

3. "Con không thể quyết định người khác, nhưng con có thể là chính mình"

Trên đường đời, chúng ta sẽ gặp những con người với nhiều tính cách khác nhau, đôi khi gặp phải những lời từ chối, không thể kiểm soát được hành vi của người khác, nhưng chúng ta có thể tự điều chỉnh tốt hơn và sẵn sàng bắt đầu lại.

Nữ diễn viên Thái Thiếu Phân đưa hai cô con gái đến tham gia chương trình "The Incredible Mother". Trong một tập phim, cô em gái muốn chơi với những đứa trẻ khác, nhưng bị từ chối nên rất buồn rầu. Nhận thấy điều này, cô đã nói với con một câu rất kích thích suy nghĩ: "Mẹ hiểu cảm xúc của con nhưng mẹ dạy con điều này nhé. Con hãy cười nhiều hơn, chủ động và là chính mình, khi đó các bạn chắc chắn sẽ bị con thu hút. Còn nếu con quá để tâm đến việc bị từ chối thì con sẽ mãi là một người bất hạnh…"

Như vậy, trong tương tác với người khác, đừng quan tâm quá nhiều đến thái độ của họ mà hãy là chính mình và là một người hạnh phúc thì cơ hội sẽ đến với bạn. Giống như người xưa vẫn hay ví von: "Đừng đuổi theo một con ngựa, mà hãy dành thời gian đuổi một con ngựa để trồng cỏ. Khi hoa nở rộ, tự nhiên sẽ có một đàn ngựa đến cho bạn lựa chọn". Tóm lại, “Hoa nở thì bướm sẽ tự đến” và điều quan trọng nhất của cuộc đời là làm giàu cho bản thân và là chính mình. Cha mẹ hãy dạy con điều này ngay từ khi còn nhỏ và hãy để trẻ học cách chấp nhận những điều mà chúng không thể kiểm soát một cách bình tĩnh, đồng thời làm việc chăm chỉ để cải thiện bản thân. Lúc đó, mọi thứ chúng muốn sẽ đến với chúng theo cách còn tốt hơn.

Theo V.K - Vietnamnet


Nuôi Dạy Con


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.